'Con ông cháu cha' thu nhập cao hơn 146% so với con nhà lao động phổ thông

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/08/2018 10:18 GMT+7

Những người trẻ có bố làm quản lý có cơ hội chọn được công việc tương tự cao gấp hơn 18 lần so với những người có bố làm công việc lao động phổ thông .

Cùng với đó, thu nhập của con người làm quản lý cao hơn gần 146% so với lao động phổ thông.
Những con số nói trên được đưa ra trong một công bố do nhóm nghiên cứu của TS Trần Quang Tuyến, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, thực hiện.
Đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu định lượng về mối quan hệ giữa nghề nghiệp của cha và cơ hội việc làm của con cái tại Việt Nam, dù câu chuyện "con ông cháu cha" trong xã hội Việt Nam từng được nói đến từ lâu.
"Con vua thì lại làm vua"
Trong nghiên cứu có tên "Quản trị địa phương và cơ hội lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên: Những chứng cứ đầu tiên từ Việt Nam" được xuất bản trên một tập san quốc tế, nhóm nghiên cứu của TS Tuyến phân loại lao động thành 4 nhóm, gồm:
Lao động trực tiếp không có kỹ năng (những công việc chỉ yêu cầu tốt nghiệp bậc tiểu học, các công việc phổ thông, không cần đào tạo kỹ năng)
Lao động trực tiếp có kỹ năng (gồm công nhân trong các nhà máy nông nghiệp, thủy sản, ngành nghề thủ công, các nhà máy khai thác, lắp ráp)
Lao động gián tiếp kỹ năng thấp (như thư ký, người làm trong các ngành dịch vụ, nhân viên bán hàng)
Lao động gián tiếp kỹ năng cao (kỹ sư, người làm công việc có chuyên môn cao, các nhà lập pháp, quản lý, giáo sư, trợ lý giáo sư...)
Từ phân loại trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích mô hình kinh tế và phát hiện ra rằng, lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên phụ thuộc rất lớn vào nghề nghiệp của cha mình, dù ở cùng địa phương, cùng trình độ và cùng hoàn cảnh cá nhân (độ tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân).
 
Mức thu nhập trung bình của 4 nhóm công việc theo tính toán của nhóm tác giả Biểu đồ Lê Hiệp
Cụ thể, những thanh niên có bố là những người lao động gián tiếp (trình độ cao hơn) sẽ có cơ hội lựa chọn công việc gián tiếp có kỹ năng thấp cao hơn 11,9 lần những người có bố là lao động phổ thông, trực tiếp.
Con số này lên tới 18,33 lần với cơ hội lựa chọn công việc gián tiếp có kỹ năng cao (công việc đòi hỏi trình độ cao nhất).
Điều này có nghĩa, những thanh niên có bố mẹ làm các công việc quản lý, hay làm việc có chuyên môn cao, sẽ có cơ hội làm quản lý hoặc ít nhất là nhân viên văn phòng cao hơn gấp từ 12 -18 lần so với những thanh niên là con lao động phổ thông.
Tương tự, ở lựa chọn "thấp hơn", khả năng lựa chọn được những công việc lao động trực tiếp nhưng có kỹ năng của thanh niên có bố là lao động gián tiếp cũng cao hơn thanh niên có bố là lao động phổ thông gần 3 lần.
Tính toán của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, trong 4 nhóm lao động thì mức thu nhập trung bình cũng tăng dần.
Số liệu vào năm 2015 cho thấy, mức thu nhập trung bình của nhóm lao động gián tiếp kỹ năng cao là 4,891 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập của những người lao động phổ thông không cần kỹ năng là 3,352 triệu đồng/tháng. Nghĩa là mức thu nhập của lao động nhóm 4 cao gấp 146% so với nhóm 1.
Cũng theo tính toán của TS Tuyến, thu nhập trung bình của cả 4 nhóm mỗi tháng là 4,125. Nói cách khác, thu nhập của nhóm lao động phổ thông thấp dưới mức trung bình chung. Còn mức thu nhập của nhóm lao động có kỹ năng cao thì cao hơn 118,5% so với mức trung bình chung.
Như vậy, những người sinh ra trong gia đình có nền tảng thấp hơn sẽ ít có cơ hội tìm được công việc tốt, có thu nhập cao, dù trình độ tương đương với những người sinh ra trong gia đình có nền tảng tốt. Nghĩa là, những người là "con ông cháu cha", như cách gọi dân dã, sẽ có cơ hội chọn được nghề tốt hơn, thu nhập cũng cao hơn rất nhiều.
TS Trần Quang Tuyến trình bày báo cáo ước tính mức sinh lợi cá nhân của việc đi học đại học của sinh viên Việt Nam tại hội thảo khoa học do Viện Nghiên cứu cao cấp về toán tổ chức  Ảnh Lê Hiệp
Chất lượng sống cũng ảnh hưởng đến cơ hội lựa chọn nghề nghiệp
Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu của nhóm TS Tuyến cũng chỉ ra rằng, ngoài "xuất thân", chất lượng sống cũng như chất lượng đào tạo nghề ở các địa phương cũng ảnh hưởng lớn tới cơ hội lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên.
Cụ thể, các tỉnh có mức GDP bình quân đầu người càng cao thì cơ hội lựa chọn việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn của người trẻ càng lớn. Đồng thời, thanh niên ở những địa phương có mật độ tập trung doanh nghiệp cao đều có cơ hội tốt hơn trong việc tìm kiếm các công việc gián tiếp (nhóm 3, nhóm 4).
Theo đó, nếu GDP bình quân đầu người của tỉnh tăng thêm 10% thì cơ hội lựa chọn công việc trực tiếp có kỹ năng của thanh niên tỉnh đó sẽ tăng thêm 17%. Tỉ lệ này đối với các công việc gián tiếp có kỹ năng thấp và công việc gián tiếp có kỹ năng cao lần lượt là 19% và 26%.
Thanh niên ở thành thị cũng có cơ hội tìm công việc gián tiếp kỹ năng thấp cao hơn 3,47 lần và công việc gián tiếp kỹ năng cao cao hơn 1,78 lần so với người lao động tại nông thôn.
"Điều này cũng là nguyên nhân lý giải vì sao nhiều lao động trẻ có xu hướng di cư tới những thành phố lớn", TS Tuyến giải thích.
Ngoài ra, thanh niên ở những tỉnh có chất lượng đào tạo nghề tốt hơn thì khả năng chọn được các công việc gián tiếp (nhóm 3, nhóm 4) cũng tốt hơn các tỉnh còn lại.
Nếu như chất lượng đào tạo nghề (do doanh nghiệp đánh giá) của địa phương tăng thêm 1 điểm thì cơ hội chọn được công việc gián tiếp có kỹ năng thấp và công việc gián tiếp có kỹ năng cao lần lượt là 129% và 82%.
"Kết quả bước đầu của nghiên cứu cho thấy, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư để tăng mật độ doanh nghiệp là cách tốt nhất để thoát khỏi quy luật "con vua thì lại làm vua, mang lại cơ hội nghề nghiệp công bằng cho thanh niên", TS Tuyến cho hay.

Nghiên cứu của TS Trần Quang Tuyến và cộng sự tiến hành trên cơ sở dữ liệu của cuộc điều tra quốc gia “Chuyển tiếp từ trường học tới việc làm” (Shool-to-work transition surveys) do Tổ chức lao động quốc tế (ILO) phối hợp với Tổng cục Thống kê tiến hành năm 2015; chỉ số thành phần về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2014; và chỉ số về mật độ doanh nghiệp cấp huyện được tính từ dữ liệu tổng điều tra doanh nghiệp năm 2014, kết hợp với phân tích mô hình kinh tế lượng để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng tới quá trình chọn nghề của lao động trẻ (trong đó, nhóm lao động trực tiếp không có kỹ năng được sử dụng làm nhóm so sánh).

 
Nghiên cứu được đăng tải Children and Youth Services Review, tạp chí trong danh mục ISI (SSCI) về giáo dục, xuất bản bởi Elsevier, Hà Lan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.