Từ những năm 1970, các công ty đại diện cho các ngôi sao trong làng giải trí như UTA bắt đầu trở thành những tổ chức quyền lực nhất trong làng giải trí. Họ có khả năng liên kết các nhà viết kịch, đạo diễn, diễn viên, chủ đầu tư với nhau vào một dự án dù có thể những người trên bất đồng với nhau trước đó. Họ đào tạo ra những ngôi sao, đưa sự nghiệp các ngôi sao đó cất cánh, giúp các sao tiêu tiền, đầu tư đúng chỗ. Tất nhiên, họ cũng có đủ quyền lực để hạ bệ ngôi sao nào đó không vâng lời.
Lên dự án từ thiện cho các sao
Các công ty lớn còn có những “quỹ” (foundation) để điều hành việc giúp các thân chủ ngôi sao của họ làm từ thiện thế nào. Công việc của các quỹ này là tìm những việc từ thiện thích hợp với từng diễn viên, đạo diễn, ca sĩ. Giống như các hãng phim trước đây sắp xếp các cuộc hôn nhân cho các ngôi sao. Đừng tưởng làm từ thiện là dễ, phải có bài bản hết. Khi ta nhìn thấy một ngôi sao màn bạc nào đó mặc quần jeans, đội mũ bóng chày xoa đầu đứa trẻ gầy nhom, rách rưới ở một ngôi làng tuyệt vọng nào đó tại châu Phi, ta phải hiểu cuộc hành trình của ngôi sao này khởi đầu tại tòa nhà trắng toát trên đại lộ Wilshire nói trên.
Drew Barrymore quyên góp 1 triệu USD cho chương trình lương thực toàn cầu trong chương trình của Oprah Winfrey |
Quy mô của UTA còn kém công ty Creative Artists Agency (CAA) một chút. CAA thành lập năm 1975, có các thân chủ nổi tiếng như Spielberg, Brad Pitt, George Clooney, Oprah Winfrey, Will Smith, Tom Cruise, Julia Roberts... Năm 2006, CAA còn tấn công sang lĩnh vực thể thao khi hút các ngôi sao Beckham, Ronaldo, LeBron James. Rất nhiều ngôi sao thể thao đã bỏ công ty quản lý hàng đầu về thể thao IMG để chạy sang CAA. Tạp chí Fortune tôn vinh CAA là “tổ chức có ảnh hưởng nhất trong làng giải trí” và gọi “Hollywood bao gồm CAA và những người khác”.
Hằng tháng, Rene Jones của UTA và người đồng nhiệm của bà ở công ty CAA là Michelle Kydd Lee gặp những người ở Liên Hiệp Quốc, Nhà Trắng, Lầu Năm Góc để nắm bắt tình hình, sau đó trở về Hollywood để lên các dự án làm từ thiện cho các ngôi sao của mình.
Những tác động của trào lưu làm từ thiện
George Clooney trong chuyến đi làm từ thiện ở Darfur - Ảnh: Reuters |
Những việc nghiêm túc hơn Hilton nhưng làm không đúng bài bản đều trở nên lố bịch. Một lần Gwyneth Paltrow cùng 16 ngôi sao khác sơn mặt và xuất hiện trên một trang tạp chí với hàng chữ “Tôi là người châu Phi” trong chiến dịch chống HIV-AIDS. Việc làm này bị các báo chỉ trích dữ dội vì họ cố tình làm trò hề, thiếu chân thật.
Song cũng có nhiều ngôi sao không coi việc từ thiện là một show diễn, họ làm điều đó một cách lặng lẽ. Ai biết vợ chồng diễn viên David và Courtney Cox Arquette là thành viên của Feeding America, tổ chức cứu tế nạn đói lớn nhất nước Mỹ, nhiều năm qua. Hay Ryan Reynolds, diễn viên trong phim The Proposal mới công chiếu, chạy ở cuộc đua marathon New York gây quỹ 100.000 USD cho Quỹ nghiên cứu chống bệnh parkinson. Cha của Reynolds bị mắc căn bệnh này.
Trào lưu làm từ thiện ở Hollywood đã góp phần thay đổi văn hóa trong làng giải trí trên toàn thế giới. Các ngôi sao giải trí ở Hồng Kông, Bollywood cũng học theo. Tất cả các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc đều có các đại sứ thiện chí xuất thân từ Hollywood: Jolie đại diện cho Cao ủy tị nạn LHQ, Drew Barrymore đại diện cho chương trình lương thực thế giới... Tất nhiên, UTA hay CAA đã dàn xếp với LHQ để đưa các ngôi sao vào các vị trí đó.
“Ở các buổi tiệc tại giải Quả cầu vàng hay tương tự thế, người ta không nói đến chuyện giày dép, túi xách, đồng hồ nữa mà nói đến Rwanda, Darfur”, Kydd Lee cho biết, khi bà ngồi trong tòa nhà 12 tầng của CAA ở Century City. Tòa nhà đó là một trong những biểu tượng của Hollywood.
Với bộ máy truyền thông lớn, CAA và UTA góp phần khiến các chương trình từ thiện của các ngôi sao giải trí đình đám hơn, thu hút nhiều sự ủng hộ hơn. Ví dụ, sau khi đưa chuyến đi của Lucy Liu đến Pakistan lên một chương trình truyền hình, Quỹ nhi đồng LHQ-UNICEF đã nhận được hàng chục ngàn cú điện thoại, số tiền ủng hộ từ thiện tăng vọt 240%.
Vì sao Hollywood lên cơn sốt với những việc từ thiện? Nhà biên kịch Lionel Chetwynd giải thích: “Phần lớn các diễn viên đều bỏ học ngang chừng ở trung học. Họ và các công ty đại diện quyền lợi của họ muốn tạo vẻ có học cho họ hơn, và tham gia các công tác từ thiện là lựa chọn dễ dàng, sáng suốt nhất”.
Đinh Hiệp
Bình luận (0)