Những người này ủng hộ bà Gillard và Công đảng tiếp tục cầm quyền nhưng không tham gia chính phủ, không bị ràng buộc vào bất cứ thỏa hiệp pháp lý nào với Công đảng. Vì thế, nguy cơ mất ổn định chính trị và khủng hoảng chính phủ luôn tiềm tàng đối với nữ thủ tướng và nước này. Người dân sẽ chứng kiến thực trạng chính trị rất đặc biệt: đảng phái lớn phụ thuộc vào đảng nhỏ hơn hoặc thậm chí vào các dân biểu độc lập. Con ruồi đậu nặng đồng cân nhưng chẳng có gì đảm bảo nó sẽ đậu mãi ở vị trí ấy.
Duy trì được quyền lực, nhưng việc cầm quyền trở nên khó khăn, phức tạp và nhạy cảm hơn trước rất nhiều với Công đảng và bà Gillard. Vấn đề biến đổi khí hậu, sử dụng nguồn năng lượng nào và khai thác tài nguyên ra sao cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho công nghệ thông tin sẽ là những lĩnh vực mà Công đảng và bà Gillard sẽ phải nhượng bộ sâu rộng hơn nữa.
Trong khi đó, chẳng có lý do gì để chính phủ phải điều chỉnh chính sách đối ngoại và an ninh lâu nay. Vị thế chính trị của Công đảng và bà Gillard ở Úc đã suy yếu so với trước, nhưng việc tiếp tục cầm quyền vẫn tạo cho họ cơ hội xoay chuyển tình thế. Bà Gillard cần cơ hội ấy để thống nhất nội bộ đảng, thể hiện bản lĩnh và khả năng của một nhà lãnh đạo cũng như gây dựng dấu ấn cầm quyền riêng. Nếu thành công thì lần tới họ mới thoát được sự lệ thuộc vào một vài vị dân biểu như hiện nay.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)