Con trai hội chứng Down xóa định kiến, nhẹ nhàng đền ơn người mẹ tảo tần

Phan Diệp
Phan Diệp
31/08/2023 12:03 GMT+7

Tự làm được nhiều việc trong sinh hoạt hằng ngày, biết quan tâm người thân và tự tin bắt chuyện với người lạ, Nguyễn Ngọc Bảo Sơn (17 tuổi, quê Hải Dương) xóa bỏ nhiều định kiến về người mắc hội chứng Down.

Trẻ mắc hội chứng Down có xu hướng phát triển ý thức và kỹ năng tự chăm sóc bản thân chậm hơn so với trẻ cùng lứa. Tuy nhiên, bằng tình yêu của mẹ và những thành viên trong gia đình, Sơn trở thành cậu bé năng động, làm được nhiều việc và biết quan tâm chăm sóc người thân. Trên mạng xã hội, những video về hành trình trưởng thành của Sơn truyền cảm hứng đến cộng đồng. 

Con trai bệnh Down xóa bỏ định kiến 'vô dụng', đền ơn người mẹ tảo tần  - Ảnh 1.

Sơn là cậu bé thích thể hiện tình cảm, sự quan tâm của mình dành cho mọi người, đặc biệt là mẹ Dung.

Nhân vật cung cấp

Gen khác biệt nhưng có cuộc sống bình thường

17 năm trước, chị Đỗ Thị Dung (48 tuổi) sinh cậu út Bảo Sơn. Không lâu sau đó, con được chẩn đoán mắc hội chứng Down. Lúc bấy giờ, trong làng của chị Dung cũng có một người đàn ông mắc hội chứng này. Hàng xóm bảo với chị, lớn lên con sẽ giống ông ấy, không làm được gì, thậm chí suốt ngày chỉ biết đi lang thang ngoài đường.

"Sợ con đúng như thế thật, tôi làm mọi cách để giúp con hòa nhập cộng đồng. Chứng minh lời nói của mọi người không đúng", chị Dung nhớ lại. 

Người mẹ trẻ lúc bấy giờ rất hoang mang, nhưng sớm lấy lại bình tĩnh. Chị luôn nghĩ, con người cũng như cái cây. Nếu cây đẹp, tốt dù trồng trong khu đất màu mỡ nhưng không người chăm sóc, thì cây không phát triển được. Ngược lại, dù là cây xấu, trồng trong đất khô cằn, nhưng có người chăm, lâu dần sẽ khỏe mạnh và phát triển.

Vì thế, dù kinh doanh vất vả, bận rộn nhưng chị vẫn kiên trì chăm con. "Bố mẹ không thể kén chọn con cái. Dù con ra sao, hình hài thế nào thì vẫn yêu thương", chị Dung ngậm ngùi.

Sơn nấu mì tôm mang ra chỗ bán hàng cho bố mẹ ăn 2 năm trước.

Năm 6 tuổi, Sơn được cho đi học lớp 1 ở trường công. Tuy không nhanh nhẹn như các bạn nhưng em cũng nhận biết được mặt chữ. Khi đang học lớp 2, Sơn thường bị bạn bè trêu chọc, gọi em là "thằng dở". Những đứa trẻ không biết rằng, "thằng dở" ấy biết tủi thân, nhiều lần chạy về ôm mẹ khóc. Thương con, mặc cảm vì hoàn cảnh, chị Dung quyết định cho con nghỉ học. Cũng từ đó, vợ chồng chị trở thành những giáo viên của con, dạy con mọi kỹ năng để trưởng thành.

Vợ chồng chị đối xử với Sơn như 2 anh chị của em. Biết con thiệt thòi nhưng không nuông chiều. Không chăm bẵm con từng chút một. Không làm thay con mọi việc mà hướng dẫn con tập làm. Từ việc tự thay quần áo, vệ sinh cá nhân cho đến rửa chén, vo gạo nấu cơm... 

Lúc đầu cậu bé phải dùng ngón tay đo mực nước để nấu cơm. Sau này, Sơn có thể tự áng chừng, nấu cơm ngon "10 bữa như 1". Gần chục năm nay, em luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nấu cơm cho cả nhà. Trước khi nấu, em đều hỏi mẹ: "Bố có về ăn không để con nấu thêm".

Anh Nguyễn Ngọc Oanh (54 tuổi), bố Sơn cũng cảm nhận được tình cảm con trai dành cho mình. "Mỗi ngày đi làm về, con trai lại ra ôm bố, hỏi tôi có mệt không và rót nước mời tôi uống", anh Oanh kể. 

4 năm trước, công việc làm ăn của vợ chồng thị thất bại, cả nhà quyết định lên Hà Nội kiếm việc. Thời điểm dịch Covid -19, kinh tế khó khăn, Sơn cùng mẹ phụ đóng hàng ở bưu cục từ 8 giờ đến 18 giờ, mỗi tiếng được trả 20.000 đồng. 

"Con tiếp thu chậm, mắt kém và mất nhiều thời gian để thuần thục một việc nhưng con rất cẩn thận. Làm việc gì cũng nhìn người khác để làm theo. Trước giờ, con chỉ làm vỡ duy nhất 1 chiếc bát", chị Dung chia sẻ.

Con trai bệnh Down xóa bỏ định kiến 'vô dụng', đền ơn người mẹ tảo tần  - Ảnh 3.

Sơn được chị Dung tập làm mọi việc từ nhỏ.

Nhân vật cung cấp

Nhưng không phải lúc nào Sơn cũng ngoan ngoãn. Có lần chị Dung nhờ Sơn phơi đồ. Em nhăn mặt, có hành động mạnh tay khi làm việc, tỏ ý không hài lòng. Chị Dung không nói gì, chỉ bỏ đi làm việc khác. Tới bữa, Sơn dọn cơm rồi không thấy mẹ đến ăn. Em nhận ra mẹ giận. Dường như đã biết lỗi, Sơn chạy tới ôm mẹ khóc nức nở.

"Mẹ ăn đi cho con vui. Tại con bất hiếu, mẹ đừng bỏ con mẹ nhé. Con học giỏi con làm nuôi mẹ", Sơn vừa khóc vừa cố gắng nói rõ từng từ một. Người lạ lần đầu gặp có thể hơi khó nghe em nói. Riêng chị Dung thì hiểu cặn kẽ từng lời con trai, nước mắt cứ thế trào ra. 

"Con biết khóc, cười, biết giận hờn và nhận lỗi sai... Với tôi, con là một chàng thanh niên tuyệt vời", chị Dung tự hào nói.

Người khuyết tật không nằm ngoài xã hội 

Gần nửa năm nay, chị Dung biết và tham gia được lớp học hướng dẫn kinh doanh online của thầy Hán Quang Dự. Mỗi lần mẹ học online, Sơn đều nhìn vào màn hình máy tính chào thầy và các cô học viên. 

Thầy Dự rủ Sơn đến lớp học, chia sẻ với chị Dung rằng, nhiều phụ huynh có con mắc hội chứng này thường ngại đưa con ra ngoài. Điều này khiến cho những đứa trẻ mắc hội chứng Down thiệt thòi, không thể hòa nhập. Còn cộng đồng thì thấy lạ lẫm với hình ảnh các em tham gia hoạt động xã hội. 

"Chị nên chia sẻ câu chuyện của Sơn. Truyền động lực cho bố mẹ và các bạn giống Sơn được vui vẻ, tự tin", người thầy nói. 

Con trai bệnh Down xóa bỏ định kiến 'vô dụng', đền ơn người mẹ tảo tần  - Ảnh 4.

Mẹ con chị Dung chụp hình với thầy Hán Quang Dự trong một buổi học.

Nhân vật cung cấp

Vậy là khoảng 3 tháng nay, chị Dung bắt đầu chia sẻ những hoạt động thường ngày của 2 mẹ con lên mạng xã hội. Những video đầu tiên kể chuyện Sơn tự nấu cơm, thể hiện năng khiếu nhảy múa… thu hút hàng triệu lượt xem. Có người động viên, nhưng cũng có người dè bỉu. 

"Có con như thế mà vẫn khoe à?", những câu bình luận như thế khiến chị Dung lòng nặng trĩu. Chị hoài nghi bản thân, liệu mình có làm gì sai chăng?

"Hiếm những trẻ hội chứng Down có thể tự tin giao tiếp, làm được nhiều việc và quan tâm mọi người như Sơn. Việc chia sẻ hành trình trưởng thành của cậu bé lên mạng xã hội giúp xã hội lan tỏa nhiều năng lượng tích cực, thay đổi quan điểm của xã hội về người mắc hội chứng Down", thầy Dự tiếp tục động viên. 

Gần đây, chị Dung không còn thấy nhiều bình luận tiêu cực của mọi người nữa. Thay vào đó là những lời cám ơn của người lạ có con giống Sơn, rằng: "Cám ơn chị, xem video của chị em mới có động lực dẫn con đi ra ngoài nhiều hơn".

Con trai bệnh Down xóa bỏ định kiến 'vô dụng', đền ơn người mẹ tảo tần  - Ảnh 5.

Sơn múc cơm vào hộp để đem tặng cho bệnh nhân ở bệnh viện tại bếp cơm 0 đồng của thầy Dự.

Nhân vật cung cấp

Để Sơn có được sự tiến bộ như ngày hôm nay, chị Dung cho biết đó là cả một hành trình dài cả nhà cùng cố gắng. Cuộc đời Sơn có thể thật sự đã trở nên "vô dụng" nhưng nhờ sự quan tâm của gia đình, mọi chuyện nay đã khác. "Con sống trong tình yêu thương, nên chắc chắn sẽ đáp lại bằng sự yêu thương của mình", chị Dung tâm sự. 

Mới đây, Sơn bảo mẹ: "Mẹ đăng ký cho con học qua zoom cũng được, để con còn học chữ cái". Thương cậu em út, 2 anh chị của Sơn đã gom tiền để thuê thầy dạy cho em. 

Cậu bé Sơn rất thích tập viết, học cách phát âm. Tuy phát âm còn ngọng, nhưng Sơn luôn cố gắng lặp đi lặp lại tên chữ cái thật to. Thấy vở chỉ còn vài trang giấy là em đã giục mẹ đi nhà sách để mua thêm.

Ước mơ của cậu bé là học giỏi để mở công ty, kiếm tiền nuôi mẹ. Em còn định sau này lấy vợ sẽ cho vợ học nghề spa để chăm sóc sức khỏe cho bố mẹ và mọi người. Hễ thấy mẹ mệt, Sơn lại chủ động nói: "Để con làm mặt cho mẹ nhé". Rồi cậu bé giục mẹ nằm xuống, lấy khăn lau mặt, massage mặt và cổ, tay cho mẹ.

"Tôi không dám "ước mơ xa xôi", chỉ cần con có thể hòa nhập với cộng đồng, được mọi người đón nhận là đã mãn nguyện. Dù sao thì tình yêu tôi dành cho con vẫn là vô giá", chị Dung mỉm cười, chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.