Sáng 30.7, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM phối hợp Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM và Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề về các giải pháp thúc đẩy mở rộng độ bao phủ người tham gia BHXH ở những nơi có quan hệ lao động trên địa bàn TP.HCM.
Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM cho biết từ năm 2020 đến nay, Công an TP.HCM tiếp nhận 66 vụ việc, tin báo, kiến nghị khởi tố có liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động do cơ quan BHXH chuyển qua.
Kết quả, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM cấp thành phố và quận, huyện đã ra quyết định không khởi tố 15 vụ; ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm 14 vụ; trả hồ sơ cho cơ quan BHXH 32 vụ; thông báo gửi cơ quan BHXH về việc không có căn cứ để xử lý 4 vụ và hiện đang tiếp tục xác minh làm rõ 1 vụ.
Từ năm 2020 đến nay, Công an TP.HCM tiếp nhận rất nhiều nguồn tin từ cơ quan BHXH chuyển đến nhưng chưa khởi tố được vụ án cũng chưa khởi tố bị can nào. Có 4 lý do chính:
Thứ nhất, theo Công an TP.HCM, căn cứ quy định tại điều 216 bộ luật Hình sự về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, bắt buộc người vi phạm phải bị xử lý hành chính về hành vi này trước đó thì mới có đủ căn cứ xử lý hình sự. Tuy nhiên các hồ sơ kiến nghị khởi tố của cơ quan BHXH chuyển đến cơ quan công an là những đơn vị chỉ bị xử lý vi phạm hành chính các hành vi chậm đóng, đóng không đúng mức quy định (theo khoản 5, khoản 6 điều 39 Nghị định 12 năm 2022 của Chính phủ).
Chưa kể, những hồ sơ cơ quan BHXH chuyển giao cho cơ quan cảnh sát điều tra chưa đảm bảo; chứng từ tài liệu là bản photocopy, không có giá trị pháp lý; không cung cấp được chứng từ tài liệu thể hiện đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho doanh nghiệp về hành vi trốn đóng BHXH nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình trốn tránh không đóng bảo hiểm hay các biện pháp cưỡng chế của cơ quan BHXH đã áp dụng đối với đơn vị vi phạm. Ngoài ra, cơ quan BHXH cũng không cung cấp được các tài liệu thể hiện quá trình thu, quản lý, đôn đốc thu hồi nợ BHXH bắt buộc.
Thứ hai, Nghị quyết 05 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xác định hành vi trốn đóng bảo hiểm quy định tại điều 216 của bộ luật Hình sự là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ.
Tuy nhiên, trao đổi với cơ quan BHXH, được biết qua quá trình kiểm tra, xử lý, cơ quan BHXH chỉ có thể xác định là doanh nghiệp không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH và đóng không đúng mức theo quy định, chứ không đủ cơ sở để xác định được các hành vi đó là trốn đóng hay không, do không chứng minh được người có nghĩa vụ đóng BHXH cố ý và có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn khác.
Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan BHXH diễn ra đã lâu (có hồ sơ trước thời điểm năm 2017). Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã không còn hoạt động hoặc đã chuyển sang địa phương khác. Có nhiều trường hợp thay đổi pháp nhân hoặc tuyên bố phá sản để tránh né các nghĩa vụ phải thực hiện đối với người lao động, gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh.
Thứ tư, khó xác định được số tiền trốn đóng BHXH theo điều 216 bộ luật Hình sự, do cơ quan BHXH hiện tính cộng chung số tiền trốn đóng, chậm đóng, lãi chậm đóng của các doanh nghiệp trước khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phát sinh sau khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Đồng thời, quá trình giải quyết các kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm trốn đóng BHXH cần tiến hành làm việc, xác minh với nhiều người bao gồm đại diện pháp nhân, người lao động; các tài liệu như bảng lương, hồ sơ, chứng từ cần đối chiếu nhiều hồ sơ. Do đó, thời gian giải quyết các kiến nghị khởi tố thường kéo dài.
Công an TP.HCM kiến nghị gì?
Công an TP.HCM đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể về hành vi gian dối và thủ đoạn khác để cấu thành hành vi trốn đóng BHXH; từ đó có cơ sở xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng BHXH và xử lý hình sự khi tái phạm.
Cơ quan BHXH cần tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định. Ngoài ra, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, cần thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục như lập biên bản giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người vi phạm, có tài liệu thể hiện việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế của cơ quan BHXH đã áp dụng đối với đơn vị vi phạm... Đồng thời, sau khi thanh tra, cơ quan BHXH phải làm rõ được số tiền trốn đóng, tiền chậm đóng và tiền lãi nhằm xác định thiệt hại của hành vi trốn đóng BHXH của người vi phạm.
Bình luận (0)