* Đề nghị rút giấy phép hoạt động nếu tái phạm
(TNO) Ngày 9.2, ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng cho biết công an viên Nguyễn Văn Tám đã thừa nhận tát bà Nguyễn Thị Hà (50 tuổi) khi bà Hà cùng người dân thôn Phước Thuận chặn đoàn “xe bẩn” gây ô nhiễm môi trường.
Như tin đã đưa, sáng 7.2, công an viên Nguyễn Văn Tám và Đỗ Hữu Xuân đến thôn Phước Thuận để giải phóng các chướng ngại vật chặn “xe bẩn” thì bị người dân phản ứng quyết liệt.
Trong lúc xô xát, ông Tám đã tát bà Hà khiến người dân càng thêm bức xúc.
“Qua tường trình, ông Tám đã thừa nhận hành vi sai trái là đã nổi nóng, tát bà Hà. Nếu người dân sai thì mời đến xử lý chứ không được đánh người dân, trước mắt chúng tôi đã tiến hành kiểm điểm, nhắc nhở ông Tám. Tiếp đến chúng tôi sẽ họp hội đồng kỷ luật của xã để đưa ra quyết định cuối cùng”, ông Dự nói.
Hoạt động khai thác, vận chuyển đất, đá tại thôn Phước Thuận, thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn bị tạm đình chỉ cho đến khi doanh nghiệp khắc phục ô nhiễm - Ảnh: Nguyễn Tú
|
Sáng 9.2, UBND xã Hòa Nhơn, Phòng Tài nguyên Môi trường H.Hòa Vang đã tổ chức cuộc họp với 12 doanh nghiệp đang khai thác, vận chuyển đất, đá ở các mỏ trên địa bàn xã.
Chính quyền địa phương yêu cầu 12 đơn vị thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông. Phòng Tài nguyên Môi trường H.Hòa Vang đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển đất, đá của tất cả doanh nghiệp tại thôn Phước Thuận và tuyến đường đi qua thôn Thạch Nham Tây, dẫn ra QL14B cho đến khi khắc phục ô nhiễm.
“Các doanh nghiệp phải sử dụng đúng khối lượng thuốc nổ theo quy định và thời gian phá đá như thông báo cho người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, chấm dứt tình trạng khói bụi ở các trạm nghiền đá, khai thác đất hay vận chuyển, nếu tiếp tục vi phạm, chúng tôi sẽ kiến nghị cấp trên thu hồi giấy phép hoạt động”, ông Dự nói.
UBND xã Hòa Nhơn cho biết cũng đã có biện pháp mạnh đối với Công ty công trình đô thị TP.Đà Nẵng, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Huỳnh Đức May, DNTN Đỗ Hữu Minh, Công ty CP Chu Lai, Công ty Vinaconex, Xí nghiệp 323, là những doanh nghiệp chây ỳ, nợ tiền vệ sinh môi trường của người dân từ đầu năm 2012 đến nay.
Theo đó, mức tiền vệ sinh môi trường các đơn vị phải chi trả từ 2012 tăng từ 1,2 triệu đồng lên 2 triệu đồng/tháng. Nếu không nộp đủ 6 tháng trước (hạn cuối là 15.2), các doanh nghiệp sẽ không được hoạt động.
TP.Đà Nẵng đã từng xảy ra nhiều vụ người dân bức xúc các đội "xe bẩn" hoành hành trên phố, dẫn đến xô xát. Trong ảnh: Cuối tháng 7.2011, dân xã Hòa Liên đập phá trụ sở Trung Nam Group khi nhân viên Trung Nam chém người dân chặn "xe bẩn"
|
Từ nguồn kinh phí này, UBND xã Hòa Nhơn sẽ thành lập Tổ dọn vệ sinh tại thôn Phước Thuận, chi trả cho các gia đình trong khu vực ảnh hưởng bởi đoàn “xe bẩn”.
Đây không phải là lần đầu tiên TP.Đà Nẵng xảy ra tình trạng "xe bẩn" của doanh nghiệp khai thác, vận chuyển đất đá gây ô nhiễm môi trường và "lì lợm" với người dân, chính quyền.
Sự ngang nhiên của doanh nghiệp và việc địa phương chậm xử lý đã biến thôn Phước Thuận trở thành "điểm nóng" ô nhiễm và dẫn đến mâu thuẫn giữa người dân và đội "xe bẩn" càng tăng cao.
Trước đây, TP.Đà Nẵng cũng đã từng xuất hiện nhiều “điểm nóng” ô nhiễm dẫn đến xô xát giữa người dân và đội "xe bẩn" như đường Hoàng Văn Thái, Q.Liên Chiểu, xã Hòa Liên, H.Hòa Vang khiến UBND TP.Đà Nẵng tốn nhiều tiền của, công sức mới giải quyết được dứt điểm.
>> Tài xế “xe bẩn” đe dọa đoàn kiểm tra
>> Dân làng bị truy sát vì chặn "xe bẩn"
Bình luận (0)