Nhảy xuống dòng nước chảy xiết cứu dân
Khoảng 13 giờ 20 ngày 5.4, nhận được tin báo có người dân bị đuối nước ở khu vực cầu Tân Lập bắc qua sông Mã (TT.Cành Nàng, H.Bá Thước, Thanh Hóa), trung úy Bùi Văn Đại (28 tuổi), cán bộ Công an TT.Cành Nàng, đã không ngần ngại lao mình xuống dòng nước sâu khoảng 25 m, chảy xiết để cứu người bị nạn. Cô gái bị đuối nước may mắn đã được trung úy Đại cứu sống.
Trung úy Bùi Văn Đại đã được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen, Chủ tịch UBND H.Bá Thước tặng giấy khen về hành động dũng cảm cứu người.
Cuối tháng 9 vừa qua, một người đàn ông ngụ xã Định Hải (H.Yên Định, Thanh Hóa) không may bị nước lũ trên sông Mã cuốn trôi khoảng 2 km (từ điểm bị cuốn trôi đến vị trí bám vào cây) xuôi về địa phận xã Định Tân (H.Yên Định).
Phát hiện sự việc, lực lượng Công an xã Định Tân và dân quân tự vệ địa phương đã phối hợp giải cứu thành công người đàn ông khi nạn nhân đang bám vào ngọn cây giữa dòng nước chảy xiết.
Những vụ việc trên phần nào minh chứng rằng trước những tình huống người dân gặp nạn, nguy hiểm đến tính mạng thì lực lượng công an chính quy cấp xã đã có mặt kịp thời hỗ trợ, cứu dân.
Chia sẻ với phóng viên, trung úy Bùi Văn Đại cho biết không xem việc nhảy xuống sông cứu cô gái bị đuối nước là điều quá lớn lao, mà đó là bổn phận của người công an nhân dân, quyết không chịu "bó tay" khi người dân gặp nạn.
"Tôi biết bơi nên khi thấy người dân bị đuối nước thì việc xuống cứu là bình thường. Hơn nữa, mình là cán bộ công an thì càng phải nhiệt tình, hết mình vì an toàn tính mạng của người dân, bất kể trong hoàn cảnh nào", trung úy Đại cho hay.
Trung úy Đại cũng chia sẻ khi về địa bàn cấp xã công tác, với đặc thù là tuyến cơ sở sát dân nhất, gần dân nhất nên có nhiều thuận lợi để nắm bắt địa bàn, bám sát tình hình an ninh trật tự từ đó có phương án, biện pháp sớm để ngăn chặn, xử lý, hạn chế tối đa nhất tội phạm hình thành.
"Địa bàn cơ sở thuận lợi có nhưng khó khăn cũng không ít. Quá trình công tác tôi cũng nhận thấy rằng một bộ phận người dân còn nhận thức chưa đúng về hành vi vi phạm pháp luật, dẫn tới khi vi phạm thì việc xử lý khó khăn hơn bình thường", trung úy Đại chia sẻ.
Không chỉ luôn hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn, trung úy Đại còn tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội và hiện là Bí thư Chi đoàn, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Công an TT.Cành Nàng.
"Liều thuốc" trị địa bàn "nóng"
Theo đánh giá về đề án đưa công an chính quy về xã công tác của Công an tỉnh Thanh Hóa, khi công an chính quy về địa bàn cấp xã công tác đã thật sự giúp tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo hơn, đặc biệt là các địa bàn "nóng" về tội phạm.
Đến cuối năm 2024, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bố trí gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ về công tác tại 498 công an cấp xã. Trung bình, công an cấp xã mỗi đơn vị bố trí từ 5 - 10 cán bộ, chiến sĩ; đối với những địa bàn trọng điểm, phức tạp bố trí 8 người trở lên.
Từ năm 2020 đến nay, lực lượng công an ở cấp xã, thị trấn đã tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương hơn 24.000 văn bản về công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; tiếp nhận, xác minh sơ bộ hơn 1.800 tin báo tội phạm; xử phạt hành chính hơn 3.000 trường hợp vi phạm các quy định với tổng số tiền phạt hơn 6 tỉ đồng.
Lực lượng công an cấp xã đã thực hiện đăng ký thường trú cho hơn 450.000 trường hợp, đăng ký tạm trú gần 40.000 trường hợp; cấp sổ định danh cho hơn 2,3 triệu công dân, tiếp nhận hơn 100.000 hồ sơ cấp đăng ký, biển số xe máy; vận động thu hồi hơn 2.600 súng các loại và hơn 6.000 viên đạn, đầu đạn; hơn 70 lựu đạn, mìn.
Trên đây là những con số minh chứng cho lực lượng công an chính quy về cấp xã công tác đã có những đóng góp không nhỏ về quản lý hành chính và đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở cơ sở từ sớm, từ xa với phương châm "lúc dân cần công an có, lúc dân khó có công an".
Cũng nhờ lực lượng công an chính quy cấp xã, nhiều địa bàn phức tạp về ma túy, tội phạm ở tỉnh Thanh Hóa được xóa bỏ, hoặc kéo giảm, mang lại an toàn cho người dân.
Bình luận (0)