Chị Nguyễn Thanh Tịnh (32 tuổi), mẹ của Bạch Dương, cho rằng khả năng tiếng Anh của bé không phải là một... tia sáng được phát hiện ra vào một ngày đẹp trời như mọi người nghĩ. Chị vốn tốt nghiệp ngành kế toán tại Trường ĐH Duy Tân (TP.Đà Nẵng) nhưng ra trường làm trái nghề. Hiện tại, chị Tịnh đang làm ở lĩnh vực công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, sự yếu kém về tiếng Anh đã khiến chị luôn cảm thấy tự ti và không được đánh giá cao. Khi bé Bạch Dương lên 4 tuổi, chị quyết định đăng ký học tiếng Anh vì thấy ngoại ngữ rất quan trọng. Vì thế, chị cố gắng học và cho con tiếp cận với ngoại ngữ sớm.
"Năm đó rơi vào giai đoạn mùa dịch Covid-19, nên mình có thời gian ở cạnh bên con nhiều hơn. Mình học từng chút và hướng dẫn con những gì cần sử dụng trong đời sống của bé. Sau đó, mình sẽ cùng con đi theo trình tự mà bé phát triển tiếng Việt ở những năm đầu đời: nghe, hiểu ba mẹ nói gì, lặp lại, hình thành ngôn ngữ theo tình huống ngữ cảnh trong gia đình mỗi ngày…", chị Tịnh kể.
Theo chị Tịnh, nói tiếng Anh cũng như cách các bé sử dụng tiếng Việt, đó là nghe trước, nói sau. Ở độ tuổi thích hợp, các bé mới học đọc và viết. Vì thế, các bé sẽ cần kỹ năng nghe nói trước khi học đọc viết.
Bạch Dương học tiếng Anh như thế nào?
Bà mẹ trẻ đánh giá con mình chỉ thích tiếng Anh ở mức độ vừa phải, chưa quá gọi là đam mê. Hai mẹ con thường xem những bộ phim bằng tiếng Anh không có phụ đề để kích thích não bộ, đòi hỏi sự tò mò tìm hiểu nội dung. Có nhiều phim, hai mẹ con coi đi xem lại tới khi thuộc cả lời thoại.
Bé Dương thích diễn lại lời thoại của nhân vật và những bài hát thuộc thể loại phim nhạc kịch. Nó bao hàm rất nhiều cấu trúc câu tự nhiên của người bản xứ lẫn biểu cảm và phong cách đặc trưng. Bé Dương còn xem và học theo cách nói của nhiều giọng khác nhau như: Anh - Mỹ, Anh - Anh.
Hai mẹ con còn chơi thử thách nghe video của người bản xứ ở các chương trình truyền hình, sau đó đoán nội dung, phân biệt các chất giọng khác nhau. Chị Tịnh còn bày trò cho con chơi giải nghĩa từ vựng qua các ví dụ và tình huống bằng tiếng Anh để bé hiểu ngữ nghĩa đa dạng và sâu sắc hơn.
Nhờ vậy, bé Dương tiến bộ từng ngày. Mặc dù bé Dương chưa đầy 5 tuổi nhưng đã học hết chương trình tiếng Anh cho trẻ em từ 4 đến 6 tuổi. Sau đó, trung tâm không còn lớp nào phù hợp với bé vì giáo trình bằng tuổi thì quá đơn giản, còn giáo trình lớn hơn thì bé vẫn chưa thể đọc viết. Chị Tịnh quyết định mày mò dạy con.
Bé Dương mê mẩn quay các video nói tiếng Anh về những hoạt động thường ngày và được dân mạng khen có chất giọng không thua gì một số diễn viên trong phim Disney. Những năm gần đây, bé còn dạy tiếng Anh cho em họ và cả… bà cố.
Khi thấy gia đình chị Tịnh nói tiếng Anh ro ro với nhau, nhiều người thắc mắc cho rằng bé Dương giao tiếp tốt vì gia đình có người nước ngoài. Có người còn quả quyết rằng bé này không thể nói tiếng Việt. Thế là hai mẹ con lại quay clip nói tiếng Việt cùng nhau.
Chị Tịnh tiết lộ gia đình mình không có ai là người nước ngoài hay làm giáo viên tiếng Anh. Bí quyết của chị đơn giản chỉ là tự học tiếng Anh và tạo môi trường giao tiếp cho bé. Bên cạnh đó, chị Tịnh còn quan sát, hiểu con và đưa ra những sự định hướng cũng như phương pháp để giúp con phát triển ngoại ngữ tốt hơn.
"Tiếng Anh cũng chỉ là một khía cạnh mình cảm thấy cần và quan trọng đủ để đầu tư, ngoài ra hai mẹ con còn rất nhiều những hoạt động vui chơi khác. Các em bé chỉ đang phát triển những gì tự nhiên nhất để đáp ứng đời sống thường ngày", chị Tịnh nói.
Chị Tịnh cho rằng ba mẹ chỉ là người tạo nền móng cho ngôn ngữ và môi trường sử dụng tiếng Anh cho bé mà thôi. Vậy nên, ba mẹ cũng không nên quá lo lắng việc mình nói không hay không chuẩn.
"Kể cả trong tiếng Việt, chúng ta cũng có nhiều giọng vùng miền khác nhau. Vì vậy, ba mẹ nên thoải mái và đừng sợ mắc lỗi khi học tiếng Anh. Hãy xem tiếng Anh như một công cụ để giúp con khám phá thế giới. Ba mẹ có thể phát triển tiếng Anh theo phong cách, cá tính riêng của mình và gia đình. Dù nói ngôn ngữ nào, bạn vẫn là chính mình, không cần phải trở thành người bản xứ để nói tiếng Anh. Bạn là người Việt Nam và có thể nói tiếng Anh. Đó là lý do ba mẹ nên tạo môi trường phát triển tiếng Anh cho con bằng cách học trước", chị Tịnh cho biết.
Hiện tại, Bạch Dương đang học ở một trường tiểu học công lập tại TP.Đà Nẵng, nơi bé giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Việt. Bé Dương sống chung trong một đại gia đình với 4 thế hệ và mọi người trong nhà đều nói tiếng Việt.
Thời gian rảnh rỗi, bé Dương cùng mẹ quay clip để mang lại niềm vui, cũng như tạo động lực cho mọi người yêu thích học tiếng Anh. Bạch Dương cũng mở một lớp trên Zoom để truyền cảm hứng, hướng dẫn các em bé từ 5 đến 8 tuổi học tiếng Anh miễn phí. Trong kỳ nghỉ hè, lớp này diễn ra vào tối thứ hai, tư, sáu từ 20 giờ đến 20 giờ 30. Khi vào năm học mới, Dương chỉ tổ chức 2 buổi mỗi tuần để đảm bảo việc học của mình không bị ảnh hưởng.
Thầy cô đánh giá thế nào?
Ông Zach Moffatt, tốt nghiệp ngành tiếng Anh, chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Đại học Western Oregon, Mỹ, hiện là giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM, nhận xét rằng khả năng nói tiếng Anh của bé Bạch Dương rất tốt, giống như người bản xứ. Chất giọng của bé đặc biệt, khiến ông tự hỏi bé đã học từ đâu, dù bé vẫn mắc một vài lỗi ngữ pháp.
Ông Moffatt đánh giá mẹ của Bạch Dương là một giáo viên giỏi. Theo ông, tự học và dạy con là một phương pháp tuyệt vời. Tuy nhiên, gia đình nên bổ sung thêm hướng dẫn ngữ pháp từ giáo viên. Ông tin rằng với khả năng hiện tại, Bạch Dương sẽ tiến bộ rất nhanh.
Ông Luân Vũ, người sáng lập Trung tâm LingoPass English, Q.3, TP.HCM khen bé Bạch Dương nói tiếng Anh trôi chảy và tự nhiên.
Theo ông, các bậc phụ huynh đang hy vọng dạy con mình ở nhà cũng có thể đạt được điều này, chỉ cần đảm bảo thực hiện theo một vài bước.
Đầu tiên, cha mẹ nên cố gắng tạo ra một môi trường vui vẻ và hấp dẫn để con mình học và đồng thời yêu thích tiếng Anh. Đây có thể là lý do tại sao bé Bạch Dương đặc biệt giỏi tiếng Anh, đơn giản là vì tình yêu của bé dành cho mẹ khiến cô bé cố gắng học nhiều hơn.
Thứ hai, hãy đảm bảo chọn các nguồn thông tin đáng tin cậy để dạy con bạn. Không phải tất cả các nguồn tài nguyên web và tổ chức giảng dạy đều được tạo ra như nhau. Hãy đảm bảo tìm các công cụ chính xác và phù hợp với phong cách học tập của con.
Cuối cùng, ba mẹ cần kiên nhẫn. Kỹ năng ngôn ngữ cần thời gian cho cả cha mẹ và con cái, nhưng những kỷ niệm sẽ tồn tại với cả hai trong suốt cuộc đời.
Bình luận (0)