Con người khiến trái đất thêm chao đảo

30/09/2018 20:14 GMT+7

Địa cầu không phải là một khối tròn hoàn hảo, thay vào đó là dạng hình cầu dẹt - bị ép từ phần đầu khiến đường kính từ cực bắc đến cực nam ngắn hơn đường kính quanh xích đạo.

Hành tinh của chúng ta cũng sở hữu những đặc điểm không đồng nhất, với một số phần của thế giới bao phủ bởi các đại dương khổng lồ, trong khi các phần khác lại trập trùng núi non. Về mặt tự nhiên, điều này dẫn đến tình trạng trọng lượng được phân bổ không đều xuyên suốt bề mặt địa cầu, giúp giải thích tại sao trục xoay của trái đất biến đổi theo thời gian. Trên thực tế, trục địa cầu mỗi năm lệch khoảng 10,5 cm, dựa trên kết quả đo đạc được thực hiện trong thế kỷ 20.
Giới khoa học từng cho rằng sự thoái lui của các sông băng là một trong những nguyên nhân chính khiến trái đất càng thêm lắc lư. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thuộc Phòng Thí nghiệm động lực học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện việc băng tan chỉ chịu trách nhiệm khiến trục xoay lệch 3,5 cm. Trong khi đó, hoạt động của con người góp một phần không nhỏ khiến trái đất của chúng ta chao đảo trong lúc di chuyển, chẳng hạn như rút nước ngầm trong lòng đất hoặc xây dựng các hồ chứa nước khổng lồ, theo báo cáo trên chuyên san Earth and Planetary Science Letters. Kết quả cho thấy con người tạo nên độ lệch thêm 4,3 cm hằng năm, mạnh hơn cả hiện tượng tự nhiên là băng tan kể từ khi Kỷ Băng hà cuối cùng chấm dứt cách đây khoảng 16.000 năm.
Đội ngũ chuyên gia NASA trấn an rằng việc trái đất “run rẩy” trên trục của nó không gây nguy hiểm gì cho con người đang sống trên hành tinh này. Không hề có thiên tai nào xảy ra vì địa cầu chao đảo, nhưng dữ liệu vừa thu được đóng vai trò quan trọng cho nỗ lực nghiên cứu các hiện tượng khác của trái đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.