Mấy ngày cận Tết, bà Cúc không ngủ được. Nghĩ đến năm mới, mình có hộ khẩu, có căn cước công dân, bà vui đến mức không thể nào chợp mắt, lại thầm cảm ơn các anh chị công an quận 9...
11 năm không có giấy tờ
“Sống mà không có bất kì giấy tờ nào, tôi như không biết mình là ai”, bà Đào Thị Cúc (66 tuổi, ngụ P.Phước Long A, quận 9, TP.HCM) rưng rưng nước mắt.
Mồ côi từ nhỏ, bà lớn lên tại Cô nhi viện của H.Chợ Mới, tỉnh An Giang rồi được làm giấy khai sinh tại nơi này. Đến năm 1973, bà Cúc lưu lạc lên Sài Gòn sinh sống, kết hôn với ông Nguyễn Văn Hoàng, sinh được một người con tên Nguyễn Hoàng Long.
“Lúc đó, gia đình tôi sinh sống và đăng ký hộ khẩu thường trú tại tổ 5, khu phố 1, xã Phước Long, Thủ Đức, TP.HCM, nay là khu phố 1, P.Phước Long A, quận 9. Năm 1978, chồng tôi qua đời, vì hoàn cảnh khó khăn, đến năm 2009, tôi bán căn nhà mình đang ở, giao giấy tờ cho con trai để nó làm thủ tục cắt chuyển hộ khẩu về X.Tân Thạnh Đông, Củ Chi, TP.HCM, sống cùng vợ chồng nó.”, bà kể.
|
Tuy nhiên, thủ tục chưa làm, hộ khẩu chưa chuyển, con trai bà Cúc cầm toàn bộ giấy tờ gồm phiếu chuyển hộ khẩu cùng giấy khai sinh của bà bỏ đi. Bà Cúc cũng mất giấy tờ tùy thân từ đó.
“Không tìm được con, giấy tờ thì chẳng có, tôi chẳng biết đi đâu, ở đâu và làm gì. Bản thân lại đau ốm, không đi xa được, tôi lại về P.Phước Long A, gần nhà cũ mình ở, thuê một căn phòng trọ, hàng ngày bán vé số, kiếm sống qua ngày.”, bà chia sẻ.
Suốt hơn chục năm, không có hộ khẩu, chẳng có căn cước công dân, giấy khai sinh cũng mất, bà cứ sống lang thang trong khu vực. “Khổ lắm, muốn đi khám bệnh mà mình đâu có giấy tờ gì , phải đi khám chợ đen, mà tiền nhiều mình làm sao chịu nổi. Nhiều khi bệnh nặng tôi cũng chẳng dám đi đâu khám”, bà Cúc bộc bạch.
Nói về trường hợp của bà, trung tá Võ Hướng Nam, trưởng công an P.Phước Long A, quận 9 cho biết: “Một người bình thường không có giấy tờ tùy thân đã ảnh hưởng rất lớn rồi, riêng chỗ bà Cúc, hoàn cảnh bà lại đáng thương hơn. Ở thì ở nhà thuê, bà lại bị bệnh việm khớp kéo dài, không có tiền chạy chữa, cũng chẳng có giấy tờ để mua bảo hiểm y tế nhằm giảm bớt chi phí khám bệnh. Giờ, chân của bà phải dùng nạng chứ chẳng thể đi lại bình thường. Vì vậy, biết được trường hợp của bà, chúng tôi phải nhanh chóng làm thủ tục, hồ sơ để bà có giấy tờ trước khi Tết đến”.
Những tấm lòng vàng
Khi được các cán bộ công an đến trao tận tay hộ khẩu, trực tiếp hỗ trợ làm căn cước công dân tại địa phương, bà Cúc mừng rơi nước mắt. “Vui chứ, tôi như được sống lại một lần nữa vậy. Bây giờ đi đâu, mình cũng có tờ giấy để lận lưng nó cũng đỡ. Mừng lắm, chắc tối nay tôi lại vui không ngủ được. Cũng nhờ cô Sâm, chú Việt, các cô chú công an.”, bà xúc động.
|
Theo trung tá Nam, qua công tác quản lý địa bàn, trong việc rà soát cấp CCCD cho người già, người neo đơn, đơn vị mới biết đến trường hợp của bà Đào Thị Cúc. Biết bà không có giấy tờ, chân khó đi lại, chính đồng chí Nam là người chở bà đến công an quận, gặp Đội cảnh sát Quản lý hành chính để tìm hiểu quy trình làm đơn, làm thủ tục.
“Từ đó, tôi phân công anh em đã đến địa bàn bà sống để làm việc, nắm tình hình, bản thân thì căn cứ lời tường tình của bà Cúc làm đơn chuyển hồ sơ lên quận. Bên cạnh, mình cũng vận động anh em quyên góp, hỗ trợ bà lệ phí công chứng hồ sơ. Mọi người trong đơn vị cũng chuẩn bị trước một khoản tiền, để khi có hộ khẩu, căn cước công dân thì tiến hành mua bảo hiểm y tế cho bà”, trung tá Nam chia sẻ.
|
Ngoài sự giúp đỡ của lực lượng công an quận 9, bà Dương Thị Hồng Sâm và ông Nguyễn Văn Việt, chủ nhà nơi bà Cúc thuê trọ, là những người không ngại phiền hà, đồng ý để bà Cúc nhập chung hộ khẩu.
“Ở đây mười mấy năm, tôi cũng hiểu hoàn cảnh của bà Cúc, nên sau khi nghe anh Nam đề nghị, hai vợ chồng lập tức đồng ý, cùng ra phòng công chứng làm hồ sơ bảo lãnh cho bà, hỗ trợ bà làm thủ tục. Mình không phiền chạy lui chạy tới, chỉ mong năm mới bà có cái bảo hiểm y tế để bà còn khám bệnh. Tôi cũng là người tham gia công tác xã hội nhiều năm nên giúp được gì cho dân thì tôi giúp hết sức mình”, bà Sâm chia sẻ.
|
Theo lời trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng đội Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội, Công an quận 9, bà Đào Thị Cúc là trường hợp đặc biệt, vì bà sống không có giấy tờ gì trong suốt nhiều năm qua. Sau khi biết được hoàn cảnh của bà, đơn vị đã gấp rút hỗ trợ làm nhanh thủ tục để bà có giấy tờ kịp Tết đến. “Nếu không có giấy tờ tùy thân như hộ khẩu, chứng minh nhân dân thì người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua thẻ bảo hiểm y tế, làm thủ tục xin việc, làm giấy kết hôn,…cũng như không hưởng được các chính sách an sinh xã hội khác của nhà nước.”, trung tá Châu nhấn mạnh.
Bình luận (0)