Công bố điểm 'sàn' ĐH quá thấp sẽ bị chế tài

Hà Ánh
Hà Ánh
07/06/2018 08:22 GMT+7

Dù cho các trường quyền tự chủ trong xác định ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu (điểm 'sàn') nhưng trường nào công bố 'sàn' quá thấp sẽ bị chế tài.

Thông tin này đã được nêu ra trong buổi tập huấn sử dụng phần mềm tuyển sinh năm 2018 do Bộ GD-ĐT chủ trì dành cho các trường ĐH-CĐ và TC (đào tạo giáo viên) khu vực phía nam tại TP.HCM ngày 6.6.
Tổng 3 môn không được dưới 10 điểm
Phát biểu trong buổi tập huấn, ông Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết năm nay Bộ không yêu cầu phải có ngưỡng điểm chung trong toàn hệ thống nhưng Bộ sẽ theo dõi rất sát việc công bố của từng trường. Bộ khuyến cáo các trường không nên đặt ngưỡng quá chi tiết mà nên đặt ngưỡng chung vì sẽ khó trong xét tuyển trực tiếp của trường. Các trường phải công bố điểm trước ngày 19.7 để thí sinh (TS) căn cứ trên điểm thi điều chỉnh nguyện vọng.
Ông Tuấn lưu ý: “Thời gian vừa qua báo chí đã nói rất nhiều về khả năng sau đợt 1 một số trường sẽ đặt ngưỡng để tuyển đủ chỉ tiêu. Bộ sẽ theo dõi rất sát tình hình này, trường nào công bố quá thấp, ví dụ 3 môn dưới 10 điểm sẽ có chế tài cụ thể. Bộ sẽ công bố rộng rãi danh sách các trường có điểm “sàn” quá thấp để cảnh báo”.

“Tác động ngược của điểm “sàn” thấp ở chỗ trường muốn tuyển được nhiều nhưng người học nghi ngờ rằng chất lượng thế nào mà điểm “sàn” chỉ 9 điểm cho 3 môn đã đủ điều kiện xét tuyển”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Sẽ xử lý các trường có tổ hợp môn “lạ”
Ông Trần Anh Tuấn còn khuyến cáo về tình trạng một số tổ hợp xét tuyển “lạ” xuất hiện trong đề án tuyển sinh các trường năm nay. Ông Tuấn nói: “Bộ đã tiến hành thanh tra trực tiếp, một số trường đã thay đổi. Dù nhắc nhở nhiều, ví dụ công nghệ thông tin xét tuyển tổ hợp văn - sử - địa nhưng một số trường vẫn duy trì với lý do trong 4 tổ hợp xét tuyển thì đó chỉ là tổ hợp phụ. Nhưng quy chế quy định rất rõ, tổ hợp xét tuyển phải được xây dựng phù hợp với bản chất ngành. Trong trường hợp này các trường đang vi phạm quy chế và sẽ có biện pháp xử lý”.
Đại diện Bộ còn chỉ ra nhiều số liệu báo cáo “khống” của các trường về tỷ lệ khảo sát sinh viên có việc làm sau một năm, điều kiện đảm bảo chất lượng và xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Ông Tuấn nêu ví dụ: “Khảo sát việc làm là thông tin quan trọng để TS khai khác trong lựa chọn nghề nghiệp. Tuy nhiên, Bộ đã tổ chức các đoàn đi thanh tra, từ danh sách trường cung cấp, Bộ đã gọi điện trực tiếp cho sinh viên. Kết quả là có hiện tượng một số trường công bố tỷ lệ quá cao, không sát với thực tế và đã cảnh báo các trường này”. Bộ cho biết sẽ chế tài mạnh các trường kê khai không đúng các thông tin này.
Nhiều mức điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh!
Một điểm mới tuyển sinh năm nay là việc sử dụng điểm quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển ở một số trường. Tại buổi tập huấn, đây cũng là nội dung thu hút quan tâm của nhiều trường.
Theo đại diện Trường ĐH Việt Đức, Bộ cần có quy định chung về việc quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ để không tạo ra tình trạng “lệch” giữa các trường như hiện nay. “Cùng một chứng chỉ với mức điểm tương đương nhưng khi quy đổi có trường cho 8 điểm, trường khác lại cho 10 điểm sẽ gây ra thắc mắc từ TS”.
Giải đáp vấn đề này, đại diện Bộ cho biết theo quy chế thi, TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi này và được tính 10 điểm. Nhưng quy chế này nhấn mạnh, TS muốn sử dụng ngoại ngữ xét tuyển thì vẫn phải dự thi. Tuy nhiên, Bộ vẫn giao quyền chủ động cho các trường trong việc xác định tiêu chí xét tuyển này.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ yêu cầu các trường phải công bố rõ việc này trong đề án. Hiện nay không có thang điểm nào quy đổi từ chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sang thang điểm 10 nên việc này sẽ do các trường quyết định. Thang điểm đó sẽ chỉ có giá trị xét tuyển trong từng trường chứ không có giá trị chung và đây là quyền chủ động của các trường, Bộ không can thiệp.
Đại diện này lưu ý thêm: “Các trường cần nghiên cứu kỹ và hết sức cẩn trọng để đặt ra thang điểm này, tránh áp dụng không nhất quán, tránh gây ra tác động ngược và tiêu cực, cùng một chứng chỉ nhưng lại nhiều mức điểm khác nhau gây nên khiếu kiện sau này”.
“Có thể nên tính tới cách khác, thay vì quy đổi, chỉ công bố xét điểm 2 môn và điểm giữ nguyên của chứng chỉ ngoại ngữ”, lãnh đạo Bộ gợi ý.
Thí sinh bị ép xét tuyển ĐH vì chỉ tiêu của trường phổ thông
Phát biểu trong buổi tập huấn, đại diện Trường ĐH Quy Nhơn đề nghị Bộ cần có quy định chặt chẽ hơn về thủ tục xác định nhập học. Theo quy định, TS có thể trúng tuyển nhiều nguyện vọng nhưng chỉ được chọn một nơi nhập học bằng cách nộp bản chính duy nhất giấy chứng nhận kết quả thi.
Liên quan việc nhập học, đại diện Bộ thông tin năm ngoái có một số trường chấp nhận phiếu điểm bản sao dẫn đến tình trạng TS ảo vì TS có thể trúng tuyển vào một trường nhưng lại nhập học vào trường khác. Đây cũng là một lỗi các trường cần lưu ý và thanh tra bộ sẽ theo dõi kỹ trong năm nay. Những TS bị mất giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc có thể đến sở GD-ĐT để xin cấp lại.
Đại diện Bộ cũng cho biết: “Quy chế cho phép TS quyền không đến nhập học dù trúng tuyển. Đây cũng là tình trạng nan giải trong nhiều năm nay. Có nhiều lý do, trong đó nguyên nhân mới xuất hiện năm ngoái là tình trạng có những trường phổ thông phát động phong trào cho TS đăng ký xét tuyển để lấy thành tích 100% học sinh đỗ ĐH chứ không xuất phát từ nhu cầu người học”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.