Công chứng điện tử giúp người dân hạn chế rủi ro về giả mạo giấy tờ

Ngân Nga
Ngân Nga
29/09/2023 20:09 GMT+7

Tình trạng giả mạo hồ sơ khi công chứng các giao dịch ngày càng tinh vi, mà công chứng khó phát hiện, nên khi có công chứng điện tử sẽ giúp người dân hạn chế rủi ro.

Công chứng và người dân yên tâm hơn

Đó là ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm đóng góp ý kiến hồ sơ xây dựng luật Công chứng (sửa đổi) do Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức tại TP.HCM, ngày 29.9.

Các đại biểu dành phần lớn thời gian để góp ý cho vấn đề công chứng điện tử. Theo bà Trần Thị Hằng (Trưởng văn phòng Công chứng Phan Thị Kim Cúc), mục tiêu của việc thực hiện công chứng điện tử không chỉ là để tạo ra văn bản công chứng điện tử mà còn để lưu trữ, gửi, nhận, khai thác, tập hợp, thống kê, báo cáo… một cách nhanh chóng, tiện lợi. "Hiện nay, công chứng viên chủ yếu dùng kinh nghiệm nhận biết phôi và mắt thường để kiểm tra hồ sơ mà người dân cung cấp nên khó phát hiện hết việc giả mạo giấy tờ. Vì vậy, công chứng điện tử là tiền đề để giải quyết những khó khăn mà trước đây không thể thực hiện được như loại bỏ giấy tờ giả trong hoạt động công chứng", bà Hằng nói.

Công chứng điện tử giúp người dân hạn chế rủi ro về giả mạo giấy tờ - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Hằng (Trưởng văn phòng Công chứng Phan Thị Kim Cúc)

NGÂN NGA

Bà Hằng kiến nghị cần có thêm quy định về hình thức công chứng điện tử trực tuyến có sự tham gia của 2 công chứng viên về việc công chứng diễn ra ở 2 địa điểm khác nhau thông qua hội nghị truyền hình trực tuyến bảo mật. Mỗi đầu cầu truyền hình sẽ có một công chứng viên tác nghiệp, để chứng kiến trực tiếp người yêu cầu công chứng ký hợp đồng và có thể đối chiếu các giấy tờ tài liệu mà họ xuất trình. Mô hình này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo an toàn hơn mô hình công chứng trực tuyến chỉ có sự tham gia của 1 công chứng viên.

Theo bà Hằng, nên bỏ quy định về địa lý. Theo đó, cần đưa ra lộ trình để bỏ quy định tại điều 43 về phạm vi công chứng hợp đồng giao dịch về bất động sản. Lý do của quy định này xuất phát từ việc hạn chế trong việc tra cứu tài sản chỉ thực hiện được trong phạm vi tỉnh. Tuy nhiên, khi đã có cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc thì việc tra cứu giao dịch được thực hiện trên toàn quốc. Do đó, không có lý do để hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng của các bên, quyền tự do lựa chọn tổ chức hành nghề công chứng của người dân.

TS Lê Tấn Quan (Phó giám đốc Trung tâm 1, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an) cũng đồng tình cho rằng phát triển công chứng điện tử là việc làm tất yếu.

Công chứng điện tử giúp người dân hạn chế rủi ro về giả mạo giấy tờ - Ảnh 2.

TS Lê Tấn Quan, Phó giám đốc Trung tâm 1, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, phát biểu tại tọa đàm

NGÂN NGA

Để xây dựng công chứng điện tử, ông Quan đề xuất một số nội dung nên được thể hiện trong dự thảo luật Công chứng (sửa đổi) như: nguyên tắc chung về công chứng điện tử; chú ý thẩm quyền lãnh thổ; quy định phạm vi được và không được sử dụng công chứng điện tử… Trong đó, lĩnh vực không được sử dụng công chứng điện tử gồm: giao dịch bất động sản, thế chấp bất động sản, thừa kế, khai nhận di sản. Lĩnh vực được công chứng điện tử như: chứng nhận hợp đồng kinh tế, thương mại, đầu tư…

Dự thảo chưa chặt chẽ

Còn Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng, tại khoản 1 điều 2 (dự thảo) quy định: "Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Công chứng điện tử là việc công chứng viên sử dụng chữ ký số chứng nhận hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử tạo ra văn bản công chứng điện tử".

Sở Tư pháp đề nghị tách quy định trên thành hai khoản riêng biệt vì "công chứng" và "công chứng điện tử" là hai khái niệm độc lập. Pháp luật hiện hành cho phép cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu công chứng các giao dịch hợp pháp, do đó đề nghị xem xét lại khái niệm "công chứng" không chỉ giới hạn ở "hợp đồng, giao dịch dân sự khác" mà phải là "giao dịch dân sự và các hợp đồng, giao dịch khác".

Cạnh đó, nội dung về công chứng điện tử chưa đảm bảo chặt chẽ so với quy định tại điều 62 (dự thảo) về quy trình công chứng điện tử.

Cụ thể, về hình thức thực hiện công chứng điện tử, Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị không phân biệt hai hình thức công chứng điện tử như tại dự thảo vì không phù hợp với định nghĩa "công chứng điện tử" tại khoản 1 điều 2 dự thảo.

Sản phẩm của công chứng điện tử phục vụ cho các thủ tục hành chính trực tuyến, liên thông giữa các ngành. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước. Do đó, Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị, quy định việc người yêu cầu công chứng có thể chọn một trong hai hình thức công chứng: công chứng thông thường hoặc công chứng trực tuyến theo định hướng tại khoản 2 điều 62 dự thảo.

Trong trường hợp, người dân có nhu cầu nhận bản điện tử của văn bản công chứng bản giấy, thì nên bổ sung quy định về việc cấp bản điện tử của văn bản công chứng và cấp bản sao văn bản công chứng điện tử vào điều 68 dự thảo. Đồng thời, để đảm bảo thực hiện được chính xác, an toàn việc công chứng trực tuyến, thì dự thảo cần phải có cơ chế để xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc có kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu khác (CCCD, dân cư, đất đai…).

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 117 tổ chức hành nghề công chứng, với 494 công chứng viên đang hành nghề. Từ năm 2015 đến giữa năm nay, các tổ chức hành nghề công chứng đã chứng nhận hơn 10,8 triệu vụ việc công chứng và chứng thực hơn 35,7 triệu việc, nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 780 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.