Công bằng với trái tim

05/10/2012 11:12 GMT+7

Có giận ai rồi bỏ ăn mấy ngày người ta vẫn sống. Có dẹp hết việc để ngủ vùi suốt đêm thường cũng không hại ai, khỏe mình là khác. Nhưng có nội tạng lại không được thảnh thơi tự ý như thế.

Cơ quan đó dẫu mưa hay nắng, ngày hay đêm phải liên tục hoạt động với hiệu năng cao nhất để gia chủ dù vui hay buồn, dù ngủ hay thức, vẫn... sống!

Không được giảm năng suất

Đó là trái tim! Với trọng lượng không hơn 300 gam, với thể tích không hơn nắm tay, trái tim thân thương của mỗi người cung cấp một công suất tròm trèm 3.000.000 kilojoule trong 80-90 năm đời người, không ngơi nghỉ, để gia chủ được tiếng sống thọ!

Công bằng với trái tim 
Bỏ ra vài phút leo cầu thang mỗi ngày sẽ giúp cơ thể khỏe hơn - Ảnh: Châu Anh

Mỗi ngày tim phải vừa bơm vừa hút không dưới 7.000 lít máu bằng cách co thắt nhịp nhàng không ngừng, không nghỉ dù chỉ trong một nhịp thở. Tim phải đập như thế không dưới 3 tỉ lần trong suốt cuộc đời, tương đương với hiệu năng của 60 động cơ xe hơi loại Limousine, để mọi tế bào trong tận cùng ngõ ngách của cơ thể đều được nuôi dưỡng tận tình. Xe chưa hư có người đã mang bảo trì, cớ sao nhiều người lại quên con tim nô bộc của chính mình?

Chắc chắn có người biện luận bằng cách dựa vào quy luật sinh lão bệnh tử. Tim đằng nào cũng bệnh khi tuổi đời chồng chất vì máy nào xài hoài không mòn? Đúng nhưng không hẳn như thế, nhất là không hẳn tim phải bệnh sớm đến thế!

 

Mỗi ngày tim phải vừa bơm vừa hút không dưới 7.000 lít máu, liên tục như thế không dưới 3 tỉ lần trong suốt cuộc đời, tương đương với hiệu năng của 60 động cơ xe hơi loại Limousine.

Bạn từng nghe nói về Ulrich Inderbinen? Ông này không là danh nhân thành đạt hay nhà khoa học nổi tiếng thế giới, chỉ là nhân viên hướng dẫn du lịch trên dãy núi Alps đến tuổi 90 vẫn còn trượt tuyết hướng dẫn cho khách leo núi! Điều đó cho thấy không hẳn hễ về già thì tim phải bệnh. Điều đó chứng tỏ trái tim có thừa khả năng hoạt động ngay cả khi đã cao tuổi.

Thuốc nào tốt nhất cho tim?

Nhưng muốn được như thế thì tim cần được tập dượt ngay từ lúc còn thanh xuân. Inderbinen đã làm việc 70 năm, ngày nào cũng lên xuống núi Alps. Trong 70 năm trời làm việc liên tục, cụ Inderbinen chỉ nghỉ hè có mười ngày tổng cộng trong đời, không vì đau yếu. Tuy không dám quả quyết lý do khiến cụ có con tim khỏe đến thế là nhờ vận động, nhưng điểm lý thú là chuyên gia leo núi này không hề có đến chiếc xe đạp để đi chợ chứ đừng nói chi đến xe hơi.

Thầy thuốc khi khám tim cho Inderbinen phát hiện thêm một điều khó giải thích là tim ông cụ đập rất chậm ngay cả khi ông cố sức. Tim ông không khỏe sao được khi không cần gắng sức mà vẫn đạt hiệu năng mong muốn. Thử hỏi có bao nhiêu người trẻ trong thành phố của chúng ta còn đủ sức để leo vài tầng lầu thay vì hở một chút là dùng ngay thang máy?

Hơn thế nữa, con tim có thể trẻ rất lâu nếu gia chủ đừng quên tìm cho tim một loại thuốc quý - đó là niềm vui trong cuộc sống. Inderbinen được khách du lịch quý mến không chỉ vì lúc nào cũng tận tâm với công việc mà vì nụ cười luôn nở trên môi và tiếng hát vang vọng núi rừng. Với Inderbinen, công việc hướng dẫn du khách trên vùng đất quê hương chưa hề là công việc. Đó là nghĩa vụ và niềm tự hào của một người con trung thành với mảnh đất quê cha đất tổ. Tim của Inderbinen bệnh sao được khi ngày nào ông cũng tặng cho tim liều thuốc của mãn nguyện và yên bình.

Hễ già có lúc phải bệnh. Nhưng điều đó không có nghĩa già phải bệnh ngay, nhất là với trái tim. Đáng buồn hơn là tim bị bệnh khi gia chủ còn quá trẻ! Trái tim với sức chịu đựng phi thường, nhưng nếu phải gãy gánh dọc đường có khi do nạn nhân cũng chính là... thủ phạm!

Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng / Tuổi Trẻ

>> “Làm việc nhỏ với trái tim lớn”
>> Được làm bằng trái tim
>> Biển đảo trong trái tim tôi
>> Trái tim người mẹ
>> Chạm đến trái tim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.