>> Tiếp tay lừa ngân hàng, cựu công chứng viên lãnh 7 năm tù
>> Công chứng viên bị “tuýt còi”
>> Giấy tờ giả ám ảnh công chứng viên
>> “Qua mặt” công chứng viên, lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng
Có hiện tượng công chứng viên cố ý làm trái quy định
|
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, báo cáo của các địa phương cho thấy đến thời điểm hiện tại chưa xảy ra trường hợp bồi thường nào của các công chứng viên trong hoạt động công chứng.
Tuy nhiên, trong thực tế đã có một số trường hợp công chứng viên sai phạm đã thỏa thuận bồi thường cho người yêu cầu công chứng theo nguyên tắc tự nguyện mà không đưa đến Tòa án giải quyết...
Nguyên nhân được Bộ trưởng Hà Hùng Cường chỉ ra: “Một bộ phận công chứng viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề dẫn đến những sai sót trong hoạt động, ảnh hưởng tới chất lượng văn bản công chứng. Bên cạnh đó, một số công chứng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, còn có hiện tượng công chứng viên cố ý làm trái, không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục công chứng theo quy định pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng tới uy tín nghề công chứng trong xã hội. Một bộ phận tổ chức hành nghề công chứng hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân nên thiếu tính ổn định, bền vững”.
Ông Hà Hùng Cường, khẳng định: “Các hiện tượng nêu trên tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đã gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của hoạt động công chứng”.
Theo Bộ trưởng Cường, những hạn chế bất cập trong công tác chứng thực chủ yếu là do thể chế về chứng thực chưa hoàn thiện. Ông Cường nhận định số lượng cán bộ tư pháp còn thiếu, một bộ phận không nhỏ chưa được đào tạo luật, cùng lúc phải làm kiêm nhiệm đến 13, 14 nhiệm vụ, trong đó có công tác chứng thực nên nhiều khi chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu chứng thực của nhân dân.
Việc giao cho Phòng tư pháp chứng thực chữ ký người dịch trong khi chưa quy định rõ về tiêu chuẩn, điều kiện quản lý người dịch dẫn đến chất lượng chứng thực bản dịch còn nhiều hạn chế.
Thanh kiểm tra toàn diện văn phòng công chứng
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, tại phiên giải trình, Bộ Tư pháp đã đưa ra một số giải pháp, trong đó đề xuất sửa đổi luật Công chứng, xây dựng luật Chứng thực, trình Chính phủ sửa đổi, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật Công chức, tạo thuận lợi cho việc đưa luật vào cuộc sống.
Trước tình hình báo chí phản ánh về sai phạm trong hoạt động công chứng thời gian qua, ông Hà Hùng Cường cho biết sẽ tăng cường kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong hoạt động công chứng.
Hiện Bộ Tư pháp đã có công văn chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố có kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn diện văn phòng công chứng trên địa bàn, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, ý thức pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý đã yêu cầu Bộ Tư pháp khắc phục tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, Bộ Tư pháp cần có quy hoạch mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng, tránh tình trạng phát triển quá nhiều, quá “nóng”, quá tập trung các văn phòng công chứng tại một số địa phương.
Ông Phan Trung Lý cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp chuẩn bị tổng kết, đánh giá sửa đổi bổ sung luật Công chứng để trình Quốc hội xem xét và đưa việc xây dựng luật chứng thực vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2015.
T.Hằng
Bình luận (0)