8 nhóm hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị đã tác động xấu đến môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, các chính sách thuế, phí hiện hành về bảo vệ môi trường lại mới chỉ dừng lại ở mục tiêu huy động sự đóng góp một phần của đối tượng xả thải vào môi trường, mức thu phí tùy thuộc vào mức độ gây ô nhiễm. Mặt khác, với các chính sách thuế hiện hành thì mục tiêu bảo vệ môi trường lại không phải là mục tiêu chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Ảnh Chinhphu.vn |
Vì vậy, việc ban hành Luật này nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của xã hội, tăng cường quản lý nhà nước, thực hiện cam kết đối với cộng đồng quốc tế, động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường…
Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định 8 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Đó là, nhóm hàng hóa xăng dầu (xăng, nhiên liệu bay, diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn mức thu từ 1.000đ -4.000đ/lít); than đá mức thu từ 10.000đ - 50.000đ/tấn; dung dịch HCFC (được sử dụng trong một số lĩnh vực công nghiệp như làm lạnh, điều hòa mức thu từ 1.000đ - 5.000đ/kg); túi nilon mức thu từ 30.000đ - 50.000đ/kg; thuốc trừ cỏ từ 500đ - 2.000đ/kg; thuốc bảo quản lâm sản mức thu từ 1.000 – 3000đ/kg; thuốc khử trùng kho mức thu từ 1.000 – 3.000đ/hg; thuốc trừ mối các loại hạn chế sử dụng mức thu từ 1.000 – 3.000đ/kg.
Như vậy, các sản phẩm được lựa chọn đưa vào đối tượng chịu thuế phải là những sản phẩm được sản xuất, nhập khẩu mà khi sử dụng mới gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012.
Đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường chứng khoán
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng - Ảnh Chinhphu.vn |
Đặc biệt, lần sửa đổi này cũng đưa ra các điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng theo hướng cam kết đưa chứng khoán giao dịch trên thị trường chứng khoán có tổ chức trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Bổ sung trách nhiệm của tổ chức phát hành chứng khoán phải đưa chứng khoán chào bán vào giao dịch trên thị trường chứng khoán có tổ chức.
Việc bổ sung này góp phần thu hẹp thị trường tự do, tạo sự bình đẳng trong các giao dịch, tăng cường vai trò của quản lý nhà nước, phù hợp với quy định của các nước và khuyến cáo của Tổ chức Hiệp hội các cơ quan quản lý chứng khoán quốc tế.
Nhằm khắc phục tình trạng “lách luật” của các công ty chứng khoán mà cơ quan quản lý không xử lý được, Luật cũng đã bổ sung quy định về chào mua công khai theo hướng quy định cụ thể về các trường hợp phải chào mua công khai, trường hợp ngoại trừ không phải chào mua công khai… Dựa trên nguyên tắc này, Chính phủ sẽ quy định về trình tự, thủ tục chào mua công khai.
Bên cạnh đó, một số các quy định khác cũng được bổ sung vào Luật này như quản trị công ty đại chúng, cơ sở pháp lý cho quản lý và tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán và liên kết thị trường chứng khoán với các nước khác, về công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ, công bố thông tin trên thị trường chứng khoán…
Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/7/2011.
Thành lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm
Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm, yêu cầu đặt ra đối với lần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng thực hiện các cam kết của Việt Nam gia nhập WTO, phù hợp với các luật có liên quan và nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước.
Cụ thể, Luật hiện hành chưa quy định về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, về tái bảo hiểm bắt buộc, phân loại nghiệp vụ bảo hiểm, đấu thầu, hợp tác và cạnh tranh trong dịch vụ bảo hiểm.
Theo đó, về đấu thầu trong cung cấp dịch vụ bảo hiểm hiện vẫn chưa thực hiện nghiêm túc, từ đó dẫn tới những biểu hiện thiếu minh bạch trong cạnh tranh.
Việc hợp tác trong kinh doanh bảo hiểm cũng còn một số tồn tại cần khắc phục như các doanh nghiệp bảo hiểm trực thuộc tập đoàn mẹ nhằm khép kín dịch vụ bảo hiểm trong nội ngành. Một số doanh nghiệp bảo hiểm lại hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước hay chủ đầu tư để chỉ định, ép buộc mua bảo hiểm hoặc can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.
Với yêu cầu nâng cao quản lý nhà nước trong kinh doanh bảo hiểm, Luật mới đã bổ sung thêm các quy định về giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, từ khâu chuẩn bị thành lập doanh nghiệp, trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp đến chuyển đổi mô hình và giám sát nghiệp vụ bảo hiểm…
Những sửa đổi, bổ sung lần này của Luật Kinh doanh bảo hiểm không chỉ đáp ứng nhu cầu lợi nhuận của doanh nghiệp mà còn bảo đảm an toàn và tính thanh khoản để bồi thường cho khách hàng hoặc trả tiền bảo hiểm kịp thời cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
Luật cũng bắt buộc các doanh nghiệp phải trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
Luật này cũng có hiệu lực thi hành từ 1/7/2011.
Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 10 năm
Đối với Nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, việc tiếp tục thực hiện chính sách này có sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn là đòi hỏi thực tế và xu hướng phát triển tất yếu hiện nay.
Theo đó, đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm là toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm, diện tích đất làm muối (trong và ngoài hạn điền); diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo; diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao để sản xuất nông nghiệp, kể cả đất được thừa kế, cho tặng, chuyển nhượng; hộ gia đình, cá nhân là xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định; hộ gia đình, cá nhân là lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định để sản xuất nông nghiệp và hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp đất của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Các đối tượng được miễn thuế gồm, miễn 50% thuế với diện tích vượt hạn mức giao nhưng không quá hạn mức nhận chuyển nhượng; giảm 50% số thuế với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Giảm 50% thuế với đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho lực lượng vũ trang quản lý, sử dụng.
Trường hợp được giao mà không sản xuất nông nghiệp, cho thuê lại thì tiến hành thu hồi lại đất theo Luật Đất đai, trong khi chưa thu hồi lại thì thu thuế 100%.
Thời hạn miễn, giảm thuế theo Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1/1/2011 đến hết ngày 31/12/2020.
Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ
Bình luận (0)