Vụ lái xe vi phạm tại ngã tư Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội), định phóng ô tô bỏ chạy trong khi người nhà xông ra đường tìm mọi cách kéo, đẩy viên CSGT chặn trước đầu xe để mở đường là một minh chứng. Bởi vì kết cục người xô đẩy CSGT chỉ bị cảnh cáo, còn lái xe chỉ bị xử phạt 1,6 triệu đồng.
|
Xử quá nhẹ
Trần Trọng Thanh (27 tuổi, ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) lái xe tải chở xăng đến đường liên xã Mễ Trì - Đại Mỗ va quệt vào chiếc ô tô 4 chỗ mà không dừng xe và có lời lẽ thách thức, lăng mạ, chửi bới CSGT. Cấp sơ thẩm xử phạt Thanh 7 tháng tù giam nhưng tại phiên tòa phúc thẩm cuối năm 2011, TAND TP.Hà Nội lại tuyên giảm hình phạt xuống còn 4 tháng tù.
Giữa tháng 9.2012, TAND TP.HCM cũng tuyên y án sơ thẩm 1 năm tù đối với Trần Đình Thương (35 tuổi, quê Nghệ An) vì điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, tăng ga bỏ chạy khi bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe và buông lời lăng mạ rồi dùng tay đánh, đạp CSGT...
Theo dõi vấn đề này, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, đối với những hành vi chống người thi hành công vụ bộc phát nhất thời như trên chỉ có thể xử lý theo khoản 1 điều 257 bộ luật Hình sự. Theo đó, hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Có lẽ do ràng buộc về mặt pháp lý như trên nên vụ án nặng nhất ngày 27.2.2012, TAND TP.Cần Thơ tuyên cũng chỉ là 15 tháng tù đối với Huỳnh Thanh Thắng, sau khi y điều khiển xe chạy quá tốc độ cho phép, chửi bới, lao vào túm áo, giật đứt cầu vai của thiếu úy Phan Vĩnh Minh và định “tước” luôn khẩu súng ngắn của cảnh sát này. Thậm chí khi lực lượng Cảnh sát 113 đến hỗ trợ áp giải Thắng về Công an phường Ba Láng, Thắng tiếp tục có lời lẽ khiếm nhã với cán bộ công an, cởi phăng áo định “giáp lá cà” với lực lượng làm nhiệm vụ.
Trung tá Hoàng Văn Đạo, Đội trưởng Đội CSGT số 11 (CSGT Hà Nội), nói thẳng nguyên nhân khiến các vụ chống người thi hành công vụ trong thời gian gần đây gia tăng là do xử lý lỗi hành vi này quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Thua cả... lấn chiếm lòng lề đường
Trao đổi với Thanh Niên, thiếu tướng Trần Thùy, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho hay trong số các vụ chống đối lực lượng CSGT có rất nhiều vụ đặc biệt nguy hiểm và đã cấu thành tội danh giết người.
Như vụ CSGT huyện Từ Liêm là Nguyễn Hồng Sơn bị tài xế Nguyễn Văn Chưởng điều khiển taxi 31F-5235 của Hãng taxi Sao Thủ đô hất lên nắp capo rồi tăng ga để xe ô tô chạy hơn 30 km. Và chiếc taxi trên chỉ dừng lại khi có sự tham gia truy bắt “như trong phim hành động” của lực lượng chức năng cùng người đi đường.
Kế đến là vụ trung úy Nguyễn Mạnh Phan, CSGT thuộc Công an huyện Ba Vì. Khi đó trung úy Phan bị chiếc xe khách 39 chỗ 29B-023.04 do Phùng Hồng Phương (37 tuổi, trú tại xã Thái Hòa, H.Ba Vì, TP.Hà Nội) điều khiển đâm trực diện. Để bảo toàn tính mạng, trung úy Phan phải nhảy lên bám vào cần gạt nước. Tuy nhiên, sau đó Phương chỉ bị khởi tố về tội “chống người thi hành công vụ”.
Theo thông tin chúng tôi thu thập được thì cho tới thời điểm hiện tại, chưa có vụ chống đối lực lượng CSGT nào bị xử quá 6 tháng tù giam. Chia sẻ thêm về vấn đề này, thiếu tướng Trần Thùy thẳng thắn cho biết, không ít trường hợp “quen biết này nọ” nên sẽ rất khó cho lực lượng chức năng. “Tuy nhiên, nếu mạnh tay xử lý theo đúng tính chất và hành vi phạm tội của đối tượng trong từng vụ việc cụ thể thì sẽ dễ dàng lập lại trật tự”, ông Thùy nói.
Luật sư Nguyễn Văn Tài (Văn phòng luật sư Mai Trung Tính, TP.HCM) cũng nói thẳng, mức phạt 4 triệu đồng cho hành vi chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực giao thông lâu nay là quá nhẹ. Ngay cả dự thảo mới đây cũng chỉ đưa ra mức phạt cao nhất là 5 triệu đồng; phạt 1,4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 30 ngày đối với hành vi không tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Trong khi đó hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh mức phạt đến 20-30 triệu đồng… Theo ông, việc Bộ Công an đề xuất cho sử dụng súng bắn trả những hành vi chống đối là cần thiết, nhằm giữ nghiêm kỷ cương.
Nhiều luật sư đồng quan điểm cho rằng, cần sửa luật, tăng nặng hình phạt của tội chống người thi hành công vụ và tăng mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính.(Còn tiếp)
Công an phường ngại mang súng? Trả lời thắc mắc của PV trước việc một số cán bộ chiến sĩ khi thi hành công vụ không mang theo vũ khí, một cán bộ công an phường ở TP.HCM cho biết việc quản lý, sử dụng súng do trưởng công an phường chịu trách nhiệm và thường ủy quyền thêm cho cấp phó thay nhau quản lý, sử dụng khi trực chỉ huy. Mỗi chỉ huy phường và trực ban đều có chìa khóa kho vũ khí nên bất cứ tình huống nào cũng đều có đầy đủ vũ khí để chiến đấu. Theo quy định, khi lực lượng công an đi làm nhiệm vụ đều được trang bị vũ khí, kể cả đi kiểm tra hành chính nhà dân. “Còn trong một số trường hợp bất ngờ gặp tội phạm, gặp đối tượng chống đối manh động, công an không có công cụ để trấn áp có thể là do ngoài ca trực không được mang theo vũ khí, hoặc khi phân công anh em đi kiểm tra hành chính, xuống địa bàn... đúng là có phường ngại phát súng cho anh em”, vị này nói. |
Lê Nga - Đàm Huy - Hà An
>> Công bằng cho người thi hành công vụ
>> Bắt 6 nghi can chém người thi hành công vụ
>> Côn đồ chém đứt gân tay người thi hành công vụ
>> Lãnh án vì chống người thi hành công vụ
>> Chích điện người thi hành công vụ
Bình luận (0)