Công bố quyết định tàu không số là bảo vật quốc gia

Lê Tân
Lê Tân
10/08/2018 13:08 GMT+7

Sáng 10.8, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức lễ công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia với tàu vận tải quân sự HQ 671 và trao tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 cá nhân.

Tới dự buổi lễ có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các cơ quan trung ương, lãnh đạo thành phố Hải Phòng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân.
Tại buổi lễ, ban tổ chức đã công bố quyết định công nhận tàu vận tải quân sự HQ 671 là bảo vật quốc gia. Quyết định được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 25.12.2017.
Tàu HQ 671 (tải trọng 50 tấn) do Trung Quốc sản xuất và viện trợ cho Việt Nam từ năm 1964. Đầu năm 1967, tàu mang số hiệu C41. Tháng 7.1971, tàu mang số hiệu 641 và đến năm 1980, tàu mang số hiệu HQ 671. Đây là con tàu không số duy nhất còn lại.
Khi tham gia đoàn tàu không số thực hiện nhiệm vụ vận tải trên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, tàu HQ 671 đã đi 20 chuyến, vận chuyển gần 400 tấn vũ khí, hàng hóa và đưa đón cán bộ cách mạng đến các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, góp phần chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
bao-vat-quoc-gia
Tàu HQ 671 khi còn làm nhiệm vụ Ảnh Bảo tàng Hải quân
Sau ngày giải phóng miền Nam, tàu HQ 671 tiếp tục làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho các đơn vị đóng quân ở quần đảo Trường Sa. Tháng 10.1978, tàu nhận lệnh đi tìm kiếm 7 cán bộ, chiến sĩ của đảo Phan Vinh trong khi đang làm nhiệm vụ bị sóng biển làm trôi dạt. Sau 8 ngày đêm tàu đã tìm cứu được cả 7 người và đưa về đất liền an toàn.
Đầu năm 1988, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 671 tiếp tục tham gia bảo vệ đảo Đá Lớn. Ngày 14.3.1988, khi xảy ra sự kiện ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, tập thể cán bộ, chiến sĩ tàu quân sự HQ 671 đã vượt qua sự ngăn chặn, uy hiếp của đối phương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cán bộ, chiến sĩ ở các tàu của ta bị tàu chiến nước ngoài bắn chìm.
Tàu HQ 671 đã 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có 8 cán bộ, chiến sĩ của tàu qua các thời kỳ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tàu HQ 671 đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Hải quân.
Tại buổi lễ sáng nay, thay mặt Chủ tịch nước, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đã trao phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 cá nhân.
Đó là các ông: Nguyễn Hữu Phước (86 tuổi, nguyên Thuyền trưởng tàu 69, Đoàn 125 - nay là Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân), ông Phạm Xuân Sanh (77 tuổi, nguyên Đội trưởng Đội 179, Đoàn 126 Đặc công Hải quân - nay là Đội 3, Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân) và liệt sĩ Đồng Quốc Bình, nguyên chiến sĩ hàng hải, Trung đoàn 171 - nay là Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân. 
Ông Nguyễn Hữu Phước (hiện ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) nhập ngũ tháng 5.1948. Khi làm nhiệm vụ trên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, ông Phước là trung úy, Thuyền trưởng Tàu 69, Đoàn 125 và đã tham gia 8 chuyến vận tải chi viện vũ khí, đưa đón cán bộ vào chiến trường miền Nam.
Đêm 31.12.1966, khi tàu 69 phải chiến đấu với 6 tàu và 2 máy bay địch trên biển, ông Nguyễn Hữu Phước đã chỉ huy tàu 69 bắn chìm 1 tàu cao tốc, bắn bị thương 5 tàu khác của địch. Sau trận đánh này, tập thể tàu 69 và thủy thủ Phan Hải Hồ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân. Năm 1984, ông Phước về hưu với cấp bậc trung tá, chức vụ Tham mưu trưởng Trung đoàn 962, Quân khu 9.
bao-vat-quoc-giaThay mặt Chủ tịch nước, Ông Nguyễn Thiện Nhân trao phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 cá nhân Ảnh Lê Tân
Ông Phạm Xuân Sanh (hiện ở phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), nhập ngũ tháng 2.1964, đã chiến đấu bí mật trong hậu cứ của địch từ năm 1966 đến 1975 và tham gia chiến đấu 21 trận, cùng đơn vị đánh sập 10 cầu, đánh chìm 1 pháo hạm Mỹ và 6 hải thuyền. Ông Sanh đã 7 lần bị thương, nhưng vẫn tham gia chiến đấu đến ngày đất nước thống nhất. Năm 1989, ông Sanh nghỉ hưu với cấp bậc đại tá, chức vụ Trợ lý Tác chiến, Giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao, Quân khu 5.
Liệt sĩ Đồng Quốc Bình (sinh năm 1945 ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) nhập ngũ năm 1963 và hy sinh ngày 5.8.1964 sau khi bị thương nặng khi đánh trả máy bay, tàu chiến Mỹ tấn công căn cứ hải quân của ta tại Quảng Ninh. Tên liệt sĩ Đồng Quốc Bình được đặt cho Chi đoàn thanh niên thị xã Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh. Thành phố Hải Phòng cũng quyết định đặt tên Đồng Quốc Bình cho một đường phố và một phường thuộc quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.