Còn quá nhiều dấu hỏi

08/09/2017 05:38 GMT+7

Các số liệu trong báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ được công bố giữa tuần qua trong phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 6.9 thực sự khiến nhiều người phải suy nghĩ và đặt ra rất nhiều dấu hỏi.
Báo cáo cho hay, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người; đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Như vậy, chỉ tính riêng 0,2% số người không kê khai thì đã lên đến con số hàng nghìn cán bộ. Thế nhưng chỉ có 3 người bị xử lý vì kê khai không đúng, còn hàng nghìn người không kê khai thì không thấy báo cáo đề cập đến. Vậy thì những người không chịu kê khai có trung thực không? Họ có bị xử lý không? Nếu không, thì rồi đây các cán bộ thuộc diện phải kê khai nhưng không kê khai liệu có tăng lên?
Con số thứ 2 cũng đáng chú ý không kém là năm 2017 có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật. Nói như đại biểu Nguyễn Thái Học, chỉ cần đặt con số này cạnh con số hàng trăm vụ tham nhũng xảy ra trong cùng thời gian đã được các cơ quan tố tụng thông báo thì rõ ràng có sự chênh lệch đến vô lý. Cách lý giải đơn giản nhất có lẽ là: Phải chăng có nhiều vụ tham nhũng xảy ra ở cùng một đơn vị? Có điều, báo cáo phòng chống tham nhũng cũng không chỉ rõ.
Tuy nhiên, điều đáng nói là bản báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh mà công cuộc phòng chống tham nhũng đang được dư luận đánh giá là rất nóng bỏng, được những lãnh đạo cao cấp nhất liên tục thúc giục. Có lẽ vì vậy mà cả trong và sau phiên thảo luận của Ủy ban Tư pháp vừa qua, không ít đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn bày tỏ không hài lòng về nội dung, sự hời hợt của bản báo cáo. Thậm chí, có vị tâm sự với vẻ lo lắng rằng, báo cáo như một gáo nước lạnh dội thẳng vào không ít quyết tâm, trái tim nóng bỏng của nhiều người đối với công cuộc chống tham nhũng đang diễn ra.
Phải chăng chỉ là những người làm bản báo cáo này chưa bám sát hết tình hình phòng chống tham nhũng năm qua? Hay thực tế công tác phòng chống tham nhũng chỉ mới có kết quả từng vụ việc cụ thể khi bị dư luận, báo chí điểm mặt, chỉ tên và lúc đó cơ quan chức năng mới xắn tay vào cuộc? Còn việc tự giám sát, kiểm tra vẫn chưa đi vào thực chất mà còn là hình thức, thủ tục…
Những dấu hỏi đó cần được thẳng thắn nhìn nhận và khắc phục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.