Tham dự có đại diện các phòng, ban trực thuộc Công an TP.HCM và hơn 100 người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
Đại diện Công an TP.HCM trả lời 20 câu hỏi liên quan việc cấp thẻ căn cước, làm hộ chiếu, đăng ký lưu trú cho khách qua đêm ở nhà nghỉ, khách sạn, liên quan đến việc mua xe cũ, xe thanh lý…
Thu thập dữ liệu sinh trắc học thuận tiện cho người dân đi tàu, máy bay
Trả lời câu hỏi của bà Lê Thị Bạch Tuyết (ở TP.Thủ Đức) về việc khi luật Căn cước 2023 có hiệu lực kể từ 1.7 thì các trường hợp mất thẻ CCCD có cần trực tiếp đến cơ quan công an làm thủ tục cấp lại hay không và đối tượng được cấp thẻ căn cước thì thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng Phòng QLHC về TTXH (PC06) Công an TP.HCM giải đáp, đối tượng cấp căn cước theo luật Căn cước năm 2023, công dân từ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ căn cước; trẻ dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu. Theo luật Căn cước 2023, chỉ cần khai báo nơi cư trú thì sẽ được cấp thẻ căn cước; việc này tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân.
Theo thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, điều 15 luật Căn cước về Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước thì ngoài những thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch còn có thông tin về nhân dạng, thông tin về sinh trắc học. Thông tin về sinh trắc học gồm: có ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói. Trong luật Căn cước năm 2023, thông tin sinh trắc học có bổ sung 3 nội dung mới đó là mống mắt, ADN, giọng nói. Theo đó, dữ liệu về mống mắt có tính chính xác cao, rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam hiện nay khi các giao dịch điện tử được mở rộng, là lĩnh vực chủ yếu cho các thiết bị thông minh như (di động, app điện tử).
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải thông tin, việc thu thập thông tin sinh trắc giúp cho người dân tiện lợi trong việc thanh toán, di chuyển qua các cửa kiểm soát của máy bay, ga tàu. Đối với người Việt Nam vì nhiều nguyên nhân nhưng chưa xác định được quốc tịch, không có giấy tờ thì luật Căn cước năm 2023 đã hỗ trợ cấp giấy chứng nhận căn cước cho họ để sử dụng đi học hành, thuận tiện cho công tác quản lý hành chính.
Đáng chú ý, tại hội nghị, ông Lê Thành Quang Khôi (ở H.Củ Chi) đặt câu hỏi, vậy việc thu nhận mống mắt có nguy hại cho mắt hay không, thượng tá Hải khẳng định việc thu nhận mống mắt được cơ quan quản lý căn cước thu nhận bằng thiết bị chuyên dụng đặc biệt, được cơ quan y tế kiểm nghiệm, vì vậy không có nguy hại hay ảnh hưởng nào đến mắt của công dân.
Tại hội nghị, người dân cũng đặt câu hỏi những vấn đề liên quan đến mua bán xe, thượng tá Đỗ Trung Dung, Phó trưởng Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM, cho biết đối với chủ xe không làm thủ tục thu hồi đăng ký xe, biển số xe thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những vấn đề phát sinh liên quan.
"Đối với chủ xe trong vòng 30 ngày nếu không làm thủ tục thu hồi thì chủ xe phải chịu trách nhiệm như bị phạt nguội hoặc xe đó gây tai nạn. Người bán xe có thể làm thủ tục thu hồi sau đó người mua xe có thể đến công an làm thủ tục sau vẫn được chấp nhận chứ không nhất thiết phải đi cùng", thượng tá Đỗ Trung Dung nói.
Cơ sở lưu trú, khách sạn phải thường xuyên theo dõi visa khách nước ngoài
Về những vấn đề liên quan đến hộ chiếu, thượng tá Nguyễn Đức Nghiệm, Phó trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA08) Công an TP.HCM, cho biết hiện các cơ sở lưu trú, khách sạn phải thường xuyên theo dõi visa của khách nước ngoài, đối với những visa bị hết hạn thì phải bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ cơ sở lưu trú phải báo ngay cho công an phường hoặc PA08 để được hướng dẫn xử lý, tránh để bị phạt.
Tại hội nghị, đại tá Nguyễn Đình Dương nhấn mạnh, người dân có thắc mắc cần tháo gỡ đối với các thủ tục hành chính có thể phản hồi, góp ý đến các cơ quan chuyên môn và sẽ được hỗ trợ cặn kẽ. Công an TP.HCM không ngừng hoàn thiện trong thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, mọi ý kiến góp ý, xây dựng của người dân, doanh nghiệp sẽ luôn được Công an TP.HCM ghi nhận, tiếp thu, giải quyết đầy đủ, cụ thể nhằm đảm bảo cao nhất quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
"Công an TP.HCM đề nghị các đơn vị trực thuộc phải xem việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết mọi thắc mắc, hỗ trợ tốt nhất cho người dân trong các vấn đề này. Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ, góp ý từ người dân và doanh nghiệp", đại tá Nguyễn Đình Dương nhấn mạnh.
Theo thống kê 8 tháng đầu năm, Công an TP.HCM đã tiếp nhận và giải quyết hơn 6,1 triệu hồ sơ trên các lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; cấp, quản lý căn cước; ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; đăng ký, quản lý con dấu; PCCC....
Công an TP.HCM đã công khai 171 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên Cổng thông tin điện tử Công an TP.HCM.
Về việc trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, 6 tháng đầu năm 2024 đã có 143.813 (đạt tỷ lệ 83,03%) kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu, 8.981 lượt sử dụng dịch vụ chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được chuyển trả cho công dân qua dịch vụ bưu chính.
Công an TP.HCM cũng thực hiện nghiêm chế độ làm việc sáng thứ 7 hằng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Bình luận (0)