Con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga: 'Cuộc đời tôi còn tệ hơn chữ tệ'

28/04/2019 06:30 GMT+7

Dù sinh trưởng trong đại gia đình giàu truyền thống về nghệ thuật nhưng cũng chính 'cái bóng' quá lớn của mẹ và gia tộc đã khiến sự nghiệp nam diễn viên hài Hà Linh chông chênh quá đỗi...

Ở tuổi 46, nghệ sĩ Hà Linh lần đầu được sang Mỹ lưu diễn sau 3 lần... rớt visa. Anh đi theo nghệ sĩ Anh Vũ, nhưng người đồng hành chẳng may đột tử khiến các show diễn sau đó phải hủy ngang. Trở về Việt Nam, Hà Linh có những chia sẻ tâm tư về chuyến xuất ngoại sóng gió: "Có người hỏi mình có muốn sống bên đấy không? Mình trả lời nếu muốn sống tốt với nghề, mình sẽ không qua bên đó. Nhưng còn ở bên đây? Có còn sống được với nghề không? Cái đó thì tùy duyên chứ mình ở không cũng lâu lắm rồi! Kết lại là với mình, bên nào cũng không tốt với nghề của mình cả".
"Diễn viên lâu năm như tôi giờ khủng hoảng lắm", Hà Linh tâm sự Ảnh: NVCC
Nghệ sĩ Hà Linh là con trai của cố nghệ sĩ Thanh Nga. Ngoại anh là bà bầu Thơ, ông ngoại là nghệ sĩ Năm Nghĩa (người có công phát triển bài Dạ cổ hoài lang của nghệ sĩ Cao Văn Lầu). Cậu hai anh, nghệ sĩ Hữu Thìn (cha của nghệ sĩ Hữu Châu, Hữu Lộc). Biến cố gia đình vào tháng 11.1978 đã lấy đi của Hà Linh những người thân yêu nhất. Mẹ của anh, NSƯT Thanh Nga và ba anh (luật sư Phạm Duy Lân) đã mất trong vụ sát hại gây rúng động Sài Gòn. Hà Linh lúc đó là nhân vật chính trong một vụ bắt cóc bất ngờ và bố mẹ anh đã chống cự đến phút cuối cùng để bảo vệ con trai. Lớn lên giữa những buồn vui, giữa một gia tộc nổi tiếng, giữa những ám ảnh bi kịch không thể xóa nhòa, giữa những ngã rẽ số phận và rồi cuối cùng Hà Linh chọn đi theo nghiệp của nghệ sĩ Thanh Nga. Nhưng dưới cái bóng quá lớn của người mẹ quá cố, chiếc áo nghệ thuật mà Hà Linh khoác vào dường như vẫn quá khổ, để đến giờ này, anh vẫn lận đận với nghề. 
"Trước đây tôi là diễn viên kịch, để cải thiện thu nhập tôi cũng nhận đóng phim truyền hình. Hiện tại mặt bằng phim truyền hình không nhiều vai như xưa. Người ta cần những gương mặt mới nên tôi khó có vai. Nhiều người làm nghề khác rẽ qua, như ca sĩ, hot girl, hot boy, thì miếng bánh diễn viên ngày càng ít lại. Hoàng Anh từng kể đã buồn mấy tháng trời vì không có vai. Cậu ấy có ngoại hình vậy mà thế, tôi còn thế nào? Tôi không có ngoại hình đẹp để dễ vô vai, 1-2 tháng mới có vai nhỏ. Sitcom hài cũng bị co lại, do YouTube phát triển mạnh người ta coi nhiều. Diễn viên lâu năm như tôi giờ khủng hoảng lắm. Các anh chị thấy nghệ sĩ bây giờ phải bán hàng online đó", Hà Linh tâm sự. 
Hà Linh trầm lặng hẳn khi nghĩ đến kiếp sống “không cha, không mẹ” nhiều thiệt thòi mà không biết kể cùng ai. “Nếu như tôi may mắn còn cha mẹ thì có lẽ không đến nỗi này", anh tâm sự Ảnh chụp màn hình
Cũng theo nghệ sĩ U.50, từ năm 2012, các sân khấu hài bắt đầu thoi thóp thở. Nhiều nghệ sĩ đã phải tính đường thoái lui, trong đó có việc di dân sang Mỹ.
Anh nói: "Gần một tháng bên đó, tôi thấy một điều chắc chắn nghệ sĩ qua Mỹ thì buồn. Bên đó không có sân khấu. Bên này ít ra còn có truyền hình, bên kia truyền hình là con số không, họ chỉ chiếu quảng cáo, mà đài thì rất nhỏ, đôi khi chỉ bằng phòng thu bên mình. Sân khấu thì một tháng đôi khi có một show. Ca sĩ thì khá hơn, đi hát casino nhưng mà ca sĩ bên đó đông lắm. Chuyện này kể hơi buồn nhưng khi gặp lại những người từng học trường sân khấu của tôi qua đó đều không ai làm nghề. Anh em theo nghề nhạc công thì ban ngày làm công việc khác, buổi tối cuối tuần họ có show để vui chơi đỡ nhớ nghề chứ không sống được bằng nghề".
Hà Linh trầm ngâm: "Người nghệ sĩ giờ có ý định qua Mỹ tốt nhất là học chụp hình, hoặc học mát-xa. Mát-xa chỉ "một đối một" thôi, không ai nhìn mình hết, đỡ quê hơn làm nail. Hoặc là thợ chụp ảnh, dù gì nó cũng có một chút "nghệ sĩ" trong đó, sáng tạo một tí, khá hơn làm nghề khác. Nói vậy thôi chứ giờ tôi có đường đâu mà đi Mỹ".
Hà Linh hội ngộ gia đình cậu Bảo Quốc tại Mỹ Ảnh: NVCC
Khi sang Mỹ, những tưởng trước tên tuổi quá lớn của mẹ, Hà Linh sẽ thuận lợi để có được sự ưu ái hơn. Thế nhưng "show chậu" vẫn vô cùng lận đận. "Mang danh con trai Thanh Nga, tôi được lòng khán giả, bởi nghe tên mẹ người ta thương mẹ rất nhiều, họ dễ có cảm tình với mình hơn. Nhưng bản thân mình không có gì hết thì con của ai cũng vậy. Cậu Bảo Quốc cũng có giúp đỡ nhưng người ta thường nói "con của mẹ chứ ai nói cháu của cậu" đâu. Ba mẹ còn sống thì đỡ hơn, vì sẽ nâng đỡ mình theo khả năng ba mẹ. Còn ba mẹ mất rồi thì...", anh lại trầm ngâm.
Suốt những năm làm nghệ thuật, Hà Linh từng làm các công việc bán vé, soát vé, hậu đài... hay thậm chí là nhận trợ diễn cho các thí sinh tham gia tiểu phẩm ở các gameshow truyền hình với mức thù lao ít ỏi. Gần đây anh có hai năm bán micro nhưng sau đó thì... xong luôn. Tự nhận "tính nghệ sĩ nên làm ra nhiêu xài hết nhiêu", cuộc sống của Hà Linh đang không ổn định.
“Trong nhà đã có quá nhiều người nổi tiếng thì thôi một mình Hà Linh không nổi tiếng cũng chẳng sao?”, nam nghệ sĩ bật cười khi chia sẻ về sự nghiệp lận đận của bản thân. Thời gian rảnh rỗi, anh muốn dành để học gì đó nâng cao trình độ bản thân, mong muốn tìm một ánh sáng nhỏ nhoi ở cái tuổi xế chiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.