Chiều 26.12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức buổi họp báo thông tin về việc không khởi tố vụ án hình sự về tội “buôn bán hàng cấm” và “sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón” đối với những sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần thương mại và sản xuất Thuận Phong (Công ty phân bón Thuận Phong).
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai thông tin về việc không khởi tố vụ án hình sự |
LÊ LÂM |
Kéo dài 7 năm, 2 lần không khởi tố
Đây là vụ án kéo dài tới 7 năm (2015 - 2022), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai 2 lần ra quyết định không khởi tố vụ án.
Lần thứ 1 vào tháng 4.2016, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xác định Công ty phân bón Thuận Phong chỉ vi phạm hành chính, sau đó UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt công ty này tổng cộng 509 triệu đồng với 7 hành vi vi phạm.
Sau khi Công an Đồng Nai ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, lực lượng chức năng đã mở niêm phong kho hàng của Công ty phân bón Thuận Phong ngày 20.5.2016 |
LÊ LÂM |
Tuy nhiên đến tháng 5.2017, Viện KSND tối cao có công văn yêu cầu Viện KSND tỉnh Đồng Nai tiếp tục điều tra. Tháng 6.2017, Viện KSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Công an tỉnh Đồng Nai phục hồi điều tra.
Đến tháng 8.2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự (lần 2 - PV) về các tội buôn bán hàng cấm và sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón” theo quy định tại các điều 155, 158 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với những vi phạm tại Công ty phân bón Thuận Phong.
Thời điểm này (20.5.2016), phân bón trong kho đã bắt đầu hư hỏng |
LÊ LÂM |
Chậm trễ vì chờ kết luận của các bộ, ngành
Tại buổi họp báo, đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng một phần nguyên nhân khiến vụ án kéo dài vì chờ sự phối hợp của các bộ, ngành.
“Để xác định có vi phạm hình sự hay không, Công an tỉnh Đồng Nai phải thu thập chứng cứ, chờ kết luận của các bộ, ngành, đặc biệt là kết luận giám định tư pháp của Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn đến sự chậm trễ", đại tá Quang nói.
Kết luận này cho biết Công ty phân bón Thuận Phong không giả về chất lượng; không giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của Công ty Bio Hama Netic; không giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; không phải là buôn bán hàng cấm (đối với phân bón Zap).
Quang cảnh buổi họp báo |
LÊ LÂM |
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Khiếu Mạnh Tường, Tổng giám đốc Công ty phân bón Thuận Phong, cho biết tổn thất của công ty là vô cùng to lớn, không đo đếm được. Ngoài ra, đó còn là mất mát về thương hiệu, uy tín, danh dự của doanh nghiệp.
Ông Tường cũng gửi lời cám ơn đến chính quyền tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp báo để thông tin chính thức cho người dân biết Công ty phân bón Thuận Phong hoàn toàn không có động cơ sản xuất phân bón giả.
Ông Khiếu Mạnh Tường (đứng) và ông Nguyễn Công Minh tại buổi họp báo |
LÊ LÂM |
Ông Nguyễn Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty phân bón Thuận Phong, cho biết sau khi sự việc xảy ra, doanh nghiệp rơi vào bế tắc, mọi người phải cầm cố nhà cửa, sổ đỏ chờ kết luận của công an.
“Chúng tôi gần như bị vùi dập, mất niềm tin, rất là đau xót. Sẵn đây tôi kính mong nếu sau này có vụ việc tương tự xảy ra, các ngành chức năng kết hợp chặt chẽ từ T.Ư tới địa phương để thời gian điều tra rút ngắn đi, nếu doanh nghiệp làm sai thì xử lý; không sai phạm thì mở cửa cho họ hoạt động", ông Minh nói.
Công ty phân bón Thuận Phong đóng tại KP7, P.Long Bình (TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Ngày 24.4.2015, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Ban chỉ đạo 389 Đồng Nai xác minh thông tin tố giác liên quan đến hoạt động sản xuất phân bón giả của Công ty phân bón Thuận Phong. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện hành vi sang chiết, đóng chai phân bón (dạng nước) có dấu hiệu làm giả nguồn gốc, xuất xứ nên đã niêm phong kho hàng và chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai.
Bình luận (0)