'Cơn sốt' từ câu chuyện về tình cảm gia đình

Ngọc An
Ngọc An
11/03/2021 06:47 GMT+7

Theo thống kê, tính đến tối 10.3, bộ phim Bố già đã đạt doanh thu hơn 120 tỉ đồng chỉ sau 6 ngày chiếu sớm, một kỷ lục chưa từng có của điện ảnh Việt. Thành công của Bố già còn cho thấy sức hút từ câu chuyện về tình phụ tử, tình cảm gia đình.

 

Từ truyền hình đến điện ảnh

Khi phim điện ảnh Bố già đang tạo nên sức hấp dẫn cực lớn, web drama Bố già được Trấn Thành ra mắt cách đây khoảng một năm lập tức sốt trở lại. “Phim làm về mẹ đã có khá nhiều, nhưng còn ít phim làm về cha. Ở Việt Nam, mấy người cha được con cái thấu hiểu đâu, bởi đa số họ không nói nhiều, mỗi lần nói ra thì thô lỗ, cộc cằn. Chúng ta khó có thể giao tiếp với ba của mình. Có những khoảng cách vô hình giữa 2 thế hệ, giữa 2 luồng tư duy mới cũ… Chúng ta dễ dàng quên mất những điều tuyệt vời ba làm cho mình, mà chỉ nhớ những lần bị ba la mắng”, Trấn Thành nói về lý do anh muốn làm Bố già.

Làm những bộ phim về đề tài này dễ nhận được sự đồng cảm
của khán giả, nhưng kỳ thực lại rất khó làm

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Hai phiên bản web drama (dài 5 tập) và phiên bản điện ảnh của Bố già có khác nhau, nhưng về cơ bản đều khai thác chủ đề về tình cha con, nỗ lực hàn gắn khoảng cách giữa hai thế hệ trong gia đình. Với phiên bản đang tạo nên “cơn sốt” ngoài rạp chiếu, Trấn Thành đưa một phần hình ảnh của cha, của mình và cuộc đời thật của họ vào phim, cùng với đó là hình ảnh của nhiều người cha, người con trong xã hội. Bởi vậy, người xem có thể nhận thấy ở một Ba Sang bảo thủ, áp đặt, nhưng luôn lo lắng, hy sinh vì con, đâu đó bóng dáng của cha mình; hay ở một Quắn sốc nổi, ngỗ nghịch có hình ảnh của chính mình. Họ yêu thương nhau, chỉ có điều, cách yêu thương của mỗi người thuộc hai thế hệ đó lại khác nhau. Không thể phủ nhận, chính những nhân vật, câu chuyện rất “đời” cũng như thông điệp nhân văn về giá trị tình cảm gia đình đã khiến khán giả dành nhiều tình cảm cho bộ phim.

Trấn Thành viết tâm thư 'kêu cứu' vì bị spoil phim 'Bố già'

Câu chuyện về tình phụ tử, tình cảm gia đình trước đó đã được nhà làm phim trong nước khai thác, tạo nên hiện tượng của màn bạc lẫn màn ảnh nhỏ. Có thể nhắc đến bộ phim Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng được lựa chọn đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự giải thưởng điện ảnh Oscar 2018; từng được vinh danh ở các liên hoan phim quốc tế lớn. “Tôi ấp ủ và thai nghén làm bộ phim Cha cõng con chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của mình trong suốt 10 năm. Tôi từng chứng kiến hình ảnh người con dùng gậy đánh vào đầu cha của mình đến chảy máu. Đó là nỗi ám ảnh thôi thúc tôi thực hiện bộ phim này”, đạo diễn Lương Đình Dũng cho hay.
Chủ đề về tình cảm gia đình mang tính phổ quát trong điện ảnh, có lẽ vì thế dễ dàng lý giải vì sao Cha cõng con được công chiếu, phát hành ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Tây Ban Nha, Canada, Iran, Ấn Độ, sắp tới đây là Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ… Còn nhớ, cách đây 2 năm, Về nhà đi con trở thành “cơn sốt” của màn ảnh nhỏ với câu chuyện xoay quanh gia đình ông Sơn, người bố gà trống nuôi nấng 3 cô con gái khôn lớn, trưởng thành. “Những nhân vật được xây dựng trong phim không có ai quá tốt, cũng không có ai quá xấu. Chúng tôi muốn mang đến nhân vật từ đời sống, cũng như câu chuyện về tình cảm gia đình ấm áp, gần gũi và chân thực”, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng bày tỏ.
“Cơn sốt” từ câu chuyện về tình cảm gia đình

Cha cõng con đoạt giải tại nhiều liên hoan phim quốc tế

Ảnh: Tư liệu

Dễ cảm nhưng không dễ làm

Có thời gian, Về nhà đi con đã trở thành chủ đề đứng đầu bảng xếp hạng chủ đề tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Trên các diễn đàn, nhiều khán giả không ngần ngại chia sẻ những câu chuyện của chính gia đình mình. Đó cũng là cách để mọi người nhìn nhận lại giá trị của gia đình, tình cảm với mẹ cha. “Những câu chuyện về gia đình có muôn hình vạn trạng, bộ phim như Về nhà đi con chỉ là một góc nhỏ trong đó. Chúng ta nên có nhiều bộ phim về đề tài này”, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng chia sẻ.
Ở Việt Nam, có vẻ đề tài về tình cảm gia đình được nhà làm phim khai thác trên truyền hình nhiều hơn là trên màn ảnh rộng. “Làm những bộ phim về đề tài này dễ nhận được sự đồng cảm của khán giả, nhưng kỳ thực lại rất khó làm”, đạo diễn Lương Đình Dũng nói, và lý giải: “Ở lĩnh vực điện ảnh, đầu tư cho đề tài này cũng là sự đầu tư mạo hiểm. Làm một bộ phim hành động lôi cuốn khán giả có khi dễ hơn làm một bộ phim về tình cảm gia đình vừa nghiêm túc lại vừa mang tính giải trí. Hơn nữa, về mặt chuyên môn, đôi khi có những bộ phim về đề tài này ra rạp chỉ mang tính chất phim truyền hình chất lượng cao, chứ không phải là phim điện ảnh”.
Bên cạnh đó, ngay như với tâm lý của nhà phát hành hay nhà đầu tư, một bộ phim giải trí sẽ dễ được để mắt đến hơn là bộ phim về chủ đề gia đình. Mai Thế Hiệp, nhà sản xuất kiêm đồng đạo diễn phim Có căn nhà nằm nghe nắng mưa mang đề tài về tình mẫu tử, từng bị nhà đầu tư từ chối nhiều lần vì nhân vật chính (người mẹ) không phải là “hot girl”, và phim cũng không có yếu tố hài. Cuối cùng, anh đã phải bán nhà lấy tiền làm bộ phim đầu tay với ý tưởng kịch bản gốc của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc mà anh ấp ủ trong suốt 2 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.