Công chức hộ tịch chật vật cấp giấy tờ cho dân sau bỏ sổ hộ khẩu giấy

24/03/2023 09:18 GMT+7

Quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy đã và đang khiến cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp phường ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn khi cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc đăng ký kết hôn.

Như "gà mắc tóc"

Sau nhiều lần ngược xuôi, được sự hướng dẫn của cán bộ UBND P.Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), mới đây chị L.H (32 tuổi, quê Thanh Hóa) đã mang theo giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận thông tin về cư trú của chị và anh L.D (50 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện trú P.Thanh Xuân Trung) đến làm thủ tục đăng ký kết hôn lần 2.

"Cán bộ phường hướng dẫn cần chuẩn bị giấy tờ như vậy mới làm được thủ tục", chị H. nói và chìa ra tờ giấy xác nhận thông tin về cư trú của anh D. được Công an P.Thanh Xuân Trung cấp ngày 7.3.

Công chức hộ tịch chật vật cấp giấy tờ cho dân sau bỏ sổ hộ khẩu giấy - Ảnh 1.

Từ ngày 10.3, Hà Nội yêu cầu cán bộ, công chức không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính

PHAN TUYẾN

Như vậy, hơn 2 tháng kể từ khi bỏ sổ hộ khẩu giấy theo luật Cư trú 2020 (từ ngày 1.1 - PV), người dân khi đến làm thủ tục đăng ký kết hôn lần 2 tại UBND P.Thanh Xuân Trung vẫn cần đến giấy xác nhận thông tin về cư trú (mẫu CT07).

Lý giải về việc này, một lãnh đạo UBND P.Thanh Xuân Trung cho biết, do công dân qua nhiều nơi cư trú; trong khi đó trên phần mềm dịch vụ công của cán bộ phường chỉ hiển thị họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú và không có bất cứ thông tin gì khác; đồng thời, trên CCCD gắn chip cũng chỉ thể hiện một địa điểm.

"Hoàn toàn không có căn cứ nào xác định ở thời điểm trước đó, công dân (đủ 20 tuổi với nam; đủ 18 tuổi đối với nữ) đã đăng ký kết hôn với ai, ở địa bàn nào. Không yêu cầu công dân có giấy xác nhận cư trú thì phường không có căn cứ để giải quyết", vị lãnh đạo UBND P.Thanh Xuân Trung nói.

Cũng theo vị này, trước ngày 10.3, phường vẫn tạo điều kiện cho công dân khi làm thủ tục, nếu còn bản sao công chứng sổ hộ khẩu giấy thì không cần mẫu CT07. Nếu công dân không có bản sao sổ hộ khẩu giấy thì phải đi xin cấp mẫu CT07. Điều này hoàn toàn đúng theo quy định tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP, trong giai đoạn "chuyển tiếp, cập nhật các dữ liệu", người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.

Tuy nhiên, kể từ ngày 10.3 trở đi, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đã yêu cầu công chức tư pháp các địa phương không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin cư trú khi giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Trong trường hợp cần làm rõ tình trạng hôn nhân tại nơi thường trú trước đây của công dân, cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm chủ động phối hợp với cơ quan công an có thẩm quyền xác minh thông tin cư trú theo quy định tại điều 73 luật Hộ tịch; không yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ chứng minh.

Yêu cầu này của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực khiến cấp cơ sở phát sinh thêm thủ tục xác minh thông tin cho công dân. Cụ thể, khi đó công dân phải làm đơn yêu cầu xác minh thông tin; căn cứ trên nội dung đơn, UBND phường sẽ có công văn gửi công an phường nhờ xác minh. Đối với công dân có nhiều nơi thường trú khác nhau, công an phường tiếp tục gửi công văn lên công an quận rồi đợi được trả lời bằng văn bản. Từ đó, công an phường mới có văn bản trả lời UBND phường.

"Đây là điều rất bất cập, đến nỗi có cán bộ còn bảo không dám làm xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc đăng ký kết hôn nữa; nhìn thấy là sợ vì làm là vướng như gà mắc tóc", vị lãnh đạo P.Thanh Xuân Trung than thở.

Nếu để người dân tự kê khai sẽ nhiều rủi ro

Theo lãnh đạo UBND P.Thanh Xuân Trung, trong lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, hiện chỉ có thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân và cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là còn gặp nhiều vướng mắc; các thủ tục khác (khai sinh, khai tử…) vẫn áp dụng hình thức tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu được.

Đặc biệt, trên thực tế dù có đến 7 phương thức tra cứu dữ liệu nhưng phường không được trang bị máy đọc thông tin trên CCCD. Đầu đọc chip mới trang bị cho công an quận, công an phường chưa có. Trong khi đó, các nội dung liên quan đến hồ sơ của công dân chưa được các quận liên thông với nhau, quận nào có thông tin của quận đó thôi.

Hồi tháng 2 vừa qua, UBND P.Thanh Xuân Trung đã có báo cáo gửi UBND Q.Thanh Xuân nêu những khó khăn, vướng mắc khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết hiệu lực. Theo đó, việc thiếu trang thiết bị khai thác thông tin qua việc quét CCCD gắn chip khiến cán bộ giải quyết hồ sơ phải kiểm tra thủ công qua phần mềm thử nghiệm. Điều này gây mất thời gian, dễ bị ảnh hưởng nếu đường truyền không ổn định.

Đặc biệt, nếu công dân đã có CCCD, đã làm định danh điện tử nhưng sau đó thay đổi nơi cư trú thì khi tra cứu chỉ ra kết quả nơi cư trú tại thời điểm làm CCCD. Nếu công dân muốn cập nhật lại nơi cư trú mới khi chuyển khẩu thì buộc phải làm lại CCCD mặc dù CCCD vẫn còn thời hạn sử dụng.

Cũng gặp phải những vướng mắc tương tự như trường hợp tại P.Thanh Xuân Trung, lãnh đạo UBND một phường khác ở Hà Nội cho biết, theo luật Cư trú 2020, khi giải quyết thủ tục hộ tịch, cán bộ phường cần có thông tin về nơi cư trú để có cơ sở giải quyết.

Trong trường hợp người dân không thể xuất trình, cung cấp thông tin về nơi cư trú, phường sẽ chủ động phối hợp với cơ quan công an để xác minh. Tuy nhiên, việc xác minh này sẽ mất rất nhiều thời gian, thường cần ít nhất 7 ngày, thậm chí lên tới 15 ngày. Trong trường hợp người dân cần luôn thì phường không thể đáp ứng được.

"Trong vòng 20 ngày và đã làm tất cả các bước mà vẫn không xác minh được thông tin về cư trú, UBND phường sẽ cho người dân cam đoan, tự chịu trách nhiệm với thông tin đã kê khai. Để người dân tự kê khai có nhiều rủi ro nhưng phường không còn cách nào khác, vì vẫn phải giải quyết thủ tục cho người dân", vị lãnh đạo này chia sẻ thêm.

Một cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp phường tại Hà Nội than thở: sau khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng thì "khổ nhất là chúng tôi". "Nếu tra cứu thông tin ra hết thì chúng tôi đâu cần yêu cầu người dân cung cấp thêm thông tin. Hiện, thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không thể phục vụ giải quyết được tất cả các thủ tục", vị cán bộ này nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.