Theo các chuyên gia, các ngôi nhà Pháp cổ có chất lượng rất tốt nhưng đang được quản lý theo kiểu “cha chung không ai khóc” khiến mau chóng xuống cấp và có nguy cơ sập đổ.
Căn nhà số 60 Hàng Chiếu xập xệ ngay từ bên ngoài - Ảnh: Minh Hoàng
|
Lời kêu cứu từ những ngôi nhà trăm tuổi
Vụ sập nhà làm 2 người chết, 5 người bị thương ở ngôi nhà cổ số 107 Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội đang khiến hàng trăm người dân đang sinh sống trong những khu biệt thự, nhà cổ trăm năm tuổi ở TP này sợ hãi.
|
Dò dẫm vịn tường nhà, bước từng bước khẽ khàng xuống từng bậc cầu thang gỗ kêu ọt ẹt, bà Nguyễn Thị Kim, 56 tuổi, sinh sống ở tầng 2 ngôi biệt thự cổ số 16 ngõ Tức Mạc, đường Trần Hưng Đạo thở phào khi chân đã chạm xuống nền nhà. Theo bà Kim, ngôi biệt thự này là nhà từ thời bố mẹ của ông Phạm Xuân Thức, 97 tuổi, bây giờ vợ chồng con trai ông Thức ở một phòng giữa tầng 1. Còn lại, tổng cộng các phòng của 2 tầng nhà là nơi sinh sống của 12 hộ gia đình, mỗi hộ gia đình ít nhất 4 người. Cá biệt, có một căn phòng rộng khoảng 16 m2 ở tầng 2 (có gác xép) là nơi sinh sống của 2 cặp vợ chồng, mỗi cặp vợ chồng có thêm 2 người con. Toàn bộ khu vệ sinh, khu nhà bếp của căn biệt thự được dùng chung ở phía ngoài.
“Tường không thể sơn, không thể dán giấy vì nước thấm, mốc, tôi không dám gõ vào tường vì chỉ vỗ nhẹ một cái, vữa từng mảng bong hết ra. Nói dại, chứ nếu nhà sập, cũng biết chết thôi chứ làm thế nào”, anh Tùng - một người dân ở tầng 1 khu biệt thự số 16 này kể.
Bà Trần Bích Lan, 49 tuổi, người sinh sống ở tầng 2 khu biệt thự cổ số 112 ngõ Hàng Cỏ, đường Trần Hưng Đạo (ngõ đối diện nhà 107 bị sập) vẫn còn bàng hoàng sau vụ sập ngôi biệt thự cổ. “Mỗi tối, tôi ngủ mà cứ thon thót giật mình khi thi thoảng nhà lại rung rinh. Tôi ngẫm ra, cứ mỗi khi có xe du lịch cỡ lớn, hay xe xăng dầu chạy qua, toàn ngôi nhà của tôi và nhiều nhà cổ khác quanh đây đều cảm thấy nền nhà bị rung chuyển”, bà Lan sợ hãi.
|
Không chỉ người dân sống trong các khu biệt thự nơm nớp lo lắng, những người dân đang sinh sống trong các khu nhà cổ, được xây dựng từ thời Pháp đang lo sốt vó không biết nhà mình bị sập lúc nào.
Khi ông Lê Công Quý, 42 tuổi, người dân sống ở ngôi nhà số 124, ngõ Hàng Cỏ lấy ngón tay trỏ miết một vệt trên viên gạch nhô ra khỏi bức tường nhà, ngay lập tức, phần bột đỏ từ viên gạch bở ra như cám. Không chỉ nhà của ông Quý, toàn bộ các ngôi nhà cùng dãy đánh số từ 114 đến 142 của ngõ Hàng Cỏ đều chung cảnh xập xệ, u tối, những phần bê tông đã trơ các lõi sắt hoen gỉ. “Chúng tôi đều giơ cả hai tay khi nhà nước có lệnh di chuyển. Nhưng chuyển đi đâu, giá mà nhà nước lấy lại khu đất này, cho chúng tôi một nơi tái định cư an toàn hơn”, ông Lê Khánh Thành, 73 tuổi, sống trong nhà 124 buồn bã.
“Nhà mình còn không dám lắp quạt trần vì giờ trần nhà yếu quá rồi. Hôm qua lại nghe tin nhà Pháp cổ bên Trần Hưng Đạo sập, giờ mình cứ vừa ở vừa lo”, bà Linh, đang ở căn biệt cổ thự số 6 Tăng Bạt Hổ, còn “già” hơn căn số 107 Trần Hưng Đạo, than thở.
Sập là do quản lý yếu kém
Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn có khoảng 1.600 ngôi nhà cổ các loại do người Pháp xây dựng có tuổi đời từ 60 đến hơn 100 năm, mang phong cách kiến trúc Pháp được xếp vào dạng di sản, đa số nằm ở các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình. Trong đó, có 562 ngôi nhà thuộc sở hữu tư nhân, gần 1.100 ngôi nhà thuộc sở hữu nhà nước, ngôi nhà ở 107 Trần Hưng Đạo vừa mới bị sập thuộc diện này. Những ngôi nhà Pháp cổ này đều thuộc vùng trung tâm, các vị trí “đất vàng” có giá trung bình từ 500 - 900 triệu đồng/m2.
KTS Trần Huy Ánh, hội viên Hội Kiến trúc sư VN cho biết, từ những năm 70 của thế kỷ trước, các đơn vị của Pháp xây dựng ra những ngôi nhà Pháp cũ ở Hà Nội đã có văn bản thông báo cho Chính phủ ta rằng những ngôi nhà do họ xây ra đã hết hạn sử dụng. Họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu công trình xảy ra bất cứ sự cố nào. Tuy nhiên, đến nay, nhiều công trình vẫn được ta sửa chữa, tăng tuổi thọ để sử dụng vào nhiều mục đích. Có thể phân loại các nhà Pháp cổ thành 3 dạng do cơ quan T.Ư, cán bộ cao cấp sử dụng, người dân đang sinh sống và cơ quan công sở làm việc. Theo KTS Ánh, “Đáng lo nhất là những ngôi nhà Pháp cổ, thuộc tài sản công, được xếp vào dạng di sản nhưng lại không rõ trách nhiệm quản lý thuộc về ai, bị bỏ mặc nên rất nhanh hỏng, nguy cơ sập đổ cao”, KTS Ánh cho biết.
KTS Trần Huy Ánh cho biết, những nhà Pháp cổ có chất lượng rất tốt. Điển hình như ngôi nhà ở 107 Trần Hưng Đạo vừa bị sập, được xây dựng với những vật liệu tốt, phương pháp xây dựng tiên tiến nhất hồi đầu thế kỷ 20, khi đổ xuống để lộ những kết cấu thép, gỗ đều là chất liệu rất tốt. “Việc đổ sập ngôi nhà này là do công tác duy tu không được làm thường xuyên. Đây là bài học cảnh báo về sự quản lý nhà Pháp cổ yếu kém ở ta. Với sự quản lý của nhà nước như hiện nay, nguy cơ đổ sập của các công trình nhà Pháp cũ là luôn hiện hữu”, KTS Ánh nói.
Căn nhà Pháp cổ số 6 Tăng Bạt Hổ còn “nhiều tuổi” hơn căn số 107 Trần Hưng Đạo
|
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN nêu ý kiến, sau sự cố sập nhà Pháp cổ ở 107 Trần Hưng Đạo, TP.Hà Nội cần rà soát lại tổng thể tất cả các ngôi nhà dạng này trên địa bàn. Trong đó phải đánh giá lại tất cả các công trình xem thuộc dạng nào? Xây dựng từ bao giờ? Chất lượng hiện tại ra sao? Giá trị lịch sử, văn hóa như thế nào?... Qua đó, lập hồ sơ chi tiết về từng ngôi nhà và có kế hoạch, kinh phí duy tu bảo dưỡng hằng năm song song với việc sử dụng.
Cần thống kê, bảo tồn nhà cổ của người dân
Theo bảng tổng hợp số liệu kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa giai đoạn 2010 -2015 trên địa bàn TP.HCM hiện TP có 168 công trình, địa điểm đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích lịch sử. Đây phần lớn là những công trình công cộng, công trình tôn giáo của nhà nước.
KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội KTS TP cho biết, hiện nay 168 công trình nằm trong danh sách được xếp hạng đang được gìn giữ, trùng tu rất tốt. Chỉ riêng nhà thờ Đức Bà hiện các tháp chuông đã hư hỏng nhưng nhà thờ cũng đã có kế hoạch trùng tu, sửa chữa lại. Điều đáng bàn ở đây là các công trình của người dân hiện nay do chưa được thống kê, đưa vào trong danh sách bảo tồn và đặc biệt là chưa có một quy chế quản lý nên ngày một “rơi rụng”. Trước áp lực đô thị hóa mạnh mẽ, người dân đã tự đập bỏ nhà cổ, nhà xây theo kiến trúc Pháp để xây mới, đáp ứng nhu cầu tăng dân số và kinh tế. Vì vậy, theo KTS Nguyễn Trường Lưu, cần phải có quy chế, hướng dẫn và quan trọng nhất là chính sách hỗ trợ duy tu cho nhà của người dân sở hữu. Ở một số nước, nếu thật sự là di sản, chính phủ khuyến khích người dân bán cho chính phủ để sử dụng vào mục đích.
Như Singapore, chính phủ mua lại làm các cửa hàng bán hàng lưu niệm hoặc cho thuê nhưng người sử dụng phải tuân thủ các di sản bảo tồn. Ở Trung Quốc người dân được hỗ trợ tài chính để chủ nhà ở chỗ khác, ngôi nhà cổ dùng để làm nơi bán đồ lưu niệm để không cần phải cơi nới, sửa chữa phục vụ nhu cầu ở. “Đối với các công trình lớn của nhà nước đã có quy định về trùng tu theo luật Di sản, còn đối với nhà dân TP cần lập ra hội đồng cái gì cần giữ thì giá nào cũng phải giữ. Đồng thời ra một quy chế để người dân dựa vào đó làm. TP cũng cần hỗ trợ về tài chính để người dân có kinh phí duy tu, bảo dưỡng căn nhà. Không thể bắt người dân bảo tồn được nhà cổ nếu không có chính sách tài chính hỗ trợ. Trong công tác bảo tồn phải xét từng căn nhà cụ thể xem mỗi công trình giữ lại gì, bỏ gì. Mỗi công trình có một giải pháp khác nhau”, KTS Lưu phân tích.
Theo KTS Lưu, việc bảo tồn nhà cổ, biệt thự xây dựng theo kiến trúc Pháp, công trình cổ là cần thiết bởi nó thể hiện cái hồn của một TP. Trong một đô thị phải có hồn, có hiện tại, tương lai, có một quá khứ và lịch sử. Đó chính là những công trình cụ thể đã gắn liền với lịch sử, quá trình phát triển của TP.
Đình Sơn
|
Khám nghiệm hiện trường vụ sập nhà Pháp cổ
Trong ngày hôm qua 23.9, cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường vụ sập nhà Pháp cổ ở 107 Trần Hưng Đạo. Nhiều người dân vốn ở ngôi nhà bị sập cũng được cảnh sát đưa vào để tìm kiếm, thu dọn đồ đạc về nơi ở mới là tòa CT1B Định Công ở Q.Hoàng Mai. Cùng ngày, Sở Xây dựng Hà Nội cũng gửi báo cáo nhanh lên UBND TP.Hà Nội. Theo đó, ngôi nhà Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo được xác định hiện thuộc sự quản lý, sử dụng của Tổng công ty đường sắt VN. Tuy nhiên do điều kiện khó khăn về nhà ở cho cán bộ công nhân viên, tổng công ty đã cho 62 hộ dân thuê nhà tại nhà 107 Trần Hưng Đạo. Trên cơ sở ý kiến của UBND TP, Bộ Tài chính đã thống nhất giữ lại cơ sở nhà đất tại 107 Trần Hưng Đạo tiếp tục làm trụ sở làm việc của Tổng công ty đường sắt VN, đồng thời yêu cầu di dời, chấm dứt việc cho thuê nhà để trả lại đúng công năng sử dụng đã được quy định.
Còn theo Tổng công ty đường sắt VN, đơn vị này đã nhiều lần muốn di dời 62 hộ dân cho thuê và đầu tư xây nhà tái định cư cho các hộ này để xây mới trụ sở nhưng việc phá dỡ nhà 107 Trần Hưng Đạo lại không được TP cho phép vì nhà nằm trong diện bảo tồn nhà cổ.
Mai Hà - Anh Đan - Minh Hoàng
|
Bình luận (0)