Ngày 22.4, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương đã khởi tố vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” liên quan đến bị can Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc công ty CP Đại Nam, tỉnh Bình Dương).
Tại TP.HCM, bị can Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố vì nhiều lần livestream đưa ra thông tin không đúng sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của ca sĩ Vy Oanh |
Trước khi khởi tố vụ án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã xác minh đơn thư của 6 cá nhân tố cáo Nguyễn Phương Hằng, gồm các ông, bà: Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Công Vinh, Hàn Ni, Đức Hiển và Đinh Thị Lan.
Và như Thanh Niên đã thông tin, ngày 24.3, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với bị can Nguyễn Phương Hằng cùng về hành vi trên.
Theo đó, bị can Nguyễn Phương Hằng nhiều lần livestream đưa ra những thông tin không đúng sự thật, xúc phạm đến danh dự, uy tín của nữ ca sỹ Vy Oanh.
Hiện vụ việc vẫn đang được Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM mở rộng điều tra để xác minh đồng phạm, cũng như hành vi “vu khống”, “làm nhục người khác” của bị can Nguyễn Phương Hằng.
Cùng khởi tố vụ án, không ảnh hưởng đến quá trình điều tra
Về việc Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đang khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam Nguyễn Phương Hằng, nhưng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục khởi tố vụ án liên quan đến bị can này, thì có phù hợp với quy định pháp luật hay không?
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, theo quy định, khi có đơn thư tố cáo của cá nhân, tổ chức và quá trình thụ lý, xác minh, nếu cơ quan điều tra nhận định hành vi của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì CQĐT khởi tố vụ án hình sự.
Hơn nữa, các cá nhân tố cáo Nguyễn Phương Hằng tại Công an Bình Dương là khác và độc lập với vụ việc Công an TP.HCM đang khởi tố. Do đó, việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án liên quan đến Nguyễn Phương Hằng theo các đơn tố cáo đang thụ lý là phù hợp.
Ngoài ra, theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, tùy vụ việc mà cơ quan tiến hành tố tụng giữa Bình Dương và TP.HCM có thể nhập hoặc tách vụ án.
“Theo Điều 170 và 242 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017), Cơ quan điều tra, Viện KSND có thể nhập vụ án hình sự để tiến hành điều tra, truy tố theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: Bị can phạm nhiều tội; Bị can phạm tội nhiều lần…
Vì vậy, nếu cùng hành vi, nhưng bị can phạm tội ở nhiều địa phương, với nhiều cá nhân, tổ chức tố cáo, thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền khởi tố vụ án, sau đó nhập vụ án để giải quyết”, luật sư Nghiêm nhấn mạnh.
Công an Bình Dương khởi tố vụ án liên quan Nguyễn Phương Hằng |
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, đối với các đơn thư tố cáo Nguyễn Phương Hằng tại Bình Dương, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương chỉ mới khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can.
Bình luận (0)