Con trai bị nghiện, ‘bà má’ 62 tuổi quyết làm bảo vệ dân phố bắt ma túy

27/12/2016 09:01 GMT+7

Ở khu phố 6, P.3, Q.Bình Thạnh có một phụ nữ tình nguyện làm bảo vệ dân phố (BVDP) và là khắc tinh của tội phạm ma túy mà khi nhắc đến không ai không biết. Hơn ai hết, người phụ nữ này thừa hiểu nỗi đau có con bị vướng vào 'cái chết trắng'.

Vào mỗi sáng, khi nhiều người tất bật chuẩn bị đến công sở thì bà Lê Kim Chung (62 tuổi, ngụ P.Thới An, Q.12, TP.HCM) đã có mặt tại chốt dân phòng nằm trên đường Vạn Kiếp, thuộc khu phố 6, P.3, Q.Bình Thạnh.
Trên người bà lúc nào cũng là bộ đồng phục BVDP phẳng phiu, chiếc bộ đàm vắt ngang ngực phía bên trái, cùng băng đỏ đeo một bên tay. Cứ thế, chốt trực ở khu phố 6 trong 10 năm qua không bao giờ vắng hình bóng bà.
VIDEO: Đau xót khi con trai bị nghiện, 'bà má' 62 tuổi xung phong làm dân phòng
Bà tổ trưởng dân phố bắt cướp
Bà Lê Kim Chung quê tận Hà Nội, vào Sài Gòn sinh sống từ những năm 1975. Bà xuất thân là một nghệ sĩ biểu diễn xiếc. Sau khi chồng mất, bà bỏ nghề, một mình nuôi 2 người con.
Từ năm 2004, khi người tổ trưởng trước đó qua đời, bà Chung được nhiều người tin tưởng bầu làm người đứng đầu với hơn 46 hộ dân. Tuy nhiên mối lương duyên lớn nhất với công việc BVDP bắt nguồn từ khi người con trai của bà bị lôi kéo vào con đường ma túy.
Nhiều lần bà Chung xin vào đội BVDP để tuần tra giữ gìn an ninh cho khu phố, nhưng vì bà là phụ nữ nên người chỉ huy khi đó không đồng ý. Dần dần, đến nhiệm kỳ chỉ huy tiếp theo, thấy bà Chung luôn thể hiện quyết tâm quá lớn, “rất máu” với công việc này nên bà được kết nạp vào đội.
Trong lần đầu “xuất tướng”, bà không chần chừ, liền bắt tay ngay vào việc. Chiến công đầu tay của bà là phát hiện một đối tượng nữ mua bán ma túy trong khu trọ khi đang tuần tra.
Bà Chung cho biết, bà không bao giờ cảm thấy sợ khi phải đối mặt với tội phạm 
Sinh nghi, bà tiến thẳng đến đối tượng vừa thăm dò vừa kiểm tra. Thấy người này giấu nhẹm bàn tay trong người, bà yêu cầu đưa thẳng tay, mở từng ngón tay trong lòng bàn tay để xem xét. Thấy có hai gói bột trắng bà Chung lập tức khóa tay, xốc lên xe chở về phường xử lý và xác định tang vật đúng là chất ma túy.
Trong tình huống khác, lúc bà Chung đang điều tiết giao thông tại đường Vạn Kiếp thì một số đối tượng nghiện ngập lang thang đến khu phố bà ở để trộm tài sản. Khi phát hiện, bà không ngại khó, nhờ người chở theo bắt lại cho bằng được.
Tuy nhiên, một trong những lần ấy, sau khi kiểm tra quả tang vì tài sản quá nhỏ và chưa gây nguy hiểm cho xã hội, bà đành tha và căn dặn nghi can đừng nên tái phạm nữa.
Khi bà Chung say sưa kể về thành tích của mình, tôi hỏi bà có sợ cướp hay người nghiện không, bà Chung đáp ngắn gọn: “Sợ gì chứ, có võ để làm gì, tôi không bao giờ sợ chúng đâu”.
Bà Chung cũng phân trần thêm: “Khi đối diện với tội phạm phải vừa bình tĩnh, vừa ngọt ngào. Điều quan trọng của tôi là dám làm tất cả. Tức là dám ăn – dám nói – dám gọi công an khi bắt được người tình nghi hay khi can ngăn các vụ ẩu đả trong tổ của mình. Nhưng mà nói thiệt, có khi tối về suy nghĩ lại thấy mình liều mạng lắm luôn”.
Bà tổ trưởng 'bao đồng'
Bà Chung không cao to, nhưng khỏe khoắn, đặc biệt là ánh mắt sắc lẹm khi đối diện với tội phạm, nhưng bên trong con người bà luôn dung chứa sự nồng ấm tuyệt vời. Bà luôn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên hỗ trợ và đối xử hợp tình hợp lý với những người nghiện, quậy phá. Kèm theo đó, bà Chung cũng chuyên là người đứng ra hòa giải những vụ ẩu đả, chuyện cãi nhau của nhiều gia đình và những việc không tên khác.
“Thử tìm xem có ai làm tổ trưởng như tôi mà đi hốt phân chó, gom rác không. Mỗi lần thấy phân chó, rác nằm trước nhà dân, tôi liền gom lại từng bọc rồi để sát vào lề cho con đường sạch sẽ hơn, để người dân cũng tiện việc xử lý”, bà Chung vui vẻ nói.
Không những vậy, đầu năm 2005, thời điểm ma túy bùng phát trong khu vực. Bà Chung một mình đứng ra xin phép thành lập Câu lạc bộ Lá Chắn. Đây là mô hình tập hợp tất cả các phụ huynh trong phường có chung nỗi đau người thân vướng vào tệ nạn ma túy, với mong muốn đó sẽ là “lá chắn” giúp đỡ các gia đình nhận biết, không kỳ thị, bảo vệ con cái trong cám dỗ của “cái chết trắng”.
Bà Chung luôn hỏi thăm, động viên những người nghiện trong khu phố của mình Phạm Hữu
Ở P.3, Q.Bình Thạnh, bà Chung kiêm nhiệm rất nhiều vai trò không tên khác nhau Phạm Hữu
Thời điểm đầu, chỉ có vài người tham gia, dần dần CLB có trên 50 người ủng hộ sinh hoạt định kỳ. Sau này những người nghiện cũng qua đời nhiều và thành viên từ đó cũng giảm theo. Song song đó, bà Chung cũng tình nguyện cảm hoá các đối tượng ở địa bàn, làm thủ tục đưa họ đi cai nghiện hoặc đưa đi uống Methadone tại địa phương. Còn những người trở về sau thời gian cai nghiện thì được bà Chung tặng gạo, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Cũng tại khu phố 6 này, nhiều người từng bị bà bắt, sau khi hoàn lương được bà giúp đỡ, đều gọi bà bằng má, và luôn cảm ơn bà mỗi khi gặp lại.
Bà kể: “Cách đây hơn 2 năm, tôi có bắt một người cướp giật giao cho công an xử lý, nó bị đi cai thời gian. Sau này đi ngang chỗ nó sửa xe, nó gọi mình má Chung ơi khỏe không, để con dắt má qua đường. Tôi giật mình hỏi 'mày còn hận tao không'. Nó nói là: không, con phải cảm ơn má, nhờ má mà giờ con mới được ngày hôm nay”.
Khi nghĩ về những việc mình đã đóng góp, bà Chung cho biết có thể những người từng bị bà bắt sẽ rất hận mình. Tuy nhiên, bà vẫn muốn đứng ra cảm hóa những người như vậy.
Và hiện tại, bà Chung đã chuyển đến nơi ở mới tận Q.12. Nhưng cứ vào mỗi sáng sớm, bà lại đón xe ôm, mặc bộ đồng phục BVDP, đến khu phố 6, P.3, Q.Bình Thạnh giữ gìn an ninh trật tự cho bà con nơi đây.
Ngày 26.11 vừa qua, UBND TP.HCM phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố lần thứ hai. Trong số đó, bà Lê Kim Chung (ngụ P.Thới An, Q.12, TP.HCM) là BVDP thuộc P.3, Q.Bình Thạnh, được tuyên dương điển hình tiêu biểu tích cực xông xáo trong công tác phòng chống tội phạm ma túy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.