DÒNG SÔNG KHỐN KHỔ
Sông Nậm Tôn rất nhỏ, chỉ như một con suối, và là một trong 2 nhánh hợp lưu tạo thành sông Dinh, biểu tượng tự nhiên của H.Quỳ Hợp (Nghệ An). Sông Dinh chảy xuôi, đổ ra sông Lam rồi hòa về biển cả. "Con sông này trước đây sâu và rộng hơn bây giờ, nước trong vắt, mát lạnh vì chảy ngầm từ núi đá ra. Cá tôm hồi trước rất nhiều. Mùa hè, trẻ con, người lớn ra tắm rất thích", ông Vi Văn Thủy, cư dân xã Châu Quang (H.Quỳ Hợp), ngậm ngùi nhớ lại.
Ông Thủy rất buồn khi dòng Nậm Tôn bây giờ dần trở thành "con sông chết". "Bữa nay đỡ đục hơn, còn bữa nào trên nguồn có làm thiếc thì sông đục lắm, đỏ ngầu", ông Thủy nói. Dấu vết của những lần bị nhuộm đỏ còn lưu lại hai bên mép sông. Bùn đỏ bám thành lớp dày. Đây không phải là lớp phù sa màu mỡ thường thấy ở các con sông khác. Mùa này, mưa trên nguồn chưa lớn, chưa thể thành những đợt lũ quét nhỏ để tạo nên những lớp bùn đỏ quạch ấy, cho nên người dân ở đây đều nhận ra đó chính là "sản phẩm" của tình trạng xả bùn thải trái phép từ hoạt động khai thác quặng thiếc phía thượng nguồn.
Sông Nậm Tôn bắt nguồn từ những dãy núi thuộc địa phận các xã Châu Hồng, Châu Tiến và Liên Hợp (H.Quỳ Hợp). Khu vực này được xem là "thủ phủ" của đá trắng và quặng thiếc với hàng chục mỏ đã được cấp phép khai thác. Ở thượng nguồn, dòng sông này phần lớn chảy ngầm trong núi đá. Khi về đến xã Châu Quang, Nậm Tôn mới ló dạng, chảy qua những bãi đất trống, trước khi hợp thành sông Dinh. "Sông này đã chết lâu rồi, từ khi có khai thác thiếc. Chúng tôi gọi sông này là sông đỏ, vì nước lúc nào cũng đỏ ngầu, đặc quánh. Chỉ khi nào các mỏ thiếc trên nguồn ngừng hoạt động thì nước mới trong. Bây giờ thì chẳng có con tôm cá nào sống được nữa", một người dân ở bản Còn (xã Châu Quang) thở dài nói.
Các mẫu nước lấy từ điểm quan trắc trên dòng Nậm Tôn trong những năm qua cho thấy chỉ số chất rắn lơ lửng trong nước đều vượt quy chuẩn nhiều lần. Mẫu trầm tích được quan trắc còn cho thấy chỉ số asen, crom cũng vượt ngưỡng quy định nhiều lần. Đó là những chất độc hại có sẵn trong lòng núi, được "đánh thức" từ hoạt động khai khoáng, theo dòng nước xả thải chảy về xuôi.
NHỮNG CUỘC TRUY LÙNG
Quặng thiếc nằm trong lòng núi, lẫn lộn với đất đá. Để lấy được quặng, chủ mỏ dùng nguồn nước ngầm bơm lên rửa, tuyển quặng. Về nguyên tắc, nguồn nước thải sau khi sử dụng tuyển quặng phải cho xuống các hồ lắng lọc, thông qua các bước xử lý rồi tiếp tục được sử dụng trở lại, không được xả ra môi trường tự nhiên. Đó là quy định bắt buộc. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng tuân thủ quy trình bảo vệ môi trường. Nhiều chủ mỏ lợi dụng kẽ hở trong kiểm soát của chính quyền, tìm đủ cách xả thải ra môi trường.
Đầu tháng 4 vừa qua, nước sông Nậm Tôn đỏ quạch, đặc quánh hơn thường ngày. Xác định có kẻ đang xả trộm chất thải ra môi trường, UBND H.Quỳ Hợp lập tức lập đoàn đi kiểm tra. Sau một thời gian lần tìm, lực lượng chức năng phát hiện một mỏ khai thác thiếc trái phép nằm sâu trong núi, thuộc xã Châu Hồng, thượng nguồn Nậm Tôn. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đến nơi, chỉ còn lại máy móc và các vật dụng phục vụ khai thác và tuyển quặng, còn các đối tượng đã kịp tẩu thoát. Nhà chức trách đã cho đánh sập hầm để ngăn chặn tái phạm. Vụ khai thác trái phép bị chặn lại, nhưng mấy ngày sau, nước sông Nậm Tôn từ thượng nguồn đổ về vẫn đỏ. Cuộc truy lùng thủ phạm lại tiếp tục, nhưng không có kết quả. "Rất gian nan vì sông chảy ngầm trong núi, DN khai thác rất dễ lợi dụng để xả ngầm vào hang núi nên mình không thể phát hiện được", một lãnh đạo UBND H.Quỳ Hợp nói.
Trước đó, H.Quỳ Hợp đã tiến hành một cuộc truy quét khác với quyết tâm bắt cho bằng được quả tang mỏ thiếc xả thải ra môi trường. Sau nhiều ngày, lực lượng chức năng cũng tìm được điều cần tìm. "Sau khi khoanh vùng phạm vi xả thải, chúng tôi nhận định có thể ống thải trộm nằm sâu dưới đất và khi kiểm tra kỹ thì phát hiện dấu hiệu đường ống ở bên dưới vì có hiện tượng rò rỉ, nước đục phun lên. Khi cho máy múc đến múc để thăm dò thì phát hiện đó là đường ống xả trộm", vị lãnh đạo này kể.
Từ manh mối này, cơ quan chức năng phát hiện 2 DN lợi dụng hang ngầm để xả thải ra dòng Nậm Tôn. Đường ống phi 150 này được chôn ngầm dưới đất, dẫn nước thải từ mỏ thiếc kéo dài 800 m vào hang núi, nơi dòng sông Nậm Tôn chảy qua để xả. Điểm xả thải nằm sâu trong hang nên trước đó, các đoàn kiểm tra khác không thể phát hiện ra. Nếu đường ống không bị rò, rất có thể lần này sẽ tiếp tục qua mặt được cơ quan chức năng.
Đây là đường ống của mỏ thiếc thuộc Công ty TNHH Hồng Lương. Tại bể lắng của mỏ, cơ quan chức năng phát hiện một máy bơm công suất 11 KW dùng để bơm đẩy nước thải. Ngay trong hang núi xả thải, đoàn kiểm tra còn phát hiện thêm 2 miệng đường ống khác có đường kính phi 140, dài khoảng 400 m dẫn đến hố lắng nước thải mỏ thiếc của Công ty TNHH Hà Cương. Tại hệ thống bể lắng của DN này, cơ quan chức năng phát hiện 2 máy bơm công suất 11 KW nối với 2 đường ống từ bể lắng đến điểm xả thải ra sông Nậm Tôn nằm trong hang núi. Thời điểm đó, đường ống không xả thải nhưng chủ DN thừa nhận việc lắp máy bơm và hệ thống đường ống là để xả thải trộm vào hang khi lượng nước thải đầy hố lắng hoặc lợi dụng thải khi có mưa lũ lớn. Hai chủ mỏ quặng này sau đó đã bị xử phạt 420 triệu đồng, đình chỉ hoạt động khai thác trong 2 tháng. Sau đó, có thời điểm nước sông Nậm Tôn trở nên trong xanh trở lại. Đó là điều mà người dân địa phương rất hiếm khi thấy.
Thế nhưng, không phải cuộc truy tìm nào của cơ quan chức năng cũng cho kết quả. Nhiều cuộc phải về tay không vì không thể xác định chủ mỏ nào đã xả thải và xả ở vị trí nào. Đó là hành vi thách thức pháp luật khi ý thức chấp hành luật pháp, bảo vệ môi trường của chủ mỏ gần như không có.
Nổi danh là "thủ phủ" của đá trắng và quặng thiếc với hàng chục mỏ được cấp phép khai thác từ hàng chục năm qua, thế nhưng, một lãnh đạo H.Quỳ Hợp nói dù sống trên đống tài nguyên quý, huyện lại chẳng thu lợi được gì ngoài ô nhiễm môi trường, đường sá nhanh chóng xuống cấp và tệ nạn xã hội. Ở những nơi DN khai khoáng đã rút đi sau khi lấy quặng, những cái hầm sâu hun hút trong lòng núi vẫn còn trơ lại. DN không hoàn thổ vì sợ tốn kém, chỉ dùng đất lấp sơ sài miệng hầm. Khi những trận mưa làm trôi đất, miệng hầm lại lộ ra và trở thành cái bẫy cho người dân địa phương khi họ tìm đến để mót quặng và bị sập hầm. Có thời điểm, chính quyền H.Quỳ Hợp phải huy động nhiều lực lượng và phương tiện máy móc làm việc suốt hơn nửa tháng trời để đánh sập hàng chục miệng hầm mỏ còn trơ lại trên các sườn núi. Trách nhiệm thuộc về DN nhưng chủ mỏ bỏ lại, bắt chính quyền làm thay sau khi họ lặng lẽ rời bỏ mỏ thiếc.
Bình luận (0)