Tan trận Czech - Bồ Đào Nha, rất đông phóng viên đứng chen chúc trong khu đường hầm ở sân Warsaw. Mọi chú ý lúc này đều dồn vào cái tên Cristiano Ronaldo.
Sau mỗi trận đấu, cầu thủ hai đội thường phải đi qua một khu vực gọi là “mixed zone”. Tại đây, những phóng viên được lựa chọn sẽ có cơ hội nhỏ nhoi tiếp cận cầu thủ trong khoảng thời gian chỉ đủ để hỏi một câu. Máy chụp ảnh, quay phim đều không được phép mang vào.
Khi trận đấu tứ kết đầu tiên kết thúc, tôi đã xuống khu “mixed zone”, chỉ để chờ cơ hội được hỏi Ronaldo một câu. Tuy nhiên, dự định ấy ngay từ đầu đã bị phá sản, bởi trước mặt tôi là một rừng phóng viên cao lớn lừng lững, đã đứng chiếm hết các vị trí mặt tiền. Tôi đành phải bằng lòng với vị trí phía sau. Cũng tương tự tôi, tất cả các phóng viên có mặt ở khu tiếp xúc hôm đó đều muốn có một cơ hội, dù rất nhỏ bé, được hỏi Ronaldo một câu. Có người thủ sẵn áo, mũ, bóng hay một vật gì đó để xin chữ ký. Các tình nguyện viên làm việc dưới khu đường hầm cũng thế, đặc biệt là những cô gái trẻ, họ dường như quên nhiệm vụ của mình, cứ rạo rực trước khoảnh khắc chạm mặt Ronaldo, dù anh ta chỉ đi lướt qua rất nhanh hay dừng lại trả lời trong thoáng chốc.
|
Cơn sốt Ronaldo thì tôi đã tận mắt chứng kiến lần đầu cách đây 4 năm. Đấy là một buổi họp báo của đội tuyển Bồ Đào Nha tại thành phố Neuchâtel ở miền tây Thụy Sĩ, trong khuôn khổ Euro 2008. Lúc bấy giờ, Ronaldo còn khoác áo Manchester United và đang có nhiều thông tin đồn đoán rằng anh sẽ chuyển sang Tây Ban Nha. Trong buổi họp báo hôm đó, cánh phóng viên Anh - do đội tuyển xứ sương mù không có mặt tại Euro 2008 nên sự quan tâm của họ chỉ tập trung vào chuyện đi hay ở của Ronaldo - cứ hỏi đi hỏi lại khả năng chàng cầu thủ bảnh trai này sẽ đến xứ sở đấu bò. Màn chất vấn của các phóng viên Anh đã khiến ngôi sao Bồ Đào Nha nổi khùng thực sự.
Dịp ấy, tôi đã kịp hỏi Ronaldo đúng hai câu, và anh ta chỉ trả lời lướt qua trước khi bị đám đông phóng viên hâm mộ vây kín. Họ vây lấy anh không phải để phỏng vấn - nhiệm vụ chính của phóng viên, mà để chụp hình chung, xin chữ ký và bắt tay. Phóng viên lúc ấy cũng là người hâm mộ. Ronaldo thì cứ điệu đà, tóc lúc nào cũng bóng mượt, chỉ miễn cưỡng đáp ứng yêu cầu một vài người, trước khi bước nhanh vào trong.
Giờ đây, cảnh cũ lặp lại, ngôi sao Man United hồi ấy và bây giờ đang khoác áo cho Real Madrid càng trở nên hấp dẫn hơn xưa. Anh vừa bùng nổ, không chỉ một mà nhiều lần, sau mấy trận đầu khá im lặng. Sự tỏa sáng của Ronaldo khiến nhiều nhà chuyên môn dự đoán rằng Euro 2012 sẽ là dấu mốc đưa anh vào hàng ngũ những tên tuổi lớn của bóng đá thế giới qua mọi thời đại. Anh đang trên đường đưa Bồ Đào Nha tới đỉnh vinh quang, mà những cầu thủ lớn như Eusebio hay Luis Figo đều chưa làm được, nhiều người nghĩ thế. Tiền vệ Joao Moutinho của Bồ Đào Nha thì đánh giá Ronaldo cao hơn Lionel Messi.
Nhưng Ronaldo càng tỏa sáng, cơ hội tiếp cận của tôi, theo đó, cũng giảm xuống bằng 0. Mà không chỉ có tôi, cơ hội cho tất cả các phóng viên hôm ấy cũng không có nhiều, khi Ronaldo lướt qua rất nhanh. Những cánh tay giơ cao, những lời gọi tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha đều rơi vào khoảng không. Đừng hiểu rằng Ronaldo điệu đàng và chảnh chọe. Trong những thủ tục kiểu ấy, người ta đã có sự phân công ngay từ đầu về vai trò phát ngôn của từng cầu thủ. Hơn nữa, sau trận đấu Bồ Đào Nha - Czech, Ronaldo phải họp báo và nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. Đơn giản là anh không có thời gian. Thế nên chúng tôi thì không có cơ hội.
Nhưng dù sao, trong cuộc họp báo sau trận đấu, ít nhất Ronaldo đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên, cũng như bày tỏ quyết tâm của mình. “Vào tới bán kết một giải đấu như Euro là một kết quả tuyệt vời. Giờ đây, bất kể đối thủ sắp tới là Pháp hay Tây Ban Nha thì chúng tôi cũng nỗ lực hết mình để vượt qua họ và đặt chân vào chung kết”, ngôi sao Bồ Đào Nha nói vậy, và cười điệu đàng. Mái tóc của anh vẫn bóng nhẫy, như chưa hề trải qua hơn 90 phút thi đấu và những cú đánh đầu chết chóc. Anh vẫn cười tươi, như chưa từng biết mệt mỏi. Và anh vẫn cười điệu đàng với cặp mắt sáng lấp lánh, long lanh hút hồn những cô gái trẻ.
Một lần xem các trận đấu, các buổi tập của Bồ Đào Nha, mới có thể thấy được phần nào hấp lực mà Ronaldo tạo ra. Những cô gái trẻ khoác áo đấu có hình Ronaldo, những biểu ngữ mang dòng chữ “Ronaldo, em yêu anh” được giương cao trên khán đài, và các cô gái cứ thế hét khản giọng. Tôi đã gặp hình ảnh ấy ở Neuchâtel thuở nào, rồi gặp lại nó tại thị trấn Magaliesburg, nơi đội tuyển Bồ Đào Nha đóng quân tại World Cup 2010. Tôi nhớ, sau trận Bồ Đào Nha thua Tây Ban Nha 0-1 tại World Cup 2 năm về trước, trên khán đài sân Cape Town, tôi đã gặp một cô gái mắt ngấn lệ. “Ronaldo phải rời giải đấu, nhưng em vẫn yêu anh ấy”, cô gái Nam Phi đã nói với tôi như thế.
Trong trận đấu vừa qua, trên khán đài Sân vận động Quốc gia ở Warsaw, tôi cũng đã gặp những cô gái trẻ mê đắm Ronaldo. Họ là người Ba Lan, người Nga, người châu Á, nhưng lại là những ủng hộ viên cuồng nhiệt của Bồ Đào Nha. Đơn giản, Ronaldo đã chiếm trọn trái tim họ. Tình cảm cuồng nhiệt mà người ta dành cho Ronaldo, một cách vô điều kiện, là hiện tượng đặc biệt trên thế giới này. Trước nay, tôi chỉ thấy điều tương tự xung quanh Lionel Messi. Roberto Baggio, David Beckham có thể cũng từng được hâm mộ như thế, nhưng đó là chuyện của quá khứ và tôi cũng chỉ nghe kể, chứ chưa được tận mắt chứng kiến. Còn ở đây, xung quanh Ronaldo, tôi đã thấy một sự hứng khởi vô cùng, một niềm khát khao bỏng cháy.
Tôi nhớ mãi lời Hương, cô bé gốc Việt ở quận Praga mà tôi gặp sau trận đấu Bồ Đào Nha - Czech, rằng: “Em ủng hộ đội Czech, nhưng ở trận này, em đứng về phía Ronaldo”.
Đỗ Hùng
(từ Warsaw, Ba Lan)
Bình luận (0)