* Nghi vấn tàu đổ chất thải Formosa xuống biển
Ngày 29.8, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đã ký công văn hướng dẫn nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối ở 4 tỉnh bắc miền Trung sau sự cố ô nhiễm môi trường do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra.
tin liên quan
Tháng 9 mới công bố cá biển ‘Formosa’ có ăn được hay chưaÔng Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP: Hiện chưa thể khẳng định tất cả mẫu cá an toàn, đã' ăn được', vì chỉ còn 1/2 mẫu bị ô nhiễm, chưa đạt yêu cầu thì cũng vẫn còn nguy cơ cho sức khỏe.
Cụ thể, Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản mặn, lợ bình thường đối với tất cả các phương thức nuôi (lồng bè, bãi triều, trong ao, đầm...). Chính quyền các địa phương hướng dẫn ngư dân khôi phục hoạt động khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển kết hợp lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm hải sản khai thác.
Để phục hồi hệ sinh thái thủy sinh, nơi cư trú của các loài hải sản, Bộ NN-PTNT khuyến cáo người dân chưa khai thác 3 vùng biển: hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh), cách bờ 1,5 km với diện tích 300 km2; cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) cách bờ 1,5 km với diện tích là 330 km2 và hòn Sơn Chà (Huế) cách bờ khoảng 1,5 km với diện tích 160 km2.
Ngoài ra, ngư dân cũng được khuyến cáo không khai thác hải sản ở tầng đáy với các nghề lưới kéo, rê đáy và câu đáy ở vùng biển cách bờ từ 20 hải lý trở vào ở 4 tỉnh bắc miền Trung. Còn với nghề muối, các địa phương hướng dẫn diêm dân sản xuất muối bình thường nhưng Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản lấy mẫu muối định kỳ 1 lần/tháng theo từng khu vực sản xuất muối để phân tích các chỉ tiêu cadimi, chì, thủy ngân, asen, phenol, xyanua cũng như tổ chức giám sát an toàn thực phẩm đối với các loại hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá và khi tàu về bờ. Bộ NN-PTNT cũng lưu ý, đối với khu vực có một số thông số môi trường cao hơn các khu vực khác, như vùng biển cách bờ 1,5 km thuộc hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh), cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), hòn Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế) cần tiếp tục theo dõi và tuân theo các hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.
Trong diễn biến khác, UBND tỉnh Quảng Bình hôm qua cho biết đã có công văn yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh khẩn trương tăng cường nắm bắt tình hình, điều tra xác minh, tuần tra kiểm soát; nếu phát hiện có các hoạt động tẩu tán, đổ chất thải trái phép trên vùng biển tỉnh Quảng Bình thì xử lý nghiêm, đồng thời báo cáo tình hình cho Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng để chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tuần tra, xử lý.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình, sáng 8.8, tàu cá số hiệu QB 92986 do ông Nguyễn Đình Khải (36 tuổi, ở thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, H.Bố Trạch) cùng 7 thuyền viên đang đánh bắt cách cửa Gianh khoảng 54 hải lý về hướng đông bắc thì phát hiện một tàu chở hàng loại lớn, sơn màu đen, ca bin màu trắng, thân tàu có các chữ cái Latin, không rõ số hiệu, trên tàu có hàng hóa được bịt bằng bạt và 2 cần cẩu, đang chạy từ đất liền ra theo hướng đông - đông bắc. Tàu vừa chạy vừa có 3 người vứt xuống biển nhiều túi ni lông; các thuyền viên nghi tàu đang lén vứt chất thải rắn công nghiệp của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xuống biển.
Bình luận