Đây là hoạt động thường niên, được Thanh tra Chính phủ (TTCP) thực hiện xuyên suốt từ năm 2016 tới nay; là một trong những công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại 63 địa phương trên cả nước.
Tỉnh nào cao nhất?
Điểm trung bình PACA 2022 đạt 66,06 điểm, cao hơn 3,94 điểm so với năm 2021, đồng thời là điểm trung bình cao nhất kể từ khi tổ chức đánh giá đến nay. Trong đó, đứng đầu toàn quốc là Vĩnh Phúc (đạt 77,95 điểm), TP.HCM đứng thứ 3 (77,28 điểm), Hà Nội xếp thứ 25 (68,27 điểm), thấp nhất là Phú Yên (50,02 điểm).
TTCP đánh giá, điểm trung bình PACA 2022 cao hơn các năm trước thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với công tác PCTN; đồng thời cũng phản ánh bước đầu tác động tích cực của việc thành lập và hoạt động của ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực tại các địa phương.
Tuy vậy, một số địa phương có điểm đánh giá luôn nằm trong nhóm có thứ hạng thấp, phản ánh việc tổ chức thực hiện công tác PCTN của các địa phương này chưa có sự tiến triển đáng kể. Điển hình là các tỉnh Phú Yên, Cao Bằng, Yên Bái và Lai Châu.
Vẫn theo công bố, việc tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp tỉnh có điểm trung bình là 1,48/2 điểm, đạt 74,21% so với yêu cầu. Con số trên cho thấy đã có biến chuyển tích cực so với các năm trước. Lãnh đạo địa phương cả nước đã ngày càng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc định kỳ tiếp công dân, trực tiếp lắng nghe, đối thoại và ra quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân.
Tuy nhiên, kết quả đánh giá cũng chỉ ra ở một số địa phương, việc tiếp công dân của chủ tịch UBND tỉnh chưa cao, cần thúc đẩy, thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Về kết quả công khai, minh bạch theo các quy định của luật PCTN tăng ấn tượng khi đạt 88,17% so với yêu cầu và tăng 5,08% so với năm 2021. Tuy vậy, TTCP dẫn đánh giá của Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022 và Chỉ số quản trị công cấp tỉnh PAPI 2022, cho thấy người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dễ dàng tiếp cận thông tin mà các cơ quan nhà nước cấp tỉnh đã công khai (mức độ đạt dưới 3,5/5 so với đánh giá). Những tài liệu khó tiếp cận nhất lần lượt là bản đồ và các quy hoạch sử dụng đất, các kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới.
Phát hiện tham nhũng qua kiểm tra, giám sát còn thấp
Một nội dung quan trọng khác là phát hiện và xử lý tham nhũng. Điểm trung bình năm 2022 đạt 19,91/40 điểm, tương đương đạt 49,77% yêu cầu, tuy cao hơn năm 2021 nhưng lại thấp hơn năm 2020, cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng trong 3 năm qua chưa tiến triển rõ rệt, bền vững.
Việc xử lý hành vi tham nhũng đạt kết quả khả quan (đạt 65,41% yêu cầu), thể hiện quyết tâm cao của các địa phương trong việc kiên quyết xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Công tác phát hiện hành vi tham nhũng, hiệu quả tốt nhất là qua công tác điều tra, truy tố, xét xử (đạt tới 88,75% yêu cầu).
Trong khi đó, việc phát hiện tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra, giám sát vẫn còn khá thấp (chỉ đạt 6% so với yêu cầu). Một điểm sáng được PACA 2022 đề cập, đó là kết quả xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào mức độ của vụ việc tham nhũng. Tiêu chí này đạt 3,52/7,5 điểm, có tiến triển tốt hơn so với năm 2021.
Thêm vào đó, cả 3 hình thức xử lý đều đạt ở mức tương đương nhau: khiển trách đạt 50,50%, cảnh cáo đạt 42,06% và cách chức đạt 48,21%. Điều này có nghĩa, các địa phương đã nghiêm túc trong việc xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Kết quả còn cho thấy sự nghiêm khắc khi hình thức xử lý cao nhất (cách chức) tương đương với hình thức khiển trách và cảnh cáo.
Bình luận (0)