Còn nhiều phim bị lời bình áp đặt

11/06/2012 09:28 GMT+7

Từng mang ba vali đồ nghề sang Zaire (CHDC Congo) nhiều lần để theo đuổi đề tài chính trị, đạo diễn phim tài liệu tài danh người Bỉ Thierry Michel dành nhiều hi vọng khi đến với các “học trò Việt Nam”.

 Còn nhiều phim bị lời bình áp đặt
Đạo diễn Thierry Michel với các học viên trẻ VN - Ảnh: Nga Linh

Ông vừa có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ trên đường đến với phòng chiếu quen thuộc của Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương, nhân Liên hoan phim tài liệu châu u đang diễn ra lần lượt tại Hà Nội (8 đến 17-6) và Đà Nẵng (15 đến 24-6).

* Lần thứ tư trở lại Việt Nam, không thấy thầy Thierry Michel “than phiền” về sự vắng vẻ trong lớp học. Số lượng các tác phẩm phim tài liệu cũng dồi dào hơn, ông có thấy mình đã được xem những tác phẩm hay?

- Tôi thấy rõ sự hiện diện của các bạn trẻ, đặc biệt phần đông học viên của tôi lại là nữ, họ rất tự tin khi trình bày các dự án làm phim. Điều này khá thú vị, vì trong môi trường làm việc của tôi, phụ nữ còn nhiều người phải chăm sóc gia đình, chồng con, không đủ sự dấn thân.

Qua những bộ phim đã được xem, tôi nhận thấy vẫn có ba dòng chảy chính: phim tài liệu truyền thống, mang nặng tính tuyên truyền và say sưa với đề tài bản sắc dân tộc; phim tài liệu theo hình thức điện ảnh hiện thực, kết quả nhiều năm của Xưởng Atelier Varan (Pháp) tại Việt Nam (mà một số nữ đạo diễn như Trần Phương Thảo, Nguyễn Thị Kim Hải... đã theo đuổi); những bộ phim đầu tay của những bạn trẻ ngoài nghề, yêu thích phim tài liệu đến từ Doclab (Trung tâm Thử nghiệm về phim tài liệu và nghệ thuật video, Hà Nội).

Những cách tiếp cận mới đối với hiện thực, những hình thức thể hiện mới trong cách kể chuyện cũng bắt đầu xuất hiện.

* Học trò cũ tay bắt mặt mừng, học trò mới hăm hở mang dự án phim tới giới thiệu, còn ông đôi khi vẫn lắc đầu hay tua vội những đoạn phim tài liệu được giới thiệu. Phim tài liệu Việt Nam có đang lệch chuẩn so với thế giới?

- Phải khẳng định tôi nuôi dưỡng sự hi vọng với phim tài liệu của các bạn và việc tua đi nhiều khi... do thời gian học rất ngắn, gấp gáp.

Không có khoảng cách nào trong phim tài liệu giữa các quốc gia, vì xu hướng tồn tại nói chung của loại hình này là gần với hiện thực nhất có thể, cùng máy quay đi theo từng câu chuyện, từng số phận.

Tuy nhiên, một nguyên tắc khi làm phim tài liệu là: ghi lại được hiện thực qua hành động chứ không phải qua một kịch bản đã viết sẵn và nội dung thuyết minh sau đó. Chỉ có lời kể tự nhiên của nhân vật khi họ thật sự tin tưởng và gần gũi để chia sẻ với nhà làm phim, cùng những bối cảnh thật mới chỉ ra hiện thực một cách tốt nhất, gây xúc động nhất. Tôi đã rất thất vọng vì không hề có cuộc hội ngộ nào giữa viên cai ngục khét tiếng Bảy Nhu với những cựu tù Phú Quốc, không có một lời trần tình nào về tội ác mà ông ta đã gây ra, dù đoàn phim Đỉnh trời đáy vực (đạo diễn Bùi Thị Phương Thảo) rất trau chuốt về mặt hình ảnh, đã tiếp cận, thậm chí thuyết phục được nhân vật cho mình vào nhà quay phim... Quá nhiều bộ phim Việt Nam bị lời bình áp đặt, dẫn dắt cả phim, không xây dựng được kịch tính... Khán giả trông chờ một cú sốc của hiện thực nhưng cuối cùng không có và toàn bộ cảm xúc nhanh chóng tan biến.

* Vậy ông đang kỳ vọng điều gì ở các nhà làm phim Việt Nam?

- Điều tôi muốn nói với các học viên của mình là hãy sử dụng phim tài liệu để đi vào mọi thể chế xã hội, với đầy đủ con mắt yêu thương và cả phê phán. Chỉ ra mọi vấn đề của xã hội như là một cầu nối tới các nền văn hóa, khám phá bản sắc các dân tộc, đặc biệt khi bạn mang phim ra nước ngoài trình chiếu, tranh giải.

Đã có sự xuất hiện của những nữ đạo diễn như Trần Phương Thảo (Trong hay ngoài tay em, Giấc mơ công nhân), Nguyễn Thị Kim Hải (Luôn ở bên con) chịu khó khảo sát, tìm ra được những nhân vật có bối cảnh lịch sử, ghi lại chân thực hình ảnh xảy ra... song vẫn thiếu những phong cách riêng.

Cùng người trẻ từ Hà Nội đến Đà Nẵng

Ngoài Thierry Michel, hôm nay (11-6), vào 14g tại Viện Goethe Hà Nội, nhà làm phim người Anh Andrew Standen-Raz sẽ chiếu và nhận xét một bộ phim ông dựng lại từ các phim ngắn 1-5 phút do các học viên của Doclab thực hiện về Bản chất Hà Nội thông qua cái nhìn cá nhân.

Sau khi diễn ra tại Hà Nội tối 11-6, “Đêm của các nhà làm phim trẻ” với 14 bộ phim tài liệu của những nhà làm phim trẻ và buổi giao lưu với ba đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Trinh Thi, Trần Phương Thảo sẽ đến Đà Nẵng vào ngày 21-6.

Vé mời các buổi chiếu phim (trung bình 2 phim/tối của Việt Nam và nước ngoài) nhận tại Fafilm Việt Nam: 79 Quang Trung, Đà Nẵng (hoặc truy cập website: http://www.goethe.de/ins/vn/han/vi9364414v.htm).

Nga Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.