Hải quân nhiều nước đang tăng cường năng lực chiến đấu trên không với các loại tàu có thể đóng vai trò căn cứ không quân giữa đại dương.
Theo tạp chí Aviation Week, xu hướng sắm sửa tàu có khả năng mang máy bay và trực thăng chiến đấu nở rộ trong thời gian gần đây, đặc biệt từ khi Trung Quốc liên tục “khoe” tàu sân bay đầu tiên. Ấn Độ dự kiến đưa tàu INS Vikramaditya, vốn là tàu Admiral Gorshkov mua lại của Nga từ tháng 5 và đang xúc tiến đóng 3 tàu sân bay mới. Tương tự, Anh đang đóng 2 tàu sân bay thuộc lớp HMS Queen Elizabeth và Pháp đang tính đóng thêm 1 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân. Mỹ hiện là nước có nhiều tàu sân bay hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại và có kế hoạch bổ sung tàu USS Gerald R.Ford, trị giá khoảng 9 tỉ USD vào năm 2015.
Tuy nhiên, tàu sân bay không phải là lựa chọn duy nhất trong chiến lược tăng cường sức mạnh trên không của hải quân. Nhiều bên còn chú trọng đến các loại tàu đa năng, có khả năng mang máy bay, tên lửa và chở cả lính thủy đánh bộ cũng như tìm kiếm các loại máy bay, trực thăng phù hợp. Riêng Mỹ kết hợp vừa đóng tàu sân bay vừa sử dụng các loại “căn cứ không quân” trên biển khác, đồng thời chế tạo những khí tài đi kèm. Đây cũng là một phần trong học thuyết Tác chiến không - biển của Washington nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương, theo báo cáo của quốc hội Mỹ hồi tháng 3.
|
Đa dạng tàu chở máy bay
Hiện chưa có thống kê đầy đủ về số lượng tàu có khả năng mang máy bay và trực thăng trên thế giới bởi chúng rất đa dạng. Các loại thường gặp có tàu chiến đổ bộ, tàu chở trực thăng, tuần dương hạm và thậm chí cả khu trục hạm. Những chiếc tàu này mang theo hàng loạt máy bay, trực thăng chiến đấu và tên lửa. Các tàu này cơ động hơn, đa năng hơn và có khả năng tự vệ tốt hơn so với tàu sân bay đúng nghĩa dù chi phí có thể đắt đỏ hơn.
|
Đơn cử là 8 tàu đổ bộ tấn công đường biển, đường bộ lớp Wasp của Mỹ, trong đó chiếc USS Essex đang hoạt động trên Thái Bình Dương, theo webiste của Hạm đội 7. Các tàu này có thể mang theo máy bay trực thăng tấn công SuperCobra và chiến đấu cơ phản lực cất và hạ cánh thẳng đứng Harrier cũng như F-35B. Tương tự là tàu đa năng lớp Mistral của Pháp, HMS Ocean của Anh, Juan Carlos I của Tây Ban Nha. Các tàu này giống nhau về mô hình hoạt động, có thể chở theo chiến đấu cơ, trực thăng và lính thủy đánh bộ. Tàu Cavour của Ý vẫn được tính là tàu sân bay “thuần chủng” nhưng có khả năng hỗ trợ các chiến dịch đổ bộ. Ngay cả 2 tàu khu trục lớp Hyuga của Nhật Bản cũng có đường băng, cho phép chúng hoạt động như tàu sân bay vào bất kỳ lúc nào. Báo Christian Science Monitor dẫn lời ông Nate Hughes, Giám đốc phân tích quốc phòng của Hãng thông tin tình báo chiến lược Stratfor, nhận định: “Các tàu chở máy bay được ưa chuộng vì chúng có thể sử dụng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau”.
Về phần mình, Nga vừa lên kế hoạch hiện đại hóa tàu sân bay Admiral Kuznetsov để kéo dài thời gian hoạt động đến sau năm 2030, đồng thời xúc tiến đóng tàu lớp Mistral từ công nghệ do Pháp chuyển giao. Tàu chiến đổ bộ Canberra và Adelaide của Úc dựa trên thiết kế của tàu Juan Carlos I (Tây Ban Nha) sẽ lần lượt đi vào hoạt động vào các năm 2014 và 2015, theo Aviation Week.
“Xài hàng” phải đồng bộ
Song song với việc tậu “sân bay”, các nước cũng đang ráo riết tìm kiếm các loại máy bay phù hợp. Người ta thường nói nhiều đến chi phí đóng tàu nhưng theo Aviation Week, sắm sửa máy bay còn đắt đỏ hơn. Hải quân Mỹ “chỉ xin” 967 triệu USD cho chương trình tàu sân bay trong năm 2013 nhưng cần đến 6 tỉ USD để mua các loại chiến đấu cơ xuất phát từ tàu chiến.
Ngoài tàu sân bay, các loại tàu chở máy bay khác thường thiếu đường băng dài nên nhu cầu sắm sửa máy bay có khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng đang tăng cao. Các loại chiến đấu cơ đời mới hiện nay hầu như đều có phiên bản đáp ứng yêu cầu này. Bên cạnh dòng Harrier truyền thống, hút hàng nhất hiện nay là phiên bản F-35B của chiến đấu cơ thế hệ 5 Lockheed Martin F-35. Ý đang dẫn đầu danh sách các nước sử dụng máy bay Harrier và tàu sân bay Cavour được thiết kế phù hợp với F-35B. Hải quân nước này có kế hoạch mua 22 chiếc F-35B, còn Tây Ban Nha thì “tiền bao nhiêu mua bấy nhiêu”. Cũng theo Aviation Week, từ nền tảng tàu khu trục có đường băng Hyuga, Nhật có thể sẽ thiết kế một lớp tàu tấn công mang máy bay phù hợp với F-35B.
Riêng Ấn Độ do đã mua tàu sân bay của Nga nên dùng luôn máy bay MiG29K/KUB cải tiến khả năng cất/hạ cánh cơ động hơn cùng các máy bay Sea Harrier và trực thăng cảnh báo sớm Kamov Ka-31. Nhiều nguồn tin cho hay Trung Quốc vẫn đang loay hoay trong việc tìm máy bay để sử dụng cho tàu sân bay đầu tiên của mình.
Cải thiện khả năng tự vệ
Một trong những lý do khiến tàu mang máy bay nhỏ gọn, cơ động, đa năng và mang nhiều vũ khí hơn được ưa chuộng vì mô hình tàu sân bay bị cho là đã lỗi thời. Do kích thước lớn và khả năng tự vệ yếu hơn, dựa nhiều vào đội tàu hộ tống, nên tàu sân bay có nguy cơ trở thành mồi ngon cho các loại vũ khí chống hạm hiện đại. Trên thực tế từ sau Thế chiến 2 đến nay, tàu sân bay chưa bao giờ phải đối mặt với những nước có hải quân mạnh cùng các loại vũ khí tối tân như tên lửa đạn đạo diệt tàu sân bay, siêu ngư lôi và tên lửa hành trình siêu âm. Tờ The Hindu dẫn lời chuyên gia Benjamin Friedman thuộc Viện CATO ở Mỹ đánh giá: “Công nghệ mới khiến việc tấn công tàu sân bay trở nên dễ dàng hơn”.
Trùng Quang
Bình luận (0)