Công bố với thế giới cách điều trị ung thư mới: Niềm hy vọng của bệnh nhân

16/02/2016 16:10 GMT+7

Sau khi bài báo Công bố với thế giới cách điều trị ung thư mới đăng tải trên Thanh Niên ngày 15.2, đông đảo bạn đọc đã vui mừng đón nhận, chia sẻ về công trình nghiên cứu của tiến sĩ (TS) Nguyễn Hồng Vũ, 34 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

Sau khi bài báo Công bố với thế giới cách điều trị ung thư mới đăng tải trên Thanh Niên ngày 15.2, đông đảo bạn đọc đã vui mừng đón nhận, chia sẻ về công trình nghiên cứu của tiến sĩ (TS) Nguyễn Hồng Vũ, 34 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

Vợ chồng TS Nguyễn Hồng Vũ - TS Phan Xuân Thúy trong thời gian cùng đi du học, nghiên cứu tại Hàn Quốc - Ảnh: H.VVợ chồng TS Nguyễn Hồng Vũ - TS Phan Xuân Thúy trong thời gian cùng đi du học, nghiên cứu tại Hàn Quốc - Ảnh: H.V
Độc giả Trần Minh Thiện (Cần Thơ) bày tỏ: “Tôi là một bệnh nhân ung thư kép: gan và máu. Tôi rất mong phương pháp này sớm được áp dụng chữa trị tại VN”.
Độc giả Lương Gia Việt (TP.HCM) bộc bạch: “Đọc tin mà mừng muốn rơi nước mắt… Hy vọng TS Vũ đã, đang và sẽ đi đúng hướng trong phương pháp điều trị ung thư mới. Và mong muốn các nhà khoa học trẻ tiếp tục chung tay cùng TS Vũ hoàn thiện công trình nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thực tiễn để nhân loại bớt khổ ải do căn bệnh ung thư quái ác”.
Độc giả tên Anh (Bình Thuận) cảm kích gọi công trình và tác giả nghiên cứu là “Niềm tự hào của người Việt và niềm hy vọng của của bệnh nhân ung thư”. Độc giả Toan viết: “Chúc mừng trí tuệ, nghị lực và lòng thương người của TS Vũ!”.
Còn bạn đọc Nguyễn Văn Thương (Đà Nẵng) nhận xét: “Tin vui cho bệnh nhân ung thư. Quá ngưỡng mộ cho tư tưởng và việc làm của vợ chồng anh Nguyễn Hồng Vũ. Chúc mọi thành công đến với vợ chồng anh”. Bạn đọc Thanh (Bắc Ninh) thì ao ước: “Cầu mong cho phương pháp này nhanh chóng đưa vào ứng dụng đại trà trên người... Đỡ gánh nặng chi phí và đau đớn cho biết bao bệnh nhân ung thư!”.
Trong khi đó, độc giả Ng_Tuan cho hay: “Khi tôi còn học năm thứ 5 tại trường y (cách đây 16 năm), tôi từng suy nghĩ điều trị theo hướng này vì cảm thấy quá trình điều trị ung thư thời đó đem lại sự hành xác khủng khiếp cho bệnh nhân. Nhiều người đã không thể chịu nỗi sự giày vò của tác dụng phụ của thuốc mà đành buông xuôi. Tuy nhiên sau đó 2 năm, châu Âu công bố phương pháp giống như tôi suy nghĩ họ làm bị thất bại. Mà ở VN thì biết rồi, thấy người ta làm thất bại thì đừng mong làm cái đề tài "vớ vẩn" đó. Nay thấy em làm được, tôi mừng lắm. Chúc em đạt nhiều tiến bộ hơn nữa. Tuy nhiên, từ bước thử nghiệm cho tới điều trị đại trà còn một quãng dài nữa. Mong em cố gắng. Mong nhà nước mình suy nghĩ lại mà đầu tư cho chất xám VN có chỗ đứng, nhân tài trong nước không thiếu, họ chỉ thiếu tiền và sự ủng hộ”…

Gia đình tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ - Ảnh: H.V

Đón nhận thông tin trên, chị Nguyễn Thủy Tiên (Quản lý và điều hành Mạng lưới ung thư vú VN) chia sẻ: “Tôi nhận thấy bất kỳ công trình nghiên cứu nào đưa ra phương pháp điều trị ung thư mới đều là một tin rất vui cho những người ung thư. Bản thân tôi hy vọng công trình này sẽ đem lại sự hữu ích lớn cho cộng đồng ung thư VN. Tôi mong rằng những công trình của người VN như công trình này luôn được khuyến khích không ngừng để các tác giả có điều kiện hoàn thiện, phát triển và sớm đưa vào ứng dụng trong thực tiễn”.
Là người cha có con gái mất vì căn bệnh ung thư quái ác, ông Thái Văn Điểm (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) tâm sự: “Tôi và gia đình vô cùng xót xa khi chứng kiến cháu vật vã đau đớn với những đợt hóa trị suốt mấy năm trời. Bên cạnh đó, chi phí điều trị quá lớn, khiến chúng tôi nhiều phen khốn đốn lao đao vì nợ nần. Ấy vậy mà, cuối cùng cháu cũng ra đi…”.
Nói đến công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Hồng Vũ, ông Thái Văn Điểm khẳng định: “Tôi biết có nhiều ca bị ung thư nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, không có tiền để chữa chạy. Họ sẵn sàng tình nguyện điều trị thí nghiệm ngay trên bản thân mình. Nếu thành công thì cơ hội được cứu sống của họ rất cao, còn nếu có gặp rủi ro thì cũng… không tệ hơn hoàn cảnh hiện tại của họ”...
Bệnh nhân sẽ có nhiều lựa chọn hơn
Hiện nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu về điều trị ung thư, mỗi nghiên cứu thành công sẽ góp thêm “vũ khí” cho kho tàng các phương pháp điều trị bệnh ung thư. Và công trình nghiên cứu của TS Vũ cũng nằm trong số này. Tuy nhiên, mỗi công trình và phương pháp mới chỉ đặc trưng và đạt hiệu quả cao nhất trong một số tình huống và trường hợp lâm sàng nhất định chứ không thể áp dụng cho tất cả.
Khi “kho vũ khí” điều trị bệnh ung thư ngày càng dày thì những bệnh nhân mắc bệnh ung thư sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc điều trị. Mỗi người sẽ ứng hợp với từng phương pháp riêng chứ không chung cho tất cả các bệnh nhân. Vì mỗi bệnh ung thư ở mỗi người về sinh học sẽ có sự khác biệt nên nếu thêm phương pháp điều trị sẽ có nhiều “đối tượng” được hưởng lợi hơn.
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM
Lương Ngọc (ghi)
Suốt 10 năm qua, trong quá trình du học tại Hàn Quốc, TS Nguyễn Hồng Vũ (34 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu hướng điều trị ung thư mới.
Theo đó, công trình nghiên cứu do anh làm chủ nhiệm đã sử dụng vi khuẩn đường ruột Salmonella điều trị ung thư thay vì dùng hóa trị, xạ trị như thông thường. Tiến sĩ Vũ cho hay, phương pháp này vừa đặc hiệu, không ảnh hưởng đến những cơ quan khỏe mạnh khác đồng thời vừa giảm được rất nhiều chi phí cho các bệnh nhân nghèo ở VN và các nước khác.
Công trình này từng được công bố trên tạp chí chuyên ngành có uy tín hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu ung thư Cancer Research - thuộc Hiệp hội về Nghiên cứu ung thư của Mỹ (ACCR- American Association for Cancer Research). Các công trình được đăng trên tạp chí này phải qua một loạt các vòng đánh giá của các giáo sư hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực này để chứng minh rằng đây là công trình nghiên cứu mới, có giá trị khoa học cao.
Hiện tại, công trình này đang được thử nghiệm trên loài chuột và bước đầu thu được những kết quả khả quan. Theo tiến sĩ Vũ, chưa thể nói trước khi nào thì có thể áp dụng phương pháp điều trị này cho người, bởi từ thử nghiệm đến thực tế còn cả một chặng đường cam go. Được biết, từ ngày 23.1.2016, TS Vũ đã chuyển sang Mỹ làm việc ở Viện Nghiên cứu City of Hope nhằm có thêm điều kiện để hoàn thiện, phát triển phương pháp điều trị mới này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.