Công chứng sai dắt dây sai phạm

11/11/2012 03:05 GMT+7

Từ một văn bản công chứng sai, hàng loạt các cơ quan tố tụng ban hành các văn bản khác dựa trên cái sai khiến người trong cuộc điêu đứng.

Bà Trần Thị Tuyết Vân (ngụ Q.Tân Bình) có đơn khởi kiện ông N.N.Đ. (ngụ Q.2, TP.HCM) đòi nợ (tổng cộng 2,62 tỉ đồng, ông Đ. đã có đơn xác nhận nợ). Sau khi TAND Q.2 thụ lý đơn khởi kiện, bà Vân tiếp tục có đơn yêu cầu phong tỏa tài sản là quyền sử dụng 4.126 m2 đất do ông Đ. hùn mua với người bạn tên T. Mảnh đất này nằm trong khu quy hoạch đã có quyết định thu hồi và được áp giá đền bù hơn 2,9 tỉ đồng. Ngày 16.5, TAND Q.2 ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa mảnh đất trên. Mọi việc đều tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình tòa thụ lý, giải quyết vụ kiện thì bất ngờ ngày 29.8, ông Đ. và ông T. đến Văn phòng công chứng (VPCC) Sài Gòn ký thỏa thuận phân chia tài sản mua chung. Từ đây phát sinh nhiều hệ lụy. Theo thỏa thuận, trong 4.126 m2 đất chung đang bị phong tỏa, phần của ông T. chiếm hết là 3.500 m2, ông Đ. (con nợ bị kiện) chỉ còn 626 m2. Thỏa thuận phân chia này đã được công chứng viên của VPCC Sài Gòn chứng thực khi trên mạng của Sở Tư pháp đã có thông tin ngăn chặn giao dịch liên quan đến mảnh đất này.

Khi bà Vân phát hiện, phản đối thì ngày 30.10, VPCC Sài Gòn nhận lỗi, cấp tốc có văn bản thừa nhận "công chứng viên có sai sót" khi ký chứng thực việc thỏa thuận tài sản nói trên. Đồng thời, VPCC Sài Gòn cũng thông báo đến một số cơ quan có liên quan rằng: “Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản do VPCC Sài Gòn công chứng đã phát hành cho ông T. và ông Đ. là nhằm trốn tránh nghĩa vụ của ông Đ. nên không có hiệu lực. Đối với văn bản đã phát hành, VPCC Sài Gòn sẽ có biện pháp thu hồi”.

Trong khi văn bản công chứng sai đang bị khiếu nại, VPCC thừa nhận sai thì một số cơ quan khác lại căn cứ vào văn bản công chứng vi phạm pháp luật nói trên để ban hành một loạt các văn bản, quyết định sai phạm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người trong cuộc. Cụ thể, TAND Q.2 đã ban hành quyết định thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời, từ phong tỏa toàn bộ mảnh đất, chuyển sang phong tỏa gần 454 triệu đồng (làm tròn số) tương đương với 626 m2/số tiền đền bù. Thi hành án Q.2 tiếp tục căn cứ vào quyết định của tòa, thông báo đến một số cơ quan chỉ phong tỏa gần 454 triệu đồng làm cho sự việc càng trở nên rối rắm.

Theo một lãnh đạo Tòa dân sự TAND TP.HCM, thỏa thuận phân chia tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản thì không có hiệu lực, điều này ghi rõ trong thỏa thuận phân chia tài sản và cả trong bộ luật Dân sự “giao dịch vô hiệu do giả tạo”. Đó là chưa kể đến việc tài sản này đã bị ngăn chặn, mọi giao dịch phát sinh đều không có giá trị pháp lý.

Lê Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.