Vì sao tiếng Anh là nỗi sợ của nhiều sinh viên ?

24/08/2024 06:00 GMT+7

Dù đã được nhà trường thông báo chuẩn đầu ra ngoại ngữ ngay từ đầu năm thứ nhất, nhưng đến năm 4 mà nhiều sinh viên vẫn bập bẹ tiếng Anh, nguy cơ tốt nghiệp đại học trễ hạn đang hiển hiện...

Học đối phó khiến bản thân mau nản…

Khi được hỏi "Vì sao lên đại học nhưng vẫn chưa thể đọc, viết, nghe, nói tiếng Anh?". Nguyễn Hải Sơn, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: "Trước đây mình thi khối A nên không chú trọng tiếng Anh cho lắm, mình đơn thuần tập trung nhiều vào toán, lý, hóa nên học lệch hoàn toàn. Chỉ thi tiếng Anh để "chống liệt" nên mình bỏ tiếng Anh từ đó. Bản thân cũng không sử dụng nhiều tiếng Anh trong cuộc sống nên mình không học".

Vì sao tiếng Anh là nỗi sợ của nhiều sinh viên ?- Ảnh 1.

Sinh viên đăng ký học theo lộ trình của trung tâm luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ

ảnh: NVCC

Mặc dù biết là cơ hội và thu nhập sẽ cao hơn khi biết ứng dụng tiếng Anh, nhưng hiện tại Sơn không có động lực để học. Bắt đầu học lại từ con số 0 khiến Sơn cảm thấy rất chán nản và lo sợ.

Còn Đa Thị Thu Thảo, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói: "Mình cảm thấy rất nản với kiến thức ngữ pháp, việc học để thi vì điểm số chỉ khiến mình học đối phó. Nếu ngày mai thi thì mình chỉ dành vào đêm để xem lại những kiến thức cũ theo đúng dạng câu hỏi đó rồi áp dụng. Thi xong mình không dùng tiếng Anh nhiều nên cũng cho qua. Đến giờ xem một số văn bản tiếng Anh mình vẫn phải dùng Google dịch, nghe cũng không được, mình thấy bế tắc lắm".

Thu Thảo cũng cho rằng các phương pháp học ở trường, lớp thì không đổi mới khiến bạn không hứng thú. Khi nói tiếng Anh thì hay sợ sai khiến người khác không hiểu, nên dần dần càng trở nên tự ti.

Bùi Minh Đạt, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: "Khi nhắc đến học tiếng Anh mình cảm thấy hơi sợ vì mình thấy việc học khá khó. Mình không xác định được mục tiêu, cũng là đứa ngại giao tiếp, nên mình không biết làm sao để cải thiện kỹ năng của mình. Mình có đầu tư một số tiền lớn để học thêm ở bên ngoài nhưng không có sự thay đổi. Nếu muốn học lại từ đầu mình cần có lộ trình kỹ lưỡng nhưng giờ mình không biết làm sao".

Hoang mang vì sợ không lấy được bằng

Hằng năm nhiều trường ĐH có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn thấp vì nhiều bạn chưa hoàn thành chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Có nhiều trường hợp sinh viên chạy đôn chạy đáo thi lấy các chứng chỉ ngoại ngữ nộp vào trường để xét tốt nghiệp.

Vì sao tiếng Anh là nỗi sợ của nhiều sinh viên ?- Ảnh 2.

Nguyễn Phi Vỹ ôn luyện tiếng Anh hằng ngày như một thói quen

ảnh: LƯU NGUYÊN PHƯƠNG

L.B.H (sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết một phần vì lịch học ở trường rất dày, có học kỳ lên đến 27 tín chỉ nên H. không đủ thời gian để học tiếng Anh. Mặt khác, thói quen hay chần chừ, do dự khiến bạn không thể quyết định dứt khoát ôn luyện từ sớm.

"Mình cảm thấy như đang học đối phó và đợi "nước tới chân mới nhảy" vậy. Trước mắt mình sẽ ráng học để lấy chứng chỉ TOEIC xét tốt nghiệp thôi. Và để kịp thi vào tháng 11, mình đang cố gắng siết chặt thời gian giải đề như thi thật, đồng thời kỷ luật bản thân nhiều hơn. Đó mới chính là khó khăn lớn nhất mà mình phải vượt qua ở thời điểm hiện tại", H. nói thêm.

N.N.H (sinh viên năm 4, Trường ĐH Luật TP.HCM) đã từng có ý định sẽ học chứng chỉ ngoại ngữ từ đầu năm 3. Tuy nhiên, vì một số công việc cá nhân nên kế hoạch này đã phải dời lại đến học kỳ cuối cùng mới chính thức ôn luyện. Vì không có khiếu học tiếng Anh nên H. đã gặp không ít khó khăn.

Cách vượt qua nỗi sợ

Nguyễn Phi Vỹ, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cũng là người từng rất sợ học tiếng Anh nhưng sau một thời gian đã dám đương đầu với thử thách. Vỹ chia sẻ: "Ngay từ đầu mình không có nhiều hứng thú với tiếng Anh, một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ thì rất khó để học vì môi trường giao tiếp không thuận lợi. Sẽ có lúc dễ chán nản vì phải học công thức hay từ vựng. Nhưng đó là bước đầu quan trọng nhất, nếu vượt qua được thì sẽ có được nền tảng để học thêm nhiều".

Phi Vỹ cho biết thêm phải đầu tư thời gian cố định trong ngày để giải đề hoặc nghe podcast. Mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ giúp bản thân bạn như chiến thắng được chính mình. Từ đó việc học tiếng Anh trở thành thói quen hằng ngày và sẽ tốt dần lên.

Còn Trần Nguyễn Nam Hưng, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, chia sẻ: "Năm 2020 mình đạt IELTS 6.5 và năm 2024 mình thi đạt 7.5. Ban đầu mình cũng không thích tiếng Anh. Mình cũng như mọi người khi học là hay quên từ vựng, phát âm sai, tiếp nhận các tình huống như: nói, viết còn chưa linh hoạt. Nhưng mình luôn cố gắng học, tìm ra cách học mà bản thân cảm thấy phù hợp. Đặc biệt nếu không biết mình sai ở đâu hay bắt đầu như thế nào thì cần tìm người hỗ trợ, kèm cặp. Từ đó giúp bản thân nhận ra điểm yếu và khắc phục dần".

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều Thu, Trưởng khoa Tiếng Anh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhận định: "Việc học một ngôn ngữ là bản năng của con người, cái chính vẫn là do sự kiên trì của người học. Sự kiên trì là cần thiết nhưng với cách tiếp cận ngoại ngữ một cách nhẹ nhàng, tự nhiên thì người học sẽ thấy bị cuốn hút vào và chủ động học tập hơn là cảm giác cố gắng áp đặt bản thân".

Theo tiến sĩ Kiều Thu, để chinh phục được tiếng Anh, sinh viên không nên sợ hãi mà nên đương đầu với khó khăn, tựa như chơi trò chơi leo núi. Núi có cao đến đâu, chúng ta cũng sẽ leo đến đỉnh miễn là đủ quyết tâm, dám vượt qua thử thách, chạm đến mục tiêu. Hãy suy nghĩ thật kỹ là chúng ta học tiếng Anh để làm gì và tùy theo mục tiêu mà chúng ta sẽ chọn khóa học phù hợp với mình. Học để giao tiếp hay học để đạt yêu cầu đầu ra đại học. Chọn đúng con đường phù hợp với mình, chọn được nơi đáng tin cậy và cố gắng tập trung học thì bạn sẽ vượt qua những dốc núi phía trước.

Tiến sĩ Thu khuyên: "Sinh viên chịu khó thường xuyên làm các bài tập trong giáo trình, thực hành theo chỉ dẫn của thầy cô trên lớp và tự mình phát triển thêm bằng một số phương pháp tự học phù hợp. Ví dụ bạn là người thích lắng nghe thì bạn ưu tiên học từ vựng bằng cách nghe đi nghe lại từ vựng đó, nghe các đoạn hội thoại hoặc phim ngắn có từ vựng đó, nghe các bài hát có từ vựng đó. Việc tìm hiểu xem mình học tốt nhất bằng cách nào sẽ giúp ích nhiều cho việc phát triển kỹ năng tiếng Anh".

Còn theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, nhà sáng lập Trung tâm luyện thi IELTS HP Academy, ngôn ngữ luôn cần phải học dài hơi, người học phải đặt nhiều sự nỗ lực và chăm chỉ thì mới có thể tiếp thu tốt. Việc sinh viên trì hoãn đến năm 3, năm 4 mới bắt đầu học thì phải chấp nhận rủi ro và đứng trước hai lựa chọn. Một là, các bạn phải học theo kiểu luyện thi. Bạn có thể đạt một mức điểm nhất định nhưng không hẳn bạn sẽ sử dụng ngoại ngữ tốt trong môi trường hằng ngày. Hai là, bạn phải học cấp tốc trong thời gian ngắn, và thường là không đủ.

"Để có thể đạt được mức điểm như mong muốn, sinh viên cần tránh học thuộc lòng và nên tận dụng tối đa kiến thức mà tài liệu mang đến. Sách chính thống, tài liệu ôn tập… bao gồm nhiều phần kiến thức rất quý, đừng nên làm một lần rồi qua cuốn khác. Các bạn có thể học đi học lại các từ vựng mới trong đó và dễ dàng nhìn lại lỗi sai cũ để khắc phục, cải thiện kỹ năng của mình", thạc sĩ Phúc nhấn mạnh.

Hiện nay, các nước trên thế giới chú trọng hội nhập và giao lưu quốc tế. Bên cạnh chuyên môn nghề nghiệp, nhà tuyển dụng đều mong muốn tìm kiếm nhân sự có khả năng giao tiếp tốt. Vậy nên, ngoại ngữ trở thành một thước đo và tiêu chuẩn dành cho các bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội việc làm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.