Món ăn ưa thích của nó là những ác mộng. Nhưng nếu không đủ no, nó vẫn có thể ăn cả những giấc mơ bình thường khác. “Thật thú vị!”, Diệp cảm thán. Cùng theo đó, là những câu chuyện không đầu không đuôi bất tận về những thứ không đâu: mặt nạ kịch Noh, những cánh đồng hoa hướng dương ở Hokkaido, mùa đông ngập chìm trong tuyết ở Sapporo… Những thứ tưởng như rất bất chợt nhưng đều có một điểm chung: Nhật Bản.
Anh ta yêu thích và luôn muốn được một lần đến đất nước mặt trời mọc. Còn Diệp thì yêu thích việc yêu tất cả những gì anh ta quan tâm. Cô bắt đầu lảm nhảm cho tôi nghe không biết mệt về Hiragana và Katakana; về Kanji, về Kyoto, Geisha và tinh thần Samurai bất tử, nói như thể những thứ ấy đều có một ý nghĩa trọng đại nào đấy trong cuộc đời cô đã từ rất lâu rồi.
Tôi không quá ngạc nhiên. Nói cho cùng, đối với cô, mọi sự như định mệnh hay một thứ gì gần như thế: chính cũng nhờ việc cô bất chợt muốn đến xem một buổi trình diễn văn hóa về kịch Kabuki, mà họ đã gặp nhau.
|
Diệp có vóc người cao, nét mặt dịu dàng và nữ tính. Nó hiền dịu đến nỗi khiến bạn có thể quên mất ngay nếu bạn chỉ gặp cô trong vòng một trăm giây. Mắt to vừa phải, sống mũi không cao không thấp, nụ cười hiền lành không để lại một ấn tượng đặc biệt nào… Một khuôn mặt phụ nữ thông thường rất dễ lầm lẫn, trôi hàng ngày đâu đó trong dòng người đông đúc.
Như nhiều người khác đã từng bị lừa phỉnh về Diệp chỉ qua phán đoán vẻ ngoài đó, sau khi đã trở thành bạn thân, tôi mới ngạc nhiên biết mình đã nhầm tới mức nào. Tất cả những điều mà tôi cho là cực đoan, thậm chí là hơi kỳ quặc trong tính cách và cách cư xử hàng ngày, cô đều tự nhiên một cách không hề gắng sức, ẩn giấu thành công qua vẻ bề ngoài đó.
Diệp có thói quen cuồng si hóa một sự việc hay một sự vật nào đó mà cô ưa thích, tức là đẩy mức độ yêu chuộng, đam mê tới mức gần như ám ảnh. Dạo mới quen cô, tôi cảm thấy đúng là không có gì mà kỳ cục bằng. Nhưng từ từ, tôi nghiệm ra, giống như những người luôn gõ đũa vào chén trước khi ăn, hay có người ngày nào cũng phải dọn nhà cửa sạch như lau như li ít nhất một lần, thói tật này ở cô, rốt lại cũng chỉ như một đặc điểm riêng của mỗi người mà thôi.
Khi mới kết bạn được ít lâu, có lần cô đã kể cho tôi nghe câu chuyện về cá.
***
Đó là khi cô mười bốn tuổi.
Một ngày nọ, trời vào hè oi bức, một mình cô vừa đi vừa mút kem trên con hẻm dẫn về nhà. Lúc đi qua khoảng giữa bóng râm từ giàn hoa giấy ở một ngôi nhà và khoảng đường nóng hực nắng trưa, một hình ảnh bất chợt xuất hiện trong đầu cô như một ánh chớp: một con cá. Một con cá đang bơi lội, uốn người lách qua những đám rong, như cô luồn lách giữa những đốm nắng. Rồi hai con cá, ba con cá, bốn con… Số lượng cá cứ tăng dần lên, ngày một dày đặc, bơi hỗn độn trong đầu cô một cách mất trật tự. Không đợi lâu hơn, trong tay còn bao nhiêu tiền, cô đi ra ngay tiệm bán cá mua hai con cá vàng bé teo và một bọc lăng quăng nhỏ. Lúc đầu tiên, cô phải nuôi chúng trong một cái ca nhựa cũ. Nhưng dần dần, cô đã tậu hẳn một chậu thủy tinh.
Trong lúc các cô gái đồng trang lứa nhịn ăn sáng để dành tiền mua kẹp tóc và hoa tai, cô để dành tiền mua cá. Đám cá đủ chủng loại mà trong khả năng cô có thể sưu tập được cứ thế như được nhân bản vô tính sinh sôi nảy nở thêm lên.
“Có một dạo, tất cả mặt bàn, mặt tủ trong phòng mình phải dọn hết để dành chỗ để hồ cá”, Diệp kể.
“Nuôi một bầy như thế kể cũng mệt chứ. Làm sao có thể chăm sóc chu đáo hết cho được”, tôi hỏi, có chút ấn tượng.
“Thì dĩ nhiên cũng có một số lăn ra chết, lâu lâu lại có vài con bụng lật ngược lên trời. Cũng chịu chứ có biết sao”.
Mỗi ba ngày một lần, cô thay nước hồ cá. Đầu tiên, cô vớt tất cả cá ra đầy một cái thau nhựa thật to. Sau đó mới lau chùi kỳ cọ từng hồ một. Cảnh tượng bầy cá lúc nhúc bơi trong cái chậu to nhưng chật hẹp và lổn nhổn cá không ngớt hấp dẫn cô.
“Cảm giác thật kỳ lạ… Cứ như lần mình được xem một đoạn phim khoa học nói về loài bướm monarch. Khi tất cả đập cánh bay lên rào rào cùng một lúc, như thể cả một cánh rừng nở đầy những cánh hoa màu da cam”.
Nhưng rồi, cũng bất chợt như lúc nó xuất hiện, cơn cuồng si loài cá biến mất. Như thể người ta búng ngón tay, như một ngọn nến bị thổi tắt phụt, như người bừng tỉnh cơn mơ, sự yêu thích đến mức không lý giải được bất thình lình tan biến.
“Đã đủ, thế thôi”, cô lý giải đơn giản như vậy.
Những con cá không còn được ưa thích nữa, cô đem thả ra sông. Xô chậu thì đem bán ve chai. Kể từ đó, Diệp không bao giờ còn để mắt tới cá nữa. Cơn si mê đã xong, chấm hết.
Ngoài cá, cô còn có vài thứ mê mẩn khác như lần sưu tập tem, sưu tập lá ép khô, hình ảnh và tiêu bản bướm… Mỗi cơn cuồng như vậy kéo dài trong vài tháng, hoặc cao nhất là nửa năm. Cơn cuồng si mới nhất gần đây đã kéo dài được ba tháng, và chưa thấy có dấu hiệu gì là sẽ dừng lại.
***
Gia đình Diệp sống ở một thị trấn tương đối lớn, họ có một căn nhà khá bề thế ở khu trung tâm. Cô là con một trong gia đình. Mười tám tuổi, cô lên thành phố trọ học, giã từ những cơn cuồng si tuổi thiếu niên để bắt kịp những cơn cuồng si mới, ở một nơi với đủ thứ mới mẻ hấp dẫn đáng để quay cuồng.
Chúng tôi kết thân nhau từ những năm tháng chung giảng đường, cho đến khi ra trường và mỗi đứa đều có những công việc riêng. Thói quen đến nhà cô chơi mỗi cuối tuần đã thành một lệ khó bỏ: chúng tôi là hai mặt của một lá bài, cô là phần có con số và màu sắc, tôi là phần nền đơn giản các lá giống hệt như nhau.
Lần đầu tiên đến nhà trọ của Diệp, tôi đã phải bất ngờ: phòng cô sạch không một hạt bụi.
“Diệp có thói quen lau dọn mỗi khi cần nghĩ ngợi điều gì đó”, cô giải thích đơn giản.
Dạo đó, một đoàn nghệ thuật Nhật Bản sang giao lưu văn hóa và biểu diễn một vài tiết mục kịch Kabuki. Lẽ ra chúng tôi đi cùng nhau, nhưng rồi tôi kẹt vào một việc không dự tính trước, nên cô đã đến đó một mình.
Nhà hát cho đêm diễn thật sang trọng, đèn chiếu chuyên nghiệp. Bản thân chưa từng đến những nơi như thế này bao giờ, cô thích thú ngắm những bức màn nhung khổng lồ màu đỏ kéo suốt từ bên này qua bên kia sân khấu. Nhìn những chạm trổ điêu khắc trên tường nhà, những đèn chùm lóng lánh treo xuống từ trần như những con mực phóng điện to lớn. Giữa đại dương âm u mà đầy kỳ thú, cô co cụm một mình trong chiếc ghế, từ tốn thưởng thức mọi thứ xung quanh.
Người đàn ông ngồi bên cạnh Diệp đã chủ động bắt chuyện với cô, như thể anh ta lôi cô ra khỏi đại dương tối ám đó.
“Trông em khá giống một người mà anh quen”.
Diệp mỉm cười, im lặng, cô thật không biết nên trả lời thế nào.
“Nhưng cũng đã lâu rồi anh không biết tin tức gì của cô ấy nữa”.
“Người yêu?”, cô hỏi, hơi rụt rè, nhận thấy mình có vẻ như đang tò mò quá mức.
“Có thể, mà cũng có thể không”, anh ta trả lời, miệng mỉm một nụ cười nhỏ, trông bí ẩn như một đốm sáng của tảo quang giữa đáy biển tối tăm.
Anh ta có thể đang nói thật, cô nghĩ. Hoặc cũng có thể anh ta chỉ tìm cách bắt chuyện làm quen. Nhưng anh ta không có vẻ gì là cố sức. Anh ta chỉ nhìn qua Diệp một cách nhẹ nhàng, cái nhìn lịch sự, khó giải thích, có phần nhạt nhòa như thể không quan tâm. Và ở cách nói của anh ta có cái gì đó, tạo cảm giác đơn thuần đó chỉ như một nhận định.
“Trông em khá giống ai đó”. Chỉ có thế mà thôi. Như thể là các loài sao chổi đều giống nhau một giuộc.
Vậy thì có lẽ thực sự có ai đó giống Diệp. Và cô gái là một cái gì đó của anh ta. Những chuyện này bỗng chốc gây kích thích tò mò như có một cái dằm trong da, chỉ có thể hết ngứa ngáy khi được gỡ ra bằng hết.
Cô lén liếc nhìn người đàn ông. Anh ta vẫn chăm chú nhìn lên sân khấu. Ở đó người diễn viên đang thực hành cách vẽ màu tạo mặt nạ rất đặc trưng trước khi biểu diễn. Gương mặt người đàn ông nhìn nghiêng, với một sống mũi thẳng, có một đường gãy nhẹ ở giữa.
Anh ta không phải dạng đặc biệt đẹp trai. Nhưng ở giọng nói của anh ta, có cái gì đó đặc biệt thu hút, cứ như là mỗi lời anh ta nói được phát ra từ một tần số khác. Cho đến giờ, cô chỉ mới nghe được đúng ba lần giọng của người đàn ông này. Nhưng cô muốn tiếp tục được nghe nữa.
Buổi biểu diễn kết thúc. Hòa trong dòng người chầm chậm đổ ra khỏi rạp, cô và người đàn ông đó đi gần nhau.
Anh ta lẳng lặng bước những bước nhỏ phía sau cô, tay bỏ vào túi quần, thỉnh thoảng ngước nhìn lên trần nhà khi dòng di chuyển bị tắc lại. Nhưng Diệp có thể cảm nhận rõ hơi thở của anh trên đầu những sợi tóc tơ sau gáy mình. Cô có thể nghe rõ tiếng chân anh trong hàng ngàn tiếng chân khác xung quanh ở cái rạp hát xa lạ này, ngay vào lúc này đây.
Cô không lý giải được tình trạng lúc đó. Nhưng nó gây một ấn tượng lạ lùng như khi cô thấy hình ảnh của bầy cá bơi ngang qua đầu vào năm cô mười bốn tuổi. Chỉ khác là lúc này, không có hình ảnh gì cả, chỉ là một chuỗi ánh sáng, nhỏ như một tia pháo bông giữa đêm đen, mỏng và nhanh như ánh chớp chạy trong bóng đèn huỳnh quang.
Ra đến cửa, khi người đàn ông chuẩn bị rẽ qua dãy gửi xe, dường như có phân vân, thoáng nghĩ ngợi, anh quay lại gọi cô.
“Em tên gì nhỉ?”.
Am thanh của câu trả lời từ miệng cô vọt ra theo tốc độ ánh sáng: “Mình có thể gặp lại nhau không anh?”.
***
Từ khi còn nhỏ, tôi đã là một người sống rất quân bình. Tôi học vừa phải, đọc sách, nghe nhạc vừa đủ. Luôn đi ngủ trước mười giờ tối và sáng dậy vào lúc sáu giờ. Công việc chính của tôi khi đến trường ngoài chuyện học là tránh xa khỏi những rắc rối mà mọi người thường gặp phải.
Tôi đã trải qua mười hai năm học phổ thông không một tì vết, không phải là dạng học sinh đặc biệt ưu tú nhưng thành tích cũng không đến nỗi tệ. Sau đó hoàn thành bậc đại học rồi ra trường đi làm với cùng một tâm trạng đúng như thế. Cho đến giờ, mọi chuyện vẫn rất ổn thỏa.
Phần lớn thời gian, tôi có cảm giác như mình là một chiếc thuyền bềnh bồng trên sóng nước, dù có sóng to gió lớn như thế nào cũng sẽ nương theo sóng mà đi. Diệp lại là một dạng người hoàn toàn ngược lại. Dường như cô thích đối mặt với những cơn sóng lớn và còn góp phần tạo ra nó.
Tôi không hiểu liệu có phải chính điều này đã dẫn chúng tôi tới việc kết bạn thân thiết với nhau hay không.
Kể từ khi gặp người đàn ông ấy, mà tôi tạm gọi là anh Y., có thể nói một cách tiểu thuyết là thế giới của Diệp đã đảo lộn hoàn toàn.
Tôi thầm nhận định, là anh Y. chính là một cơn cuồng si mới của cô. Dĩ nhiên cô không thể đem anh ta mà nuôi trong hồ cá, hay cắt tóc của anh ta mà ép vào tập như ép bướm khô. Cơn cuồng si này không thể được bộc lộ theo những cách thông thường, nó rối rắm và phức tạp hơn, khó nhận biết và khó diễn giải. Nó như thể những dây leo ẩn mình bám chặt, luồn lách trong những tầng bí ẩn xuyên qua đám dây thần kinh, không một ai có thể đến chặt đi, tiêu diệt cho hết.
Diệp và anh Y. gặp nhau mỗi tuần hai lần, tùy tuần mà sẽ gặp vào ngày chẵn hay lẻ do anh ta hẹn trước. Cứ như lịch học thêm ngoại ngữ ban đêm hay gì đấy. Và mỗi lần nghe điện thoại hẹn hò của anh ta là cô tung hê tất cả mọi thứ để chạy đến, như một chú chó con nghe chủ gọi.
Họ thường hẹn nhau ở một quán cà phê nào đấy. Sau đó đi chơi cùng nhau, hoặc có khi cả hai cùng đến khách sạn. Anh Y. là người đàn ông đầu tiên của cô. Việc quen anh ta, được gặp anh ta, được ở bên cạnh anh ta, đối với cô tự nhiên như người ta đói thì ăn cơm, khát thì uống nước. Tự nhiên đến nỗi cô không thể diễn tả mình hạnh phúc như thế nào khi trong vòng tay anh Y.
“Chỉ là cảm giác như mình đang trôi, thật nhẹ nhàng, giữa một dòng nước vậy”. Diệp nói với tôi, một trong hàng trăm lần cô kể về anh Y. cho tôi nghe. “Anh ta khiến cho tất cả những bấn loạn nếu có trước đây của mình biến mất hết, như sương tan khi mặt trời lên vậy”.
“Ý cậu nói anh ta làm cậu thấy bình an?”. Tôi hỏi.
Diệp im lặng. Cô đang đứng nơi bếp, quay lưng về phía tôi, làm món sushi một cách thờ ơ.
“Cậu vẫn thường hay nói cậu sinh ra đã sống rất quân bình mà…”, cô nói, quay lại nhìn tôi. Những ngón tay dừng lại nơi mấy cái cuộn cơm lỏng lẻo.
“Đúng, một trong những cái hiếm hoi mình thấy tự hào”, tôi nói.
“Không chừng, mình nghĩ, có một số người, như mình, sinh ra đã thiếu một điều gì đấy. Một điều gì đấy vô cùng quan trọng, và chỉ có thể tìm thấy thông qua một người khác thì mới đạt được trạng thái quân bình?”.
“Ý cậu nói là cậu đã tìm được điều đó nơi anh Y.?”.
Cô không trả lời, vẻ nghĩ ngợi.
“Nếu cậu thực đã tìm thấy điều đó thì mình mừng cho cậu”, tôi nói.
***
Quả thực, thời gian từ khi Diệp thực sự có anh Y., những cơn cuồng si khác của cô đã hoàn toàn biến đi không dấu vết, đến mức đáng ngờ. Mọi thứ dường như chìm trong một khoảng lặng yên bình, cứ như người ta đang rơi vào vùng tâm bão vậy.
Diệp không còn kể tôi nghe về cá, hay về bướm monarch màu cam. Cô cũng không học tiếng Nhật nữa, bỏ các tờ giấy ghi Hán tự treo tường. Cô không nhất thiết mỗi ngày lau dọn ít nhất một lần, không thỉnh thoảng lại hành xử kỳ quặc khiến mọi người khó chịu nữa. Thành phố Sapporo tuyết phủ bây giờ hóa ra như một cái gì xa vời, chỉ như những bóng ký ức giả tưởng, không tồn tại, cô không nhớ mình đã từng có nói muốn đi xem cánh đồng hoa hướng dương.
Mỗi tuần hai lần, cô được gặp anh Y. chừng ba tiếng. Thật ra thời gian đó quá dài, có khi sẽ bị rút ngắn hơn. Họ nằm cạnh nhau, tán dóc, nói đủ chuyện trên đời. Trong bóng tối, cô lắng nghe tiếng anh kể chuyện, rù rì, nho nhỏ. Cái giọng kỳ lạ mà cho dù cô nghe đến bao nhiêu đi nữa cô vẫn không thể ghi nhớ được vào trong ký ức. Khi hết chuyện, họ nằm yên. Và cô có cảm tưởng như tiếng thở của anh là tiếng giọt nước rơi rất nhẹ trong một hầm than cũ bỏ hoang, không người, im ắng đến như không còn có thể im ắng hơn được nữa.
Nếu thật sự đây là cái chết, thì tất cả cuộc đời của cô sẽ hoàn toàn hoàn hảo. Chính giây phút này đây, thời gian chấm dứt. Tất cả dừng hẳn lại. Im lặng. Kết thúc. Đó là tất cả những gì cô muốn.
“Nhưng thời gian thì vẫn cứ tiếp tục trôi thôi, và không ai có thể dừng nó được” , cô nói.
Khi thời gian đã trôi trở lại thì anh Y. quay về nhà với người vợ chỉ tồn tại một cách mờ nhạt qua vài câu chuyện chắp vá, một đứa con trai xinh xắn mà anh Y. không bao giờ có thể rời bỏ.
Có thế, câu chuyện mới tiếp diễn, mới không bị vùi lấp trong hầm bỏ hoang không bóng người.
***
Một buổi chiều thứ sáu, lúc ánh trời còn chưa tắt, bầu trời nhuộm một màu vàng cam, đẹp không gợn nỗi buồn.
Tôi ngắm Diệp diện rất đẹp. Cô nói cô vừa nhận được điện hẹn đi chơi của anh Y. Cô gọi tôi qua nhà trọ để phụ sắp xếp hành lý, đem theo quần áo mà cô ưa thích nhất. Anh Y. nhân mấy ngày phép dẫn cô đi chơi hè.
Tôi ngắm cô chưng diện trước gương và nói đùa.
“Cậu đi xa thì cơn ác mộng của tớ gồm các câu chuyện truyền kỳ về anh Y. sẽ kết thúc”.
Cô cũng bật cười. Gương mặt cô trong gương bỗng như sáng hẳn ra với nụ cười đó. Bất chợt, cô quay lại phía tôi, vẻ mặt vô cùng nghiêm trọng.
“Cậu có thường hay gặp ác mộng không?”.
Tôi, hơi e dè vì vẻ mặt đó của cô, nói một cách chậm rãi: “Cũng đôi khi”.
“Nếu có gặp ác mộng, cậu hãy gọi con Baku tới”.
“Ý cậu nói là con thú ăn giấc mơ ấy à?”.
Cô mỉm một nụ cười thật tử tế.
“Đúng vậy. Con thú ăn giấc mơ. Nó sẽ ăn hết ác mộng của cậu, và cậu sẽ có một giấc ngủ an lành. Nhưng phải cẩn thận, vì nếu cậu không chạy trốn khỏi nó đúng lúc, nó sẽ ăn tiếp cả những giấc mơ khác của cậu nữa. Cơn đói của nó sẽ không chừa bất cứ thứ gì, nó sẽ khoắng sạch tất cả ước nguyện, khát vọng, đam mê, mơ mộng của cậu. Và cuối cùng cậu sẽ chỉ còn lại như bộ kén khô mà con bướm đã bỏ lại thôi”.
Diệp nói một cách nghiêm nghị, với một giọng ngân nga như thể ngâm ngợi một bài đồng dao, khiến tôi cười thành tiếng. Cô cũng cười theo, những ngón tay thon dài gõ gõ bên thái dương.
“Mình cũng muốn xua con Baku của mình ra ăn giúp ác mộng của cậu đấy. Nhưng đáng tiếc, nó đã no lắm rồi”.
Nói rồi, cô cười vui vẻ, ì ạch xách va-li xuống nhà.
Tôi đưa cô xuống đến cổng, bắt giùm cô chiếc taxi để cô đến nơi hẹn, vẫy tay chào đến khi cô đi.
***
Hai tuần sau, tôi nhận được tin báo Diệp qua đời.
Nơi ở cuối cùng của cô là một khách sạn nhỏ, ở một tỉnh nhỏ không mấy khách du lịch biết đến, thức ăn cuối cùng của cô là những thứ ở trong mấy chai thuốc trống rỗng. Cô đến đó một mình, và ra đi một mình, không ai biết.
Cho đến khi nhân viên khách sạn phát hiện ra.
Tôi nhận tin khi đang vật lộn giữa một đống việc không ai chịu giải quyết giùm. Cho đến khi tất tả mua vé xe, tìm đến nơi thì mọi thứ đã xong xuôi, cô đã nằm im lìm trong lòng đất, ngủ một giấc yên tĩnh thật dài. Mọi thứ đã dừng lại đúng như cô mong muốn. Chỉ khác là không có anh Y.
Người thân của cô không một ai biết lý do tại sao cô lại hành động như thế. Cô chưa từng tâm sự với ai ngoài tôi về những chuyện xảy ra. Cô cũng không để lại thư tuyệt mệnh hay một lời giải thích.
Nhưng cô đã để lại cho tôi một thứ. Một chiếc hộp gói kín cùng vài lời nhắn cuối cùng trong một mẩu giấy cô để lại cho người thân. Cha cô đã làm đúng như lời mẩu giấy, ông đã không hề mở chiếc hộp ra xem. Ông để nó nguyên trạng gói ghém cẩn thận như thế, trên chiếc kệ sách gần cửa sổ. Hàng ngày ông đi ra đi vào, nhìn thấy nó trong một nỗi ấm ức và đau đớn. Liệu bên trong đó có lời giải thích nào cho cái chết của đứa con gái duy nhất? Cái hộp vẫn nằm đó, lặng thinh, lì lợm và bí ẩn. Ông chỉ chờ gặp để trao tận tay cho tôi.
Trong suốt quãng đường trên chiếc xe khách về tới nhà, tôi nương nhẹ cái hộp như một vật dễ vỡ, chỉ chờ đến khi xé lớp giấy hoa bao bọc quanh nó như một cái kén bí ẩn, liệu có loài bướm lạ nào đang ẩn mình trong đó chờ bay ra?
Cái hộp trống rỗng. Hoặc chính xác hơn: không có gì dành cho tôi. Trong cái hộp, là một cái hộp khác nữa, cùng một lời chú thích, nhờ tôi gặp và trao tận tay cái hộp đó cho anh Y.
“Vô cùng xin lỗi”, lời cuối cùng của mẩu giấy được xếp gọn ghẽ trong đó. Nét chữ mềm mại của Diệp. Màu mực nhòa đi vì một hai giọt nước mắt của tôi bất chợt rơi xuống. Tôi nhìn chiếc hộp thứ hai bên trong, khoảng cầm trong một bàn tay, gói cùng một loại giấy hoa như chiếc hộp bên ngoài.
Tôi cầm nó trên tay, nó gần như không trọng lượng. Cái quái quỷ gì đang nằm bên trong?
***
Khoảng hai tuần sau, sau khi đã thu xếp một số đồ có giá trị kỷ niệm của Diệp và gửi về cho gia đình cô, tôi mới gọi điện cho anh Y.
Đầu tiên, anh Y. có vẻ như không muốn gặp mặt, tôi bèn phải giải thích rõ tình huống, và rằng tôi chỉ gặp để thực hiện di nguyện cuối của người đã qua đời, hoàn toàn không muốn gây phiền phức gì cho anh hết. Trong điện thoại, giọng anh có vẻ bình tĩnh. Nghe xong, anh im lặng rất lâu. Cuối cùng, anh trả lời bằng một kiểu nói rất công việc, hẹn gặp tôi ở một quán cà phê.
Tôi được gặp anh Y. lần này là lần đầu. Và nói thật tình, điều này cũng có chút thỏa mãn cho sự tò mò mãnh liệt suốt bấy lâu về một nhân vật gây xáo trộn mọi thứ đến như vậy.
Anh Y. hóa ra là một người rất bình thường. Kiểu dạng thương gia hay công chức ở đâu cũng có. Cái người gây bấn loạn, cũng như dẹp tan tất cả những bấn loạn ấy trong lòng Diệp cũng chỉ là một người đàn ông bình thường như thế! Người đang nhận lấy cái hộp tôi trao với một vẻ mặt khó tả. Anh ta nửa như muốn cầm lấy, nửa như muốn xua đẩy nó đi. Khi đã nhận nó rồi, anh Y. để nó sang một bên góc bàn như thể một món đồ đang tỏa ra mối đe dọa gì đó.
Tôi những mong anh tháo phắt lớp giấy gói, và mở cái hộp ra xem cái gì trong đó, một sự tò mò thiêu đốt tôi. Nhưng anh có vẻ như quyết định chỉ đụng tới nó khi đã được ở riêng tư một mình.
Vậy là tôi ngồi đối diện anh Y., cơn mê muội cuối cùng mà dữ dội nhất của Diệp. Liệu nó đã kết thúc thật sự hay chưa, tôi không bao giờ biết. Nếu nó chưa thể kết thúc ngay cả khi cô đã an nghỉ, nó sẽ là cơn cuồng si dai dẳng, vĩnh viễn không kết thúc và mãnh liệt nhất của cô.
“Con thú ăn giấc mơ, cơn đói của nó sẽ không chừa bất cứ thứ gì, nó sẽ khoắng sạch tất cả ước nguyện, khát vọng, đam mê, mơ mộng của cậu. Và cuối cùng cậu sẽ chỉ còn lại như bộ kén khô mà con bướm đã bỏ lại mà thôi”.
Không biết con thú ăn giấc mơ của cô, khi đã không còn giấc mơ để hút lấy nữa, nó sẽ về đâu? Hay có khi nào nó đang nằm trong chiếc hộp kia, chỉ chực chờ xông ra, chồm tới, nhào lấy, ngấu nghiến mọi giấc mơ tìm được ở bất cứ người nào, như một cơn lốc cuốn trọn mọi thứ trên đường nó đi, chỉ để lại một bầu trời cạn rỗng.
Diệp đã để lại cho anh Y. con thú ăn giấc mơ của cô. Tôi mong là như thế.
Truyện ngắn của Bích Khoa
Bình luận (0)