phạt hành chính, cưỡng chế tài khoản ngân hàng... Chưa hết, gần đây cơ quan thuế liên tục công khai thông tin cá nhân, doanh nghiệp (DN) nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các trường hợp chây ì, không nộp thuế đúng thời hạn. Phải khẳng định rằng các biện pháp này là cần thiết để đảm bảo nghĩa vụ thuế với ngân sách. Nhưng cũng vì thế, đòi hỏi nhà nước phải sòng phẳng về nghĩa vụ thuế ngày càng được các DN, cá nhân lên tiếng mạnh mẽ.
Chúng ta đều biết hoàn thuế trước đây vốn được coi là “trần ai khổ ải” với hầu hết mọi người. Đến mức, rất nhiều người bỏ luôn số tiền được hoàn thuế để đỡ mất thời gian rồi lại rước nỗi bực dọc vào thân. Nhưng với các DN, số tiền hoàn thuế chính là vốn kinh doanh, là hàng hóa, là hợp đồng, thậm chí là sự sống còn của họ. Nhất là vào dịp cuối năm, nhu cầu vốn vô cùng lớn và căng thẳng. Nhiều DN phải vay vốn ngân hàng, trả lãi để bù cho số tiền thuế chưa được hoàn. Vì vậy, chậm được hoàn thuế một ngày là thiệt một ngày; chậm một tuần, một tháng có thể lỡ mất cơ hội, đối tác quay lưng.
Thế mà trên thực tế, chuyện chậm hoàn thuế tính theo năm, nhiều năm... lại là chuyện thường. Đó là lý do, bức xúc về thuế bao giờ cũng đứng đầu bảng trong các vòng khảo sát và cũng vì thế, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế luôn được Chính phủ đặt lên hàng đầu trong cải cách môi trường đầu tư.
Nhưng đáng nói là khi thủ tục đã được giản lược thì vấn đề hiện nay lại là tiền. Quỹ hoàn thuế kẹt tiền. Mà kẹt tiền thì “bó tay”. Cũng vì kẹt tiền, ở chỗ này chỗ kia cán bộ thuế đành phải lấy thủ tục ra để trì hoãn. Có những DN thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau thì giờ lại bị đảo ngược quy trình; có những DN trước thuộc diện hoàn thuế nay bị siết lại; có DN thì lý do chỉ là tờ khai không đúng... đơn giản là để “câu giờ” khi quỹ hoàn thuế chưa được rót tiền về.
Ngân sách khó khăn, điều đó ai cũng hiểu nhưng tiền hoàn thuế vốn là tiền của DN đóng vào. Mấy năm nay, vốn vẫn là nút thắt đối với hầu hết các công ty. Vì vậy, trì hoãn hoàn thuế vì bất cứ lý do gì là hết sức bất công với họ. Hoàn toàn có khả năng vì bị chậm hoàn thuế mà DN rơi vào tình trạng nguy hiểm, thậm chí không thể hoạt động.
Chậm đóng thuế, DN bị phạt nhưng chậm hoàn thuế, chưa thấy cơ quan thuế trả lãi cho DN; nợ thuế, DN bị bêu tên lên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng nợ hoàn thuế nhiều nơi, chưa có cơ quan thuế nào bị bêu tên cả; quỹ hoàn thuế hết tiền, DN bị nợ hoàn thuế nhưng DN không thể kêu hết tiền để nợ thuế. Nếu nhà nước muốn DN chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ thuế thì một nguyên tắc cơ bản, nhà nước phải mẫu mực làm gương. Chứ vẫn tâm lý “nắm đằng cán” để chưa sòng phẳng trong hoàn thuế thì không những không khiến DN “tâm phục, khẩu phục” mà còn tạo ra môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, thiếu công bằng.
Bình luận (0)