Cơn sốt mang tên lithium

06/09/2009 22:40 GMT+7

Trong tương lai gần, lithium có thể sẽ gây ra những cơn sốt, tương tự như thế giới đã và đang đảo điên với dầu lửa. Mời nghe đọc bài

Chiếc xe Jeep chạy trên con đường sỏi gập ghềnh. Đi thêm vài cây số nữa, con đường trở nên bằng phẳng hơn. Chiếc xe lướt trên con đường rộng lớn màu trắng như băng. Đó là muối. Muối ở khắp nơi. Xe đang đi trên cánh đồng muối Salar de Uyuni ở vùng Altiplano của Bolivia, nơi chiếm đến gần một nửa trữ lượng lithium thế giới. Lithium chính là câu trả lời của tương lai. Lithium có mặt đã từ lâu trong thuốc chống trầm cảm và, những năm gần đây, cả trong các sản phẩm điện tử gia dụng. Pin lithium ion được trang bị cho hàng loạt sản phẩm như máy tính xách tay, điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy ảnh kỹ thuật số...

Khi xe chạy bằng điện và xe hybrid (chạy bằng nhiều loại năng lượng khác nhau) trở nên phổ biến, người ta sẽ đua nhau khai thác lithium. Bởi theo tạp chí Pháp Le Point, xe chạy bằng điện sẽ phải gắn chặt mình với lithium giống như các máy nổ đã không thể xa rời dầu lửa. 

Do vậy, tương lai của xe chạy điện có thể sẽ nằm trong tay Bolivia, nơi nắm giữ đến 47% trữ lượng lithium của thế giới. Tập đoàn Mitsubishi cho biết: "Argentina và Chile cũng có nhiều hồ muối nhưng chi phí khai thác ở Bolivia là cạnh tranh nhất". Khoảng 70% sản lượng lithium thống kê được của thế giới đang thuộc sở hữu của các quốc gia trong vùng núi Andes. Phần còn lại thuộc về Tây Tạng, Úc và Mỹ. Hiện nay, có 3 doanh nghiệp đang cạnh tranh giành quyền khai thác lithium tại Bolivia: Bolloré của Pháp, Mitsubishi và Sumitomo của Nhật.

Giá tăng chóng mặt

Giá lithium đã nhảy vọt từ mức 350 USD/tấn vào năm 2003 lên 6.000 USD/tấn trong thời gian gần đây và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Bên bờ hồ muối Salar de Uyuni, hàng trăm công nhân đang làm việc để xây dựng nhà máy khai thác lithium đầu tiên của Bolivia.

Tờ Le Point cho biết chuyên gia về khai mỏ Marcelo Castro đã được Tổng thống Evo Morales bổ nhiệm vào vị trí phụ trách công việc xây dựng. Nhà máy khai thác lithium được đầu tư 6 triệu USD sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay.

Marcelo hiểu rõ tầm quan trọng của công việc ông đảm trách: "Đó là bước đi đầu tiên của Bolivia để phát triển ngành công nghiệp khai thác lithium. Đây là thời khắc lịch sử đối với thế hệ tương lai. Lithium sẽ mang lại sự giàu có cho Bolivia và chấm dứt sự phụ thuộc của thế giới vào dầu mỏ".

Trước mắt, Marcelo vẫn còn phải đối đầu với nhiều khó khăn.

Tại vùng đất khô cằn nằm ở độ cao 3.700m so với mực nước biển, công nhân phải làm việc dưới ánh nắng mặt trời, cái lạnh và gió mạnh. Họ thiếu các phương tiện lao động và cũng khó có động lực làm việc. Vì chỉ cách đó vài cây số, tại mỏ San Cristobal, Tập đoàn đa quốc gia Sumitomo rất ưu ái với nhân viên của họ. Lương các công nhân ở đấy lên đến gần 500 USD, cao hơn gấp đôi lương Chính phủ Bolivia trả cho công nhân của mình.

Thêm nữa, tại ngôi làng nhỏ Uyuni nằm trên con đường duy nhất dẫn đến hồ muối, người dân lo ngại ngành khai thác lithium có thể gây ra nhiều tác hại.

Sonia, làm việc tại liên hợp nhà hàng - khách sạn Cactu, cho rằng: "Những chiếc xe tải có thể làm vấy bẩn màu trắng tinh khiết của hồ muối và ngành khai thác lithium sẽ làm ô nhiễm nguồn nước". Cô nói: "Nếu chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài vừa kiếm tiền vừa phá hủy cảnh quan tuyệt đẹp nơi đây, thì sẽ chẳng còn gì cho chúng tôi nữa".

Cạnh tranh

Theo Le Point, Tổng thống Evo Morales muốn ba tập đoàn Bolloré, Mitsubishi và Sumitomo cạnh tranh để giành quyền khai thác lithium tại Bolivia. Hồi cuối tháng 4, khi Thierry Marraud, Giám đốc tài chính Bolloré, vừa mới thông báo dự định hợp tác với Tập đoàn khai thác mỏ Eramet, tin đồn đã bắt đầu rộ lên. Báo chí Pháp cho rằng Bolloré đã "trả giá" 1,2 tỉ USD cho quyền khai thác lithium. Nhưng theo một số nguồn tin từ các cuộc thương lượng, Bolloré chỉ đề nghị chi khoảng "vài chục triệu USD".

Tập đoàn Bolloré sẽ cho ra mắt chiếc xe Blue Car (hợp tác sản xuất với hãng Pininfarina của Ý) vào năm tới. Trong cuộc cạnh tranh khai thác lithium, Bolloré có nhiều thuận lợi hơn các tập đoàn của Nhật. Bolloré hy vọng sẽ thu được kết quả tốt đẹp "từ đây cho đến cuối mùa hè". Tập đoàn của Pháp có một đồng minh hùng mạnh: Tổng thống Nicolas Sarkozy. Ông này đã tuyên bố sẽ nói giúp cho Bolloré trong chuyến công du ngắn của ông đến Bolivia vào tháng 9 này.

Về phần mình, Tổng thống Morales khẳng định chắc chắn quy tắc cuộc chơi: "Bolivia sẽ không bao giờ nhường quyền kiểm soát lithium và Bolivia phải nhận được 60% tiền thu được từ hoạt động khai thác". Đối với ông, đó sẽ là dấu chấm hết cho lịch sử đau thương suốt nhiều thế kỷ qua, phụ thuộc vào nước ngoài - và bị nước ngoài tàn phá - của Bolivia.

Người dân cũng có quan điểm dứt khoát về vấn đề khai thác lithium. Họ không mặn mà lắm với những dự án hợp tác cùng công ty nước ngoài. Trả lời phỏng vấn của Le Point, Francisco Quisbert Salinas, Tổng thư ký Liên đoàn Nông dân địa phương, cho biết: "Tại đây, người dân đã sống nhờ muối từ nhiều thế kỷ nay. Trước kia, chúng tôi mang muối đến các thành phố để trao đổi hàng hóa. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp vận chuyển khiến công việc buôn bán của chúng tôi gặp khó khăn".

Ông còn quả quyết: "Là những nông dân nghèo nhưng chúng tôi không ngốc. Lithium thuộc về người Bolivia và cộng đồng thổ dân da đỏ. Một vài người trong chính phủ muốn chúng tôi tin rằng cần phải có các nhà đầu tư nước ngoài vì đất nước không có cả tiền lẫn công nghệ. Điều đó thật ngớ ngẩn!".

Ngọc Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.