Chịu đựng vì con
Sống với nhau hơn 10 năm, anh H. và chị B. (TP.HCM) thấy tình yêu đã cạn kiệt nên đưa nhau ra tòa ly hôn. Nhưng khi ấy bé P. con anh chị sắp thi chuyển cấp, sợ ảnh hưởng đến việc học của con, anh chị lại dẫn nhau ra tòa xin rút đơn. Cùng nhau trong cảnh “lửa tàn canh lạnh” được hơn 4 năm, hai người lại ra tòa giữa lúc cháu P. sắp hết lớp 9. Dùng dằng cho đến khi P. vào đại học, anh chị mới chính thức “đường ai nấy đi”.
Còn trường hợp vợ chồng ông bà N., cũng ở Phú Nhuận, mới đáng nói. Tòa đã đồng ý cho ly hôn, nhưng ông bà phải xin tạm hoãn. Chờ đứa con trai 18 tuổi thi xong phổ thông trung học, thi đậu vào đại học và lên đường du học rồi ông bà mới chính thức xé giấy kết hôn. “Sợ con nó buồn mà bỏ cả học bổng không đi du học. Để cho nó đi rồi mình ở nhà sao cũng được”, ông bà giải thích với tòa án.
|
Thẩm phán T.H ở Tòa án quận Phú Nhuận cho biết, mỗi năm riêng bà thụ lý và giải quyết khoảng 50-60 hồ sơ ly hôn. “Hầu hết là cuối cùng đều ly hôn. Nỗ lực hòa giải của tòa thường chỉ giúp họ kéo dài hôn nhân được vài tháng”, thẩm phán H. nói. Tuy nhiên, bà H. cho biết, rất nhiều cặp đã rút đơn khi tòa đòi đưa những đứa trẻ đã đủ 9 tuổi đến lấy lời khai và nguyện vọng sống với ai khi cha mẹ chia tay. “Cha mẹ sợ ảnh hưởng đến những đứa trẻ, nên sau khi thuyết phục tòa bỏ qua việc lấy lời khai của trẻ không thành, họ chỉ còn cách rút đơn. Rất nhiều cặp tiếp tục sống với nhau chỉ vì con”, bà H. nói. Nhiều năm xử án, bà H. đã thấy nhiều cặp rút đơn rồi lại nộp đơn sau vài năm, sau khi con họ đã bước vào một cấp học mới.
Xứ người cũng giống xứ ta!
Vương Lệ (không phải tên thật), 17 tuổi, là một học sinh giỏi, luôn đứng đầu lớp ở một trường THPT tại thành phố Trùng Khánh, miền tây nam Trung Quốc. Nhưng hồi tháng 2 năm nay, sau khi hay tin cha mẹ dự định ly hôn, Lệ rơi vào trạng thái trầm cảm, kết quả học tập lao dốc. Thậm chí em đòi bỏ học, trong khi chỉ vài tháng nữa là đến kỳ thi tuyển sinh đại học, tờ Bưu điện Trùng Khánh buổi sáng đưa tin. Lo sợ, cha mẹ Lệ đã thỏa thuận tìm đến tư vấn hôn nhân để xóa bớt các khác biệt và quyết định tạm thời không ly thân, giúp việc học của em cải thiện trở lại.
Cũng như ở Việt Nam, sau tốt nghiệp phổ thông, học sinh Trung Quốc phải trải qua kỳ thi ĐH cam go, được coi là cột mốc quyết định tương lai nghề nghiệp cả cuộc đời. Vậy nên, nhiều bậc cha mẹ đã cắn răng đợi đến khi con cái thi xong mới đưa nhau ra tòa. Vợ chồng ông Lý ở quận Đại Hưng, thủ đô Bắc Kinh, là một ví dụ. Ông Lý thừa nhận với luật sư là đã chán vợ “như cơm nếp”, nhưng vì đứa con trai 19 tuổi sắp trải qua kỳ thi “sinh tử” nên ông bà “quyết định dành cho con sự bình yên”, bằng cách thôi cãi nhau và đợi đến cuối tháng 6.
Kỳ thi ĐH ở Trung Quốc năm nay kết thúc vào ngày 8.6. Liền sau đó, một số tòa án ở thủ đô Bắc Kinh và tỉnh Nam Kinh cho hay số vụ ly hôn tăng lên đáng kể, gấp đôi so với trước kỳ thi. Con số thống kê liên tục từ 2008 - 2011 ở tòa án quận Triều Dương, Bắc Kinh, cũng tương tự như vậy. Riêng quận Đại Hưng, trong vòng 20 ngày sau kỳ thi ĐH năm 2011, tòa án nhận được 145 đơn ly hôn, so với 38 trong vòng 20 ngày trước kỳ thi.
Ngoài lý do để con tập trung thi cử, các bậc cha mẹ Trung Quốc cũng cho rằng họ đã làm tròn nghĩa vụ sau khi con thi đại học và chuẩn bị bước vào cuộc sống sinh viên tự do. Mặt khác, vào thời điểm đó, con họ ít nhất cũng đã 18 tuổi, đủ lớn để phải chịu trách nhiệm về cá nhân mình cũng như chấp nhận việc ly hôn của cha mẹ.
Những lý do trên không được một số chuyên gia tâm lý đồng tình. Tuy vậy, có tin của tờ Tấm gương pháp lý nói rằng một tòa án ở Bắc Kinh lấy lý do khảo thí để bác hầu hết 152 đơn ly hôn của nhiều cặp vợ chồng từ năm 2008 đến nay. “Cha mẹ có nghĩa vụ tạo cho con môi trường sống hòa thuận trước kỳ khảo thí”, báo này trích một phán quyết của một tòa án được giấu tên. Luật gia chuyên về luật hôn nhân Dương Tiểu Lan ở Bắc Kinh cho biết dù không có tiền lệ nào cho phép tòa án bác đơn ly hôn trước kỳ khảo thí, nhưng thông thường các quan tòa sẽ chấp thuận cho ly hôn sau những kỳ thi quan trọng.
Thục Minh
>> Hôn nhân mai mối
>> Mượn nợ trong thời kỳ hôn nhân
>> Phá vụ môi giới hôn nhân người nước ngoài trái phép
>> Hôn nhân đồng tính: Cần cái nhìn thấu đáo
>> Bàng hoàng nỗi đau hôn nhân cận huyết
Bình luận (0)