Cuộc thi thiết kế logo được phát động nhằm tìm kiếm biểu tượng đại diện cho tinh thần của sự kiện Phật giáo quốc tế sắp diễn ra ở TP.HCM.
Cuộc thi sáng tác logo Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025 do TT.Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam và là Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban tổ chức quốc tế Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam làm chánh chủ khảo.
Theo Ban giám khảo, logo của KTS Minh Quang được đánh giá cao về sự sáng tạo, tính thẩm mỹ cũng như khả năng truyền tải thông điệp hòa bình, từ bi và trí tuệ của đạo Phật. Thiết kế này không chỉ thể hiện sự hài hòa giữa tinh thần Phật giáo và văn hóa dân tộc mà còn mang tính toàn cầu, phù hợp với quy mô quốc tế của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng vinh danh KTS Trần Thành Tùng với giải khuyến khích, ghi nhận đóng góp của anh với một thiết kế giàu ý nghĩa, độc đáo và sáng tạo.
Sau khi Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Việt Nam công bố logo chính thức của Vesak 2025, logo sẽ được sử dụng trên tất cả các ấn phẩm, biểu ngữ và sự kiện liên quan, góp phần tôn vinh và lan tỏa thông điệp hòa bình, từ bi của Phật giáo đến toàn cầu.
Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc là một trong những sự kiện văn hóa quốc tế quan trọng được Liên Hiệp Quốc công nhận, nhằm tôn vinh các giá trị nhân văn và hòa bình toàn cầu. Ngày 15.12.1999, trong kỳ họp thứ 54 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, mục 174 của chương trình nghị sự chính thức công nhận Vesak, hay còn gọi là "Đại lễ Tam hợp" (kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn của Đức Phật, thường tương ứng với tháng 5 dương lịch) là Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc.
Hằng năm, sự kiện này được tổ chức trọng thể tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc ở New York và tại các văn phòng khu vực của Liên Hiệp Quốc.
Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam diễn ra từ ngày 6 - 8.5.2025 ở Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM (cơ sở Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh). Chủ đề chính của Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 là "Hòa hợp và bao hàm vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững".
Bình luận (0)