- Microsoft Hololens: Tương lai mới cho ứng dụng công nghệ
- HoloLens: Chân trời mới cho game?
- HTC Vive, kính thực tế ảo của bộ đôi hãng Valve và HTC
Cạnh tranh gay gắt về công nghệ
Trong những năm gần đây, sự ra đời và năng cấp liên tục của các engine đồ họa hiện đại như Unreal Engine 4, Unity 5 hay CryEngine đang thúc đẩy thị trường game phát triển theo với tốc độ chóng mặt. Các nhà sản xuất game liên tục trình làng những tựa game đình đám ấn tượng, cả về lối chơi lẫn đồ họa, tiêu biểu như các tựa game The Witcher 3, Batman: Arkham Knight, Bloodborne, Mortal Combat: X, v.v. đã làm chấn động cả thị trường game ngay cả khi lịch phát hành còn chưa được công bố chính thức. Có thể thấy các nhà sản xuất đang cạnh tranh rất khốc liệt trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường game trên mọi hệ máy, bao gồm PC lẫn console và handheld. Tuy nhiên, liệu như vậy đã làm thỏa mãn game thủ chưa?
Cạnh tranh công nghệ ngày càng khốc liệt (Ảnh: Dailymail)
Người chơi game mong đợi gì từ một tựa game đình đám? Chắc hẳn đó là sự trải nghiệm một thế giới mở cho phép người chơi được tự do tương tác, một hệ thống vật lý game được lập trình hiệu quả và logic, một gameplay cuốn hút, độc đáo mà…không giống ai. Nói cách khác, các game thủ yêu cầu các nhà lập trình game cung cấp cho người chơi một thế giới tuy “ảo” nhưng lại “thật” hết mức có thể. Và để đạt được điều đó, các “ông trùm” trong làng công nghệ game bắt đầu chuyển hướng đến công nghệ VR - Virtual Reality (tạm dịch: công nghệ thực tế ảo).
Công ty Mindmaze đang chuẩn bị ra mắt công nghệ thực tế ảo kết hợp với giác quan người sử dụng (Ảnh: Dailymail)
Mới đây, vào tháng 3.2015, cả 5 ông trùm Google, Microsoft, Amazon, Sony, và Facebook đều có mặt tại hội nghị Game Developers Conference - GDC (Hội nghị các nhà phát triển game) tổ chức tại San Francisco, California. Tiêu điểm của hội nghị chính là công nghệ VR, theo nhận định đang trở thành tâm điểm chú ý và sẽ trở thành chìa khóa mở ra thời kỳ mới trong cuộc đua giữa các nhà làm game. Thực ra VR đã được chú ý từ hơn một thập kỷ qua, nhưng đến nay đã là thời điểm “chín muồi” để các hãng game bắt đầu khai thác nó cho công cuộc lập trình game của họ khi công nghệ sản xuất game đã phát triển vượt bậc trong vòng mười năm nay.
Cơn sốt mang tên "thực tế ảo"
Sony tuyên bố họ đang phát triển phiên bản thử nghiệm của Morpheus, một thiết bị VR dự định sẽ phát hành trong vòng một năm rưỡi tới. Giám đốc Sony Computer Entertainment Worldwide Studios, Shuhei Yoshida, khẳng định thiết bị sử dụng công nghệ VR này sẽ được tích hợp chung với máy chơi game PS4 và sẽ mang lại một trải nghiệm hoàn toàn chân thực cho game thủ.
Không chịu kém cạnh, Valve và HTC tuyên bố họ đang hợp tác nghiên cứu chế tạo thiết bị VR Vive và sẽ trình làng trong vòng một năm.
Giám đốc công ty Oculus technology John Carmack cũng tuyên bố công ty của mình đang làm việc cùng với Samsung để tung ra thị trường thiết bị Gear VR trong thời gian ngắn nhất.
Đáng chú ý trong hội nghị GDC là công nghệ MindLeap headset được công ty lập trình MindMaze giới thiệu, sẽ cho phép kết hợp công nghệ thực tế ảo với giác quan của con người thông qua hệ thống thiết bị cảm biến. “Suy nghĩ của bạn, trải nghiệm của bạn”, nhà sáng lập công ty lập trình MindMaze Tej Tadi phát biểu.
Và không thể không nói đến là màn trình diễn chiếc kính HoloLens của Microsoft dù mới trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đã “cưa đổ” bao nhiêu tín đồ công nghệ hiện đại.
Từ trái qua: thiết bị Morpheus của Sony, HoloLens của Microsoft, Gear VR của Samsung và VR headgear Vive của HTC (Ảnh: Tổng hợp)
Câu hỏi lớn về khả năng ứng dụng
Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra là: liệu các nhà phát triển game có thể lôi kéo được các game thủ vào cuộc chơi? Đây cũng là một thử thách của các nhà sản xuất, vì để có được trải nghiệm của thế giới ảo, game thủ phải “sắm sửa” hệ thống thiết bị hỗ trợ VR tương thích với máy chơi game tương ứng.
Nói đơn giản, nếu bạn muốn chơi game thực tế ảo do Sony phát hành, bạn phải sắm một chiếc máy PS4 cùng màn hình chơi game của Sony, sau đó bạn phải bỏ tiền ra mua thiết bị Morpheus cùng các phụ kiện đi kèm. Chi phí của cả hệ thống dĩ nhiên sẽ không hề rẻ. Chưa kể khi công nghệ game VR này chỉ mới bắt đầu được phát triển, các sản phẩm tiên phong chắc chắn sẽ đầy lỗi và cực kì rườm rà rắc rối trong cả cách sử dụng lẫn trải nghiệm, liệu họ có giữ chân được game thủ tiếp tục sử dụng công nghệ này cho đến khi nó hoàn toàn hoàn thiện? Khó khăn chắc chắn còn rất nhiều, hãy chờ xem các nhà lập trình game giải quyết vấn đề này như thế nào để có thể đẩy thị trường chơi game sang một giai đoạn mới, giai đoạn của thế giới game thực tế ảo.
Vẫn còn đó bài học nhãn tiền: thiết bị kính thông minh Google Glass được giới công nghệ thế giới tung hô rất dữ. Thế nhưng đến nay Google vẫn loay hoay với định hướng thương mại hóa sản phẩm của mình.
Bình luận (0)