Theo đó, từ ngày 10.12 sẽ triển khai thí điểm tại các đơn vị đăng ký tham gia và từ 1.3.2017 triển khai chính thức trên toàn TP. Ở giai đoạn này, việc quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được thực hiện từ cổng trang trại chăn nuôi khi bắt đầu xuất chuồng đến các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, các siêu thị và chợ lẻ.
Về mặt kỹ thuật, người tiêu dùng chỉ cần cài đặt phần mềm có tên Te-food trên điện thoại để sử dụng. Nó sẽ cung cấp những thông tin liên quan đến sản phẩm thịt như: trang trại, cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh, ý kiến bình luận của người tiêu dùng...
Đề án đã nhận được sự tham gia tích cực của 15 DN, cơ sở chăn nuôi với gần 1.000 trang trại, có khả năng cung cấp 100% lượng tiêu thụ cho thị trường TP.HCM. Bên cạnh đó, còn có 11 cơ sở giết mổ đã đăng ký tham gia.
Hai chợ đầu mối là Bình Điền và Hóc Môn đã đăng ký tham gia, chiếm hơn 80% sản lượng thịt cung ứng cho thị trường TP. Ngoài ra, còn có 4 chợ lẻ là Bến Thành, An Đông, Hòa Bình, Thái Bình; 5 hệ thống siêu thị với 59 siêu thị đăng ký tham gia phân phối thịt heo trong đề án. Giai đoạn 2 của đề án sẽ triển khai quản lý theo chu trình khép kín hoạt động sản xuất, chăn nuôi heo từ khi mới sinh cho đến người tiêu dùng, dự kiến tổ chức trong năm 2017 và sẽ nhân rộng quản lý đến các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả và các sản phẩm khác.
Bình luận (0)