Khai thác triệt để quỹ đất
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công - Trường ĐH Fulbright VN, chỉ ra 2 nguyên nhân dẫn đến việc TP.HCM bị "trói chân" bởi các dự án hạ tầng thiếu vốn. Thứ nhất, TP.HCM là nơi có tỷ suất sinh lời cao, khả năng tạo ra GDP, sức cạnh tranh lớn nhưng chưa được quan tâm, phân bổ vốn tương xứng. Thứ hai, cách thức triển khai của TP vẫn còn chưa chủ động, quyết liệt.
"TP.HCM đang loay hoay gỡ các công thức cho PPP mà bỏ quên nguồn lực rất lớn từ giá trị của đất, phí phát triển, thuế cải thiện. Đơn cử, khi làm một tuyến đường mới hoặc mở rộng một con đường, giá đất hai bên tăng chóng mặt, nhà nước phải "è cổ" đền bù, giải phóng mặt bằng cho những người phải chuyển đi, trong khi những nhà bỗng dưng trở thành nhà mặt tiền lại nghiễm nhiên hưởng trọn giá trị từ đường mới. Điều này bất hợp lý, bất công. Trên thế giới, những trường hợp hộ dân được hưởng giá trị đất tăng cao sau mở đường, làm đường sẽ phải đóng thuế lại cho nhà nước để tái đầu tư, tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông", ông Du dẫn chứng.
Đây cũng là mô hình mà KTS - chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn đã nhiều lần kiến nghị. Theo ông Sơn, ở nước ngoài, mỗi khi mở đường, làm đường mới, chính quyền thường yêu cầu các hộ gia đình, nhà đầu tư tại khu đất hai bên phải đóng góp bằng chính sách mới. Tiền này sẽ được xoay vòng trở lại đầu tư vào việc thi công, thực hiện dự án. Làm như vậy sẽ vừa giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng, vừa giúp xoay vòng vốn, vừa công bằng. TP không cần phải lo đi vay để thực hiện các dự án hạ tầng, giao thông.
"Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã áp dụng cơ chế này và rất thành công trong việc phát triển các khu đô thị mới với những tuyến đường cao tốc. Khu kinh tế mới ở Thâm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh, Tô Châu... đều được xây dựng theo mô hình này. Một mặt đem lại lợi ích thu hồi đóng góp cho ngân sách để tái đầu tư cho chỗ khác, mặt khác có những con đường mới đi kèm là những khu đô thị chỉnh trang hiện đại, xứng tầm với những con đường mới, không xảy ra tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng như thường thấy ở VN", chuyên gia này dẫn chứng.
Nghe nhanh 6h ngày 7.2: 88 người ngộ độc sau khi ăn chè | Thổ Nhĩ Kỳ, Syria tan hoang vì động đất
"Hồi sinh" các dự án BT theo công thức mới
Bên cạnh đề xuất được làm BOT trên các tuyến đường hiện hữu, Sở GTVT TP.HCM cũng kiến nghị được xây dựng cơ chế áp dụng hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước (theo thỏa thuận trong hợp đồng BT) thay vì thanh toán bằng quỹ đất và tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư theo các quy định đã từng được áp dụng trước đây. Việc thanh toán hoàn vốn (bao gồm chi phí hợp pháp khác) cho nhà đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ được TP xác định, cân đối thanh toán trong khoảng thời gian nhất định và trên cơ sở tiến độ thực hiện, khả năng tăng thu ngân sách TP từ các nguồn như đấu giá, đấu thầu các quỹ đất công cũng như các chính sách tài chính khác.
Ủng hộ phương án này, cả TS Huỳnh Thanh Điền và TS Huỳnh Thế Du đều đánh giá thực chất đây chỉ là hình thức đầu tư dự án giao thông bằng ngân sách trả chậm. Hiện TP kẹt vốn thì có thể huy động các nhà đầu tư ứng tiền làm trước. Sau khi dự án hoàn thành sẽ trả tiền cho nhà đầu tư, cộng với lãi suất được tính theo cơ chế hợp lý. Cách làm như vậy sẽ giúp TP có thể triển khai nhanh các dự án trọng điểm cấp bách, không phụ thuộc vào khả năng cân đối kế hoạch vốn đầu tư công và cũng triệt tiêu được tình trạng tiêu cực, tham nhũng đã từng xảy ra với các dự án BT triển khai theo kiểu đổi đất lấy hạ tầng như trước đây.
Bình luận (0)