Nhân dịp NXB Tri Thức và Công ty CP Sách Tao Đàn ra mắt sách Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại, Thanh Niên xin được trích đăng một số nghiên cứu và nhận định của Lương Đức Thiệp. Mời các bạn cùng theo dõi (tít bài do Thanh Niên đặt).
Trái lại, trong khi ấy ca dao và tục ngữ, một thứ văn chương truyền khẩu do toàn thể dân chúng cùng sáng tác, phát triển mau lẹ và bành trướng nhanh chóng. Bao nhiêu việc xảy ra đều được dân chúng ghi chép bằng ký ức và truyền bá bằng lời có vần điệu qua những câu ca dao hoặc tình tứ, hoặc sỗ sàng cùng những câu tục ngữ là những nguyên tắc luân lý, xã giao và thực hành cho toàn thể dân chúng. Đó là một kho tài liệu dồi dào về văn học mà mỗi đời vun đắp một thêm lên...
Văn học Việt Nam tiến rất chậm mà tất cả các loại chỉ loại Thi ca là trội hơn cả. Phần nhiều các sách soạn bằng chữ Hán nhưng cũng chỉ loanh quanh trong vài loại tạp ký và sử ký biên niên; loại sách về tiểu thuyết và luận thuyết thì tuyệt nhiên không có. Học chữ mượn, lại mượn luôn cả tư tưởng của Trung Quốc, các bậc tri thức Việt Nam khuất phục dưới cái trí thức hệ Nho giáo, không còn sinh khí nữa, mất sạch sáng kiến.
Công trình sáng tác phải nghèo nàn là lẽ dĩ nhiên vậy. Thêm câu nệ về hình thức, mong bỏ tiếng mẹ đẻ (Nôm na là cha mách qué) các bực trí thức Việt Nam tự bọc lấy cho mình một lớp cứng thành kiến nên không tiến hóa nổi nữa. Đến tư tưởng và thể văn, từ đầu đề cho đến điển tích, mọi thứ nhất nhất cũng cứ theo Trung Quốc cả, bắt chước cho thật đúng kiểu Trung Quốc không hề sai lấy mảy may.
Hiểu tư tưởng và học thuật của Trung Quốc một cách máy móc và thụ động như vậy, các bực trí thức Việt Nam giúp văn học Việt Nam tiến sao được. Trừ hình thức lục bát là do dân chúng "nôm na" sáng tác ra, còn thể chính như thơ, phú, văn sách, kinh nghĩa, hịch, tứ lục đều là những lối phỏng theo Trung Quốc.
Đến tư tưởng thì là một mớ hỗn tạp, linh tinh lẫn lộn cả tư tưởng Nho - Phật - Lão. Đến tình cảm trong văn chương thì cũng bất ngoại mục đích luân lý Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa. Cho đến cái thứ văn ca trù (hát ả đào) là một thứ văn du hý, thứ văn đem ca hát dưới xóm yên hoa, cũng đem lèn ý tưởng luân lý vào để khuyến dụ. Với những quan niệm chật hẹp và vụn vặt như vậy, văn học đâu có đà mà tấn bước. Cho nên suốt lịch sử mỗi lần dân tộc mạnh lên, là một nấc tiến mới trong văn học. Đời Trần đại thắng quân Mông Cổ, văn học bỗng tiến mạnh. Văn Nôm bột phát: Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố cầm lá cờ tiên phong mở đường cho văn Nôm vùng trở dậy với cuộc chiến thắng của dân chúng chống ngoại địch. Rợ Thát (Mông Cổ) đã tiêu trừ.
Trong nước đẳng cấp nho sĩ vững chân cố tự tạo lấy một lối (văn hóa), một thứ văn chương quý phái để phân biệt mình với dân chúng (nôm na) mà cho ngôn ngữ của họ là "cha mách qué". Do trạng thái tâm lý xã hội này của đẳng cấp nho sĩ mà mỗi lần có cuộc tranh đấu lớn lao nào của dân chúng là đồng thời cũng thường có một cuộc cải cách mạnh mẽ về ngôn ngữ đi kèm theo; tiếng Nôm được triều đình mới (do dân chúng bất bình với triều đình cũ đưa lên) trọng dụng. Vì vậy nhà Hồ lật đổ vua Hậu Trần đã tỏ ra bất lực, được dân gian ủng hộ, nên trong mọi việc cải cách, có cuộc chấn hưng ngôn ngữ trong chương trình. Nhà Tây Sơn chiến thắng phái quý tộc phong kiến trong nước Nguyễn và Trịnh, đuổi quân Xiêm La và quân nhà Thanh ra khỏi biên giới, cũng theo đuổi công cuộc chấn hưng Việt ngữ. Cũng như dưới triều Hồ, chữ Nôm được triều đình trọng dụng.
Nhưng văn Nôm là văn quảng đại dân chúng Việt Nam. Dân chúng bành trướng, tiếng Nôm và văn Nôm cũng bành trướng theo mà có một căn bản vững vàng để hóa dần hết những tiếng Hán-Việt, tự mở lấy một thứ văn chương rộng rãi hợp với tính chất dân chúng của mình. Vì vậy từ triều Trần về sau văn Nôm mới dần thịnh hành. Từ Lê chớm sang triều Nguyễn, văn Nôm phát triển mau lẹ hơn các đời trước. Những tác phẩm như Lục Vân Tiên, Nhị độ mai, Phan Trần, nhất là Kim Vân Kiều là một hình thức chiến thắng của dân chúng trong địa hạt văn chương nghĩa là cuộc chiến thắng của văn Nôm đối với Hán văn.
Nhưng đó chỉ là một phương diện nghệ thuật của mấy tác phẩm trên đây nhất là quyển Kim Vân Kiều... Kiến trúc kinh tế và xã hội ấy vẫn tạo ra những mẫu người "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín" lẫn với những mẫu người trái hẳn lại, cũng như vẫn tạo ra một tâm trạng xã hội riêng cho các hạng người trong mỗi đẳng cấp và tâm trạng gần như chung cho tất cả mọi người. Nguyễn Du đã tạo lại những hoàn cảnh tâm lý cho cả mọi người tự còn cảm thấy mình cùng rung động với nhân vật trong truyện, nên ai nấy đều cho Truyện Kiều là tuyệt tác. Thêm những cảnh đẹp tự nhiên của trời đất khéo mô tả nữa. Song không vì vậy mà Truyện Kiều sẽ bất hủ mãi mãi.
Nếu xã hội đổi thay hẳn, nếu điều kiện sinh hoạt vật chất đổi thay hẳn, tâm trạng sẽ phải cũng đổi thay. Cái hay của Truyện Kiều sẽ không còn hợp với thứ tâm trạng do điều kiện sinh hoạt hoàn toàn đổi mới quy định.
Bình luận (0)