Nhiều công cụ kiểm tra AI trên mạng "phán bừa"
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) giúp người dùng dễ dàng tạo ra một bài viết hay hình ảnh chỉ với vài dòng lệnh cơ bản. Nhằm giải quyết vấn đề gian lận công sức, một số công cụ được sinh ra với mục đích kiểm tra AI hay con người là tác giả thực sự của những sản phẩm số.
Người dùng internet có thể dễ dàng tìm thấy các công cụ như vậy với những từ khóa đơn giản bằng bất kỳ ngôn ngữ nào trên Google. Rất nhiều trong số này cung cấp dịch vụ miễn phí, có thể kiểm tra AI mà không cần đăng ký tài khoản, nhận đánh giá cả văn bản lẫn hình ảnh hoặc tập tin dữ liệu. Tuy nhiên, chính công cụ dễ dàng tìm thấy trên mạng internet này dường như đang tạo ra một hình thức gian lận kết quả mới.
Anh Quốc Thắng (TP.HCM) là một trong những nạn nhân của công cụ kiểm tra AI với ngay chính sản phẩm của mình. Người dùng này cho biết sau khi viết một nội dung dài hơn 5.000 chữ để phục vụ cho kế hoạch quảng cáo của doanh nghiệp, phía đối tác từ chối công sức của anh do một trang web cung cấp dịch vụ kiểm tra AI trả về kết quả khẳng định đây là một sản phẩm "được thực hiện bởi AI tới 99,64%".
Không đồng ý với kết quả trên, anh Thắng tìm cách chứng minh sản phẩm là sức sáng tạo của mình bằng việc lấy nội dung khác đã xuất bản từ nhiều năm trước đó và đưa vào công cụ kiểm chứng. Kết quả do công cụ kiểm tra AI trên mạng trả về cũng cho thấy AI đã can thiệp rất sâu vào nội dung - điều hoàn toàn vô lý vì trí tuệ nhân tạo tạo sinh có khả năng viết lách như con người mới được công bố rộng rãi từ cuối năm 2022.
Tương tự, anh Ngọc Quân - người kiểm duyệt nội dung của một công ty truyền thông tại Hà Nội cũng "gặp khó" để chứng minh các sản phẩm được nhân viên gửi lên là tự sản xuất hay có can thiệp bởi trí tuệ nhân tạo. Việc sử dụng các công cụ trực tuyến miễn phí ban đầu tiện dụng, nhưng anh Quân cho rằng "không thể tin tưởng được" sau vài lần tự kiểm chứng.
Anh cho biết bản thân đã tự tạo ra nội dung nhưng khi kiểm tra AI bằng các công cụ khác nhau, dù có sai khác về tỷ lệ % "AI làm" thì kết quả phần lớn vẫn khẳng định đó là sản phẩm viết bởi trí tuệ nhân tạo. "Dường như nếu trong bài viết có sử dụng các đoạn phỏng vấn thì công cụ đánh giá có hành vi viết của con người. Còn lại nếu chỉ là diễn giải, dịch thuật... thì phần lớn sẽ bị 'kết tội' là AI", anh Ngọc Quân nhận xét.
Kết quả kiểm tra AI chỉ "hù dọa" để người dùng trả phí làm chuyên sâu?
Theo thử nghiệm thực tế của Thanh Niên, tính chính xác trong quá trình kiểm tra AI của các công cụ trực tuyến là không đồng nhất và cũng thiếu căn cứ. Cụ thể, khi lấy một bài báo đã đăng vào tháng 9.2019, công cụ kiểm tra khẳng định 89% thông tin được dựng bởi AI. Một bài báo khác vào tháng 10.2020, kết quả là 92% AI. Đây đều là những con số không thể có thật bởi năm 2019 và 2020 chưa có trí tuệ nhân tạo tạo sinh nào có khả năng viết văn bản nhuần nhuyễn xuất hiện trên thị trường.
Khi các kết quả đều có "nồng độ AI" cao bất thường, các website cung cấp dịch vụ kiểm tra AI đều kèm theo gợi ý để người dùng "hô biến" những văn bản nhập vào có nhiều chi tiết giống con người tạo ra hơn. Nhưng điều đáng nói là việc thêm và chỉnh sửa chi tiết "cho giống người thực hiện" lại được làm hoàn toàn bằng máy tính và các hệ thống thông minh học theo hành vi của con người (như AI).
Bên cạnh đó, để sử dụng dịch vụ này, người dùng sẽ phải đăng ký tài khoản và trả những khoản tiền hàng chục USD tính theo gói số lượng chữ mà họ định sử dụng. Ví dụ, sẽ có gói 5.000 chữ, 10.000 chữ... giống như một tài khoản trả trước, và người dùng sẽ phải nạp thêm nếu dùng hết số lượng chữ được sửa lại. Điều này giống như một hình thức "moi tiền" của người dùng sau khi hù dọa, khiến họ phải tìm cách để xóa dấu vết AI trên sản phẩm ban đầu (dù tự viết hay có hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo).
Dù vậy, trong số các công cụ miễn phí vẫn có một số đã đưa ra được kết quả đúng (ở mức tương đối về tỷ lệ % AI) nhiều lần liên tiếp ở các bài thử nghiệm ngẫu nhiên.
Bình luận (0)