Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000 ha (thuộc các xã Long Phước, Bàu Cạn, Long An, Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, huyện Long Thành, Đồng Nai).
Đây là cảng hàng không cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), với chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới, tiếp nhận được các máy bay A380 - 300 hoặc tương đương, công suất phục vụ 100 triệu hàng khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo đó, dự án được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2015 đến 2020 gồm hai đường hạ cất cánh, đường lăn, khu đậu máy bay, nhà ga hành khách có công suất 25 triệu lượt khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn/năm, khu điều hành khai thác, khu quản lý hoạt động bay, khu công nghiệp hàng không, khu phụ trợ… và sân đậu máy bay có 34 chỗ. Tổng mức đầu tư giai đoạn này hơn 6.744 triệu USD.
Giai đoạn 2 (từ năm 2020 đến năm 2030) sẽ có ba đường cất hạ cánh, hai nhà ga công suất 50 triệu khách/năm, ga hàng hóa 1,5 triệu tấn/năm; khu công nghiệp hàng không và thành phố sân bay phát triển theo nhu cầu.
Giai đoạn 3 (từ năm 2030 đến năm 2035 và sau năm 2035) sẽ gồm bốn đường cất hạ cánh song song với mỗi đường dài 4.000m và rộng 60m, và bốn nhà ga tổng công suất 100 triệu khách/năm, ga hàng hóa công suất 5 triệu tấn/năm.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: Cảng hàng không quốc tế Long Thành có nhiều tuyến giao thông đường sắt, đường bộ kết nối là điều kiện thuận lợi để trở thành cảng trung chuyển hàng không lớn của cả nước. Bộ trưởng đề nghị các bên liên quan cùng hợp tác, nhanh chóng đưa dự án trở thành hiện thực.
Kim Cương
Bình luận (0)