(TNO) Nhiều bất cập về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai đã được chỉ ra trong báo cáo giám sát do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì thực hiện.
>> Nhiều sai phạm trong quản lý đất đai tại Cần Thơ
>> Tham nhũng trong quản lý đất đai
>> Giám sát chặt chẽ việc quản lý đất đai, tài nguyên
>> Bắt nguyên Phó văn phòng quản lý đất đai Hàm Thuận Nam
>> Sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai ở Hóc Môn, TP.HCM
>> Sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai ở Hóc Môn, TP.HCM
>> Sẽ khởi tố vụ án sai phạm trong quản lý đất đai tại Tam Đảo
|
Trong phiên làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (18.9), dẫn số liệu của Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cho hay từ năm 2003 - 2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC), trong đó đơn thư liên quan đến đất đai bình quân hằng năm chiếm 69,79%.
Từ năm 2008 - 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư với 495.017 vụ việc. Kết quả giải quyết KNTC đạt 84%, trong đó có cả các vụ KNTC đúng, có đúng có sai hoặc các vụ được xác định là KNTC sai.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, trong vấn đề quản lý đất đai, nội dung KNTC đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung vào khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chiếm 70%); khiếu nại về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%; và khiếu nại về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%.
Đoàn giám sát cho hay về cơ bản, các quyết định hành chính về đất đai được các cấp, các ngành ban hành theo đúng thẩm quyền, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về nội dung, hình thức, trình tự và thủ tục.
Còn một số quyết định hành chính về đất đai bị KNTC là do chưa đảm bảo trình tự, thủ tục, hình thức theo luật định, trái với thẩm quyền; một số nội dung chưa phù hợp, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người dân.
Đối với các vụ việc thuộc cơ quan hành chính nhà nước thụ lý giải quyết thì tỷ lệ KNTC đúng và có đúng có sai chiếm 47,8%, có địa phương tỷ lệ này rất cao. Tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại tòa án nhân dân các cấp chiếm 19,5% các vụ được đưa ra xét xử.
“Qua đó có thể thấy việc KNTC của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót”, đoàn giám sát nhận định.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến KNTC quyết định hành chính về đất đai được chỉ ra trong báo cáo, ngoài các quy định pháp luật thiếu đồng bộ, thiếu ổn định, chưa sát thực tế; các chính sách liên quan bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất qua các năm thiếu đồng nhất, còn bất cập…, có nguyên nhân căn bản từ sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức.
“Còn một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế về kiến thức pháp luật, không được đào tạo sâu chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; sa sút phẩm chất đạo đức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, chia chác đất đai”, đoàn giám sát báo cáo.
Để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng KNTC phổ biến của người dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, Đoàn giám sát đưa ra 15 kiến nghị, chủ yếu nặng về khâu sửa đổi chính sách pháp luật, tuyên truyền, giáo dục.
Qua thảo luận, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng báo cáo chưa tập trung làm rõ được nội dung giám sát chủ yếu là KNTC các quyết định hành chính về đất đai, chưa chỉ rõ được ai, địa phương nào, cấp chính quyền nào sai phạm nhiều và đặc biệt là chưa làm rõ được địa chỉ sai phạm.
Nhấn mạnh tình trạng KNTC về đất đai của dân hiện nay là nghiêm trọng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị đoàn giám sát bổ sung, chỉnh sửa, làm rõ trong báo cáo về thực trạng KNTC hiện nay như thế nào; chỉ ra được “địa chỉ” sai phạm cụ thể để làm rõ trách nhiệm, tổ chức cá nhân trong việc ban hành các quyết định hành chính về đất đai, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tiễn để chấn chỉnh trong thời gian tới.
Bảo Cầm
Bình luận (0)