Mô hình chính quyền đô thị của TP.HCM được các đại biểu Quốc hội thảo luận khá sôi nổi trong những ngày qua cho thấy mức độ quan tâm đối với một đề án lớn, được ấp ủ nhiều năm của TP đông dân nhất nước, đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế.
Trong đề án, TP.HCM đưa ra nhiều điểm tích cực khi áp dụng như bộ máy hành chính tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu… Với một TP hơn 13 triệu dân, khối lượng hồ sơ hành chính cần giải quyết cho người dân, doanh nghiệp rất lớn nên phần lớn người dân, chuyên gia và các đại biểu Quốc hội kỳ vọng đề án này sẽ cải thiện được chất lượng phục vụ hành chính của TP.HCM.
Theo báo cáo chỉ số cải cách hành chính năm 2019 do Bộ Nội vụ công bố hồi tháng 5.2020, TP.HCM đứng thứ 7 trong số 63 tỉnh thành. Còn theo bảng xếp hạng về mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 thì TP đứng thứ 50. Điều đó cho thấy dù TP có nhiều nỗ lực cải cách hành chính nhưng vẫn chưa đủ để làm hài lòng người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, một số địa phương không áp dụng mô hình chính quyền đô thị như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp… vẫn tạo ra đột phá về cải cách hành chính và mang lại sự hài lòng cho người dân.
Mô hình chính quyền đô thị có thể tạo cơ chế giúp cho bộ máy vận hành nhanh hơn và trơn tru hơn nhưng mấu chốt vẫn là con người vận hành bộ máy đó. Và câu hỏi được nhiều chuyên gia cải cách hành chính đặt ra là chính quyền đô thị có giải quyết được sự trì trệ của bộ máy hành chính, có khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” hay không? Nếu cán bộ, công chức vẫn giữ một thái độ thờ ơ, vô cảm thì người dân, doanh nghiệp vẫn bị “hành” như trước. Bởi vậy, trong khi chờ Quốc hội thông qua đề án chính quyền đô thị thì TP.HCM cần nâng cao trình độ, chấn chỉnh thái độ phục vụ của cán bộ, công chức làm bước đệm để sau này vận hành trơn tru, để người dân hưởng lợi.
Bình luận (0)