Con trai cựu binh Mỹ tặng kỷ vật cho 'Hilton Hà Nội'

16/08/2016 07:13 GMT+7

Lần thứ 9 tới VN, Thomas Eugence Wilber đã tặng lại di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) - nơi cha ông, một tù binh chiến tranh, bị giam gần 5 năm - nhiều kỷ vật đặc biệt.

Món quà sinh nhật đáng nhớ
Sinh nhật lần thứ 13 của cậu bé người Mỹ Thomas Eugence Wilber hồi năm 1968 quá đặc biệt. Cậu nhận được một bức thư chúc mừng sinh nhật của bố mình, ông Walter Eugence Wilber, thời điểm đó là trung tá hải quân Mỹ chiến đấu tại VN. “Bố tôi xin lỗi vì đã không thể có được một tấm thiệp sinh nhật cho tôi. Bố cũng nói lúc đó là thời gian bố bận túi bụi. Bố nói chúc mừng sinh nhật thứ 13 của tôi. Bố nói bố viết thư sau khi nhận được thư mẹ viết. Trong thư mẹ khoe với bố rằng tôi rất ngoan, biết giúp đỡ mẹ việc nhà”, ông Thomas Eugence Wilber thổ lộ.
Sáng 15.8, ông đã trao nhiều kỷ vật của cha mình cho Ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò. Trong đó có cả bức thư bố gửi cho ông nhân sinh nhật thứ 13 đáng nhớ ấy. “Ban đầu thư đã đến sai địa chỉ, sau đó mới được chuyển lại nhà tôi. Tôi rất vui. Thời điểm đó là 2 tuần sau khi ở Mỹ nhận được tin máy bay bị bắn rơi. Thư bố tôi viết một ngày trước khi máy bay bị bắn. Nhưng nó mang lại niềm hy vọng. Sau đó, tôi nhận được khoảng 8 - 9 bức thư gửi về từ Hỏa Lò”, ông Thomas chia sẻ. Ông cũng gọi đây là hiện vật gắn bó nhất, nhiều kỷ niệm với mình nhất trong nhóm các hiện vật mà ông đại diện gia đình trao tặng đợt này.
Những hiện vật còn lại gồm: mảnh giấy gói quà ông gửi cho bố khi ông sang VN, thư cha ông gửi từ Hỏa Lò. Cũng có cả băng ghi âm phỏng vấn của người cha khi trả lời Đài tiếng nói VN và nhiều tờ báo Mỹ đã đăng bài về ông Walter khi ông đã trở về quê hương.
TS Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò, cho biết trung tá hải quân Walter Eugence Wilber đã bị giam tại đây trong gần 5 năm, từ 1968 - 1973. Trước đó, tháng 8.1968, ông Walter trực tiếp điều khiển máy bay Phantom ném bom bắn phá miền Bắc và bị lưới lửa phòng không bắn cháy trên bầu trời Đô Lương, Nghệ An. Ông Walter nhảy dù và bị bắt trên cánh đồng Thanh Chương, Nghệ An. Người đồng đội của ông đã tử nạn.
Bà Thủy cũng cho biết khi được trở về Mỹ theo tinh thần Hiệp định Paris, ông Walter cũng mang theo nhiều kỷ vật để nhắc nhớ thời không quên đó. “Gần 50 năm qua, ông vẫn đau đáu khát khao trở lại VN. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe ông đã không thực hiện được điều đó. Hiểu được tâm nguyện của cha, người con trai thứ hai Thomas Eugence Wilber đã thay cha thực hiện ước nguyện”, bà Thủy chia sẻ về việc ông Thomas đã 9 lần tới VN.
Con trai cựu binh Mỹ tặng kỷ vật cho “Hilton Hà Nội”
Báo Star-Gazette số ra ngày 2.4.1973, trong đó ông Walter khẳng định được đối xử tốt khi ở Hỏa Lò
Tù binh Mỹ được đối xử tốt
Theo TS Thủy, trong thời gian 1964 - 1973, một phần của di tích Hỏa Lò được dùng để tạm giam tù binh phi công Mỹ. “Chính tại Hilton Hà Nội (nhà tù Hỏa Lò - NV) theo cách gọi của phi công Mỹ, những tù binh Mỹ đã hiểu sâu sắc hơn về cuộc chiến mà họ tham gia tại VN và chính sách của một dân tộc yêu hòa bình”, bà nói.
Khi trở về nước, trong cuộc phỏng vấn của một số nhà báo quốc tế đối với tù binh phi công Mỹ đang bị giam giữ tại Hỏa Lò, Walter Eugence Wilber đã nói lên tiếng nói của chính trái tim mình về việc ông đã sống trong tình trạng ra sao khi ở “Hilton Hà Nội”. Trên tờ báo Star-Gazette số ngày 2.4.1973 mà gia đình ông Walter tặng lại cho di tích nhà tù Hỏa Lò, có bài viết trích dẫn ông mang tên Lời người tù trở về từ tâm điểm cuộc chiến. Trong đó, ông nói rằng mình không hề bị tra tấn khi ở đây. Chất lượng nước cũng như thực phẩm ông được sử dụng hoàn toàn giống như những gì các công dân Hà Nội sử dụng. Bài báo cũng đăng hình hai vợ chồng ông ngồi bên nhau, trên tay ông Walter là chiếc ca sắt tráng men mà ông mang về từ “Hilton Hà Nội”.
Đại tá nhà văn Đặng Vương Hưng cho rằng: “Các hiện vật gắn liền với đời sống cựu tù này cho thấy cách thức đối xử nhân đạo của VN với tù binh Mỹ. Mà đây lại là con cháu người ta nói ra thì càng khẳng định điều đó. Trước đây, nhiều thông tin tù binh bị đối xử không tốt, bỏ đói, tra tấn. Nhưng đây người ta nói là không có chuyện đó. Đó hoàn toàn là người thật việc thật”. Ông Hưng cũng là người đã viết cuốn sách Phi công Mỹ ở Việt Nam.
Lần trao tặng hiện vật này theo ông Hưng còn có ý nghĩa hơn vì người tặng vừa là thế hệ thứ hai của cựu chiến binh Mỹ tại VN, vừa là nhân chứng trực tiếp của cuộc chiến. “Họ quan tâm đến kỷ vật là điều quan trọng để hàn gắn vết thương chiến tranh, gắn kết hai nước, hai dân tộc. Chúng ta hy vọng con em nhiều cựu binh Mỹ khác cũng sẽ trao tặng lại hiện vật cho các di tích khác ở VN”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.