Đây là các giải pháp được Công an TP.HCM nêu ra trong báo cáo tổng hợp của HĐND TP.HCM trả lời ý kiến của người dân trên địa bàn.
Hiện tỷ lệ pha trộn rác công nghiệp vào rác thải sinh hoạt là dưới 20%. Công an TP.HCM cho rằng cần bỏ quy định này để tránh việc các đối tượng lợi dụng pha trộn rác thải khác, kể cả nguy hại vào rác sinh hoạt. Hơn nưa, việc xác định tỷ lệ pha trộn bằng mắt thường không đảm bảo tính chính xác.
Một vấn đề nhức nhối tại TP.HCM là lượng lớn rác thải xây dựng phát sinh cùng với đô thị hóa nhưng đến nay chưa có nhà máy xử lý loại rác thải này.
Theo thống kê, lượng rác xây dựng bằng 20% rác thải sinh hoạt đô thị phát sinh, tương đương 1.800 tấn/ngày nên việc đổ thải thường là khu vực xa khu dân cư, đất công, ao hồ, đất nông nghiệp. Các dự án xây dựng thường giao cho đơn vị không có chức năng xử lý rác thải xây dựng.
Quy hoạch các bãi chôn lấp, tăng cường năng lực thu gom
Vì vậy, Công an TP.HCM cho rằng cần đưa ra các biện pháp để siết chặt quy định về rác thải xây dựng.
Cụ thể, thành phố cần quy hoạch các bãi chôn lấp, tăng cường năng lực thu gom, đảm bảo 100% lượng rác thải rắn xây dựng phát sinh được thu gom và xử lý.
Song song đó, chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, lập đường dây nóng, công khai tiếp nhận các thông tin phản ánh và kịp thời kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, TP.HCM cũng cần có chính sách kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý chất thải xây dựng; ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý chất thải; chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các doanh nghiệp vi phạm, kể cả chủ đầu tư.
Để hạn chế việc đưa lậu rác thải sinh hoạt từ các tỉnh lân cận về TP.HCM, Công an TP.HCM đề xuất thu tiền xử lý rác sinh hoạt như các tỉnh lân cận.
Tại các địa bàn có nhiều khu đất trống, cơ quan chức năng địa phương cần lắp đặt camera an ninh, tăng cường tuần tra, kiểm soát, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, hạn chế các đối tượng đổ trộm rác thải gây ô nhiễm môi trường.
Theo Nghị định 45/2022 của Chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các vi phạm về chất thải rắn thông thường chỉ bị tịch thu phương tiện đối với khối lượng trên 5 tấn. Việc này tạo kẽ hở cho các đối tượng phân nhỏ khối lượng dưới 5 tấn để không bị tịch thu phương tiện vận chuyển.
Bình luận (0)